Tiêu điểm

'Tiết giảm chi phí để giảm lãi suất 1-2% không còn tính khả thi cao'

(VNF) - Theo Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Agribank Phạm Đức Ấn, chủ trương tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm không còn tính khả thi cao bởi mặt bằng huy động lãi suất từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 3%/năm.

'Tiết giảm chi phí để giảm lãi suất 1-2% không còn tính khả thi cao'

Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội.

Thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, đã đề cập đến 3 vấn đề tín dụng, đầu tư công và bất động sản.

Lãi suất huy động đã tăng hơn 3%/năm

Chủ tịch Agribank cho biết, đầu năm 2022, tín dụng đã tăng rất cao bởi các khách hàng và ngân hàng đều tận dụng để phát triển ngay từ đầu.

"Nếu như tăng trưởng tín dụng đã lên đến 11,04% tính đến ngày 30/9, trong khi đó tăng trưởng huy động vốn chỉ có 4,37 %, tức là khoảng cách thiếu vốn rất lớn", ông Phạm Đức Ấn nói.

Cũng theo ông Phạm Đức Ấn, trong thời gian vừa qua, việc đầu tư công không giải ngân được khiến vốn không đưa ra được hệ thống ngân hàng thương mại, điều này dẫn đến thiếu vốn. Do đó, để đảm bảo hoạt động, các ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động rất cao.

Đáng chú ý, vị đại biểu này cho rằng, chủ trương tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm theo nghị quyết của Quốc hội không còn tính khả thi cao bởi vì mặt bằng lãi suất huy động từ đầu năm cho đến bây giờ đã tăng trưởng hơn 3%/năm.

"Hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua với điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mặt bằng lãi suất cho vay nhưng huy động vốn đã tăng lên 3%. Trong thời gian tới, để giải quyết bài toán mà theo chủ trương này thực sự là vấn đề rất khó. Vấn đề này không chỉ cho hiện nay mà sang năm, chi phí cho lãi vay của hệ thống ngân hàng sẽ rất lớn. Đấy là việc khó khăn", Chủ tịch Agribank nói.

Bên cạnh đó, ông Phạm Đức Ấn cho biết Quốc hội, Chính phủ đã có chính sách, chủ trương giảm 2% lãi suất cho các đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay, cả hệ thống mới giải ngân và mức độ tài trợ ngân sách chỉ khoảng 13,5 tỷ đồng.

Đặt vấn đề việc này có phải là lỗi ngân hàng hay lỗi cơ chế chính sách? vị đại biểu này cho rằng mặc dù Chính phủ đã rất quyết liệt, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành cũng đưa ra cơ chế chính sách rất cụ thể nhưng hiện nay cả các ngân hàng thương mại và người thụ hưởng đều đang lúng túng khi quy định chưa cụ thể, rõ ràng.

"Nhìn đâu đó mình vừa thuộc đối tượng nhưng lại vừa không đủ các điều kiện để được thụ hưởng chính sách đó. Điều này dẫn đến chính bản thân người thụ hưởng cũng không mặn mà. Nếu không cẩn thận mà hưởng chính sách này lại bị trách nhiệm dẫn đến hiệu quả của cách thức theo hướng này không cao", ông Phạm Đức Ấn nói thêm.

Cần phải có lộ trình siết và kiểm soát bất động sản

Nói về bất động sản, ông Phạm Đức Ấn cho rằng, phải có giải pháp căn cơ để phát triển lâu dài thị trường bất động sản, đặc biệt liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng, khu công nghiệp. Đây đều là những cái sẽ tạo ra lợi ích rất lớn cho xã hội, do đó việc phát triển bền vững là rất quan trọng và kể cả bất động sản nhà ở cũng vậy.

"Bất động sản lâu nay được xác định gần như là một lĩnh vực kinh doanh mang lại lợi nhuận dẫn đầu, dẫn đến việc tất cả mọi người sẽ tìm về kinh doanh bất động sản, như vậy nó cũng sẽ như Evergrand của Trung Quốc", vị đại biểu này quan ngại.

"Vừa qua, các tập đoàn tư nhân đang thành lập các hệ sinh thái, liên quan xoay quanh bất động sản. Như vậy, nếu không kiểm soát được thì kinh doanh, ngành nghề nào có chút lợi nhuận cũng lại đẩy vào bất động sản, bởi vì nó vừa an toàn, vừa có lợi nhuận cao", ông Phạm Đức Ấn cho hay.

Cũng theo đại biểu này, việc phát triển nền kinh tế mà dựa vào lợi nhuận cao của bất động sản thì chắc chắn nền kinh tế cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Song nếu kiểm soát một cách đột ngột, không cẩn thận có thể dẫn đễn việc đỗ vỡ dây chuyền. Việc này cũng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế.

Vì vậy, Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn cho rằng, trong chủ trương của Trung ương, cũng như tới đây là sửa Luật đất đai và kinh doanh bất động sản cần phải có lộ trình để siết và kiểm soát.

Nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam kêu 'làm là lỗ'

Theo ông Phạm Đức Ấn, 9 tháng đầu năm 2022 giải ngân đầu tư công chỉ đạt 46,7%, tỷ lệ giải này còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 47,38%). 

Vị đại biểu này cho biết, hiện nay cao tốc Bắc - Nam có khoảng 20 nhà thầu thi công, việc lập dự án được làm từ năm 2018-2019, tuy nhiên cho đến khi dự án được triển khai, mặc dù CPI không phải là cao nhưng giá nguyên vật liệu đầu vào trong lĩnh vực này đã tăng khoảng 20-30%.

"Việc tổng mức đầu tư không thể thay đổi, còn giá dự phòng chỉ có 10% như vậy thì gần như họ làm là lỗ và họ bảo là kiệt quệ. Ngay cả đối với một số dự án nhỏ, lẻ có hợp đồng đã chốt giá rồi, bây giờ có điều chỉnh cũng không thể nào quá giá dự phòng được, nếu mà triển khai thì họ sẽ bị lỗ. Như vậy, họ cố gắng để chờ một ngày nào đó giá xuống thì mới làm được", ông Phạm Đức Ấn nêu vấn đề.

Cho rằng cơ chế không thể giải quyết được vấn đề này, theo ông Phạm Đức Ấn, việc chỉ chỉ đạo quyết liệt sẽ rất khó để thực thi, do đó cần phải có một giải pháp cụ thể.

Tin mới lên