Tài chính

Tiếp tục nới lỏng tiền tệ, TTCK có thể đạt mức định giá cao kỷ lục trong năm 2021

(VNF) - Lãi suất có thể thoát đáy vào giữa năm 2021 do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và kinh tế phục hồi.

Tiếp tục nới lỏng tiền tệ, TTCK có thể đạt mức định giá cao kỷ lục trong năm 2021

Trong báo cáo sơ lược về triển vọng vĩ mô và thị trường Việt Nam năm 2021 vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI dự báo rằng tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam sẽ ổn định khoảng 6,5% so với năm trước (cao hơn kế hoạch của Chính phủ là 6%).

Mức tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý II/2021 và giữ đà tăng đó đến năm 2022 (tăng đến khoảng hơn 7%).

SSI nhấn mạnh nhiều sự chú ý đang được hướng đến những sự kiện quan trọng nhất sẽ diễn ra trong năm 2021, đó là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra vào tháng 1, sau đó là bầu cử Quốc hội khóa mới vào tháng 5. Đây cũng là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm mới giai đoạn 2021-2025. Trong kế hoạch 5 năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%.

"Kế hoạch 5 năm sẽ có 2 giai đoạn: 2021-2022 (giai đoạn phục hồi) và 2023-2025 (giai đoạn tăng tốc). Do vậy, đối với năm 2021, Chính phủ vẫn tiếp tục việc nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục ở mức cao, kể cả theo số tuyệt đối do GDP theo giá hiện hành được điều chỉnh tăng", chuyên gia của SSI cho hay.

SSI cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ được hỗ trợ từ việc nền kinh tế toàn cầu phục hồi, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành trung tâm có tầm quan trọng hơn trong hệ sinh thái công nghiệp chế biến chế tạo.

Cùng với đó, các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA hay RCEP sẽ có tác động mạnh mẽ hơn.

Trong năm 2021, SSI dự báo tăng trưởng giải ngân đầu tư công sẽ khó có thể tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy vậy, dòng vốn FDI dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tiêu dùng nội địa sẽ phục hồi từ năm 2021 cũng được nhận định sẽ là động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong năm sau.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ nới lỏng cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

"Năm 2021, chúng tôi ước tính Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khác cũng thực hiện chiến lược tương tự và đồng USD có thể tiếp tục giảm giá. Tuy nhiên, chính sách ngoại hối vào năm 2021 có thể thay đổi sau khi Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ. Đây có thể là yếu tố xúc tác chính để Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh “không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng” vào định hướng chính sách. Do đó, chúng tôi có thể kỳ vọng đồng VND có thể tăng giá tương ứng với các chuyển biến tích cực của các yếu tố kinh tế vĩ mô của năm 2021", chuyên gia của SSI nêu quan điểm.

Trong khi đó, lãi suất có thể thoát đáy vào giữa năm 2021 do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và kinh tế phục hồi.

Theo Ngân hàng Nhà nước , đến ngày 21/12/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 10,14% so với đầu năm và 11,62% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị giải ngân cho vay khách hàng trong quý IV/2020 đã tăng lên 331 nghìn tỷ đồng (so với 200 nghìn tỷ đồng trong quý III/2020).

"Qua trao đổi với các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi, kết quả này là chủ yếu nhờ mảng cho vay bán lẻ, cụ thể là cho vay hộ kinh doanh. Mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn tương tự như các quý trước", chuyên gia SSI cho hay.

Năm 2020, công ty chứng khoán này ước tính tăng trưởng tín dụng có thể đạt 12%. Năm 2021, mức tăng trưởng tín dụng nằm trong khoảng 13%-14%, cao hơn ước tính năm 2020 và sát với năm 2018 và 2019 là hơn 13%. Quan điểm lạc quan này dựa trên giải định nền kinh tế phục hồi nhờ sản xuất thành công vắc-xin Covid, dòng tiền chuyển dịch từ kênh trái phiếu doanh nghiệp sang tín dụng ngân hàng và thị trường tài chính tiêu dùng tăng trưởng trở lại.

Riêng với thị trường chứng khoán Việt Nam, SSI nhấn mạnh nếu dòng vốn nước ngoài quay trở lại vào năm 2021, đặc biệt với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán trong năm sau, do các nhà đầu tư cá nhân thường có động thái hành động theo nhà đầu tư nước ngoài.

Tại ngày 28/12/2020, hệ số P/E thị trường năm 2021 theo ước tính của SSI ở mức 16,03 lần.

Theo dữ liệu lịch sử của thị trường Việt Nam với thời gian tham chiếu P/E trong vòng 3 năm qua, P/E trung vị trong giai đoạn 2018-2020 là 16,4 lần và mức P/E đạt được cao nhất là 21,6 lần tại ngày 22/3/2018.

Với hệ số P/E thị trường là 16,03 lần, SSI cho rằng định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước dịch, ngay cả khi tính đến lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021.

"Tuy nhiên, chúng tôi thừa nhận rằng năm 2020-2021 có thể sẽ khác, đặc biệt khi tính đến thanh khoản dồi dào và vai trò của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư “F0” ngày càng tăng. Ngoài ra, định giá thị trường Việt Nam vẫn còn thấp hơn tương đối so với các nước khác trong khu vực", SSI nêu quan điểm.

Trong kịch bản tốt nhất, công ty chứng khoán này dự báo dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua.

Trong kịch bản cơ sở, SSI sử dụng mức hệ số P/E 18 lần cho chỉ số VN-Index trong năm 2021 (tương đương với triển vọng tăng giá là 12,3%).

"Theo dự báo của chúng tôi, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021", báo cáo của SSI cho biết.

4 rủi ro trong năm 2021 theo quan điểm của SSI:

Đầu tiên, nới lỏng chính sách tài khóa (được coi là một công cụ chính sách hiệu quả trên thế giới) có thể đi kèm với khả năng bị hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đặc biệt nếu Việt Nam không đủ khả năng xử lý gánh nặng nợ công tăng cao, đặc biệt trong trưởng hợp kinh tế hồi phục chậm hơn dự kiến.

Rủi ro khác là rủi ro lạm phát. Mặc dù vậy, SSI lưu ý rằng Việt Nam cũng đã cập nhật tỷ trọng rổ tính CPI. Như vậy, năm 2021 sẽ là năm đầu tiên áp dụng tỷ trọng mới (giảm tỷ trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực và thực phẩm, đồ uống, hàng may mặc, hàng điện tử/ điện gia dụng và tăng tỷ trọng đối với nhà ở và dịch vụ như giáo dục, y tế, giải trí, viễn thông). Với điều chỉnh trọng số này, nhu cầu tăng tại các nước láng giềng Trung Quốc (cùng với việc tăng trưởng GDP mạnh mẽ thời kỳ hậu Covid) có thể có tác động ít hơn đến mức giá tại Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 vẫn luôn là trọng tâm trong dự báo và bất kỳ sự kiện nào liên quan đến việc thử nghiệm/ triển khai/ chấp nhận vaccine, hay biến thể virus có thể tác động mạnh đến đà phục hồi.

Cuối cùng là rủi ro từ việc Hoa Kỳ áp thuế bổ sung trên cơ sở các cáo buộc về định giá thấp đồng nội tệ. Tuy nhiên, nếu các mức thuế bổ sung dẫn đến các cuộc đàm phán thương mại, đây có thể là một tin tốt, vì Việt Nam cần một Hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ, nhất là sau khi quốc gia này rút khỏi hiệp định TPP, do đó các cuộc đàm phán với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) có thể là lý do tốt để tái khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do.

Tin mới lên