Tiết lộ tình hình tài chính 'đế chế' vàng bạc đá quý Doji của đại gia Đỗ Minh Phú

Ngọc Lưu - 23/05/2022 20:39 (GMT+7)

(VNF) - Từ lâu, Doji đã được biết tới như một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành. Tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD được thành lập ngày 28/7/1994 bởi ông Đỗ Minh Phú. TTD sớm tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế, vốn là một lĩnh vực vô cùng mới mẻ tại Việt Nam.

VNF
Ông Đỗ Minh Phú, người sáng lập "đế chế" vàng bạc đá quý Doji.

"Đế chế" vàng bạc đá quý

Năm 2007, Công ty TTD chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại Doji. Cùng năm này Doji chính thức khai trương Ruby Plaza tại Hà Nội vào ngày 30/6 - một trong những trung tâm vàng bạc đá quý và trang sức lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.

Năm 2009, Doji chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Từ thời điểm này, Doji bắt đầu mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực thay vì chỉ vàng bạc, đá quý.

Tính đến nay, Doji có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, 5 công ty liên kết góp vốn và 61 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán...

Danh sách 15 công ty thành viên của Doji gồm: Công ty TNHH Thế Giới Kim Cương, Công ty Cổ phần Thế giới Kim Cương TGKC, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land, Công ty Cổ phần VBĐQ SJC Hà Nội, Công ty Cổ phần VBĐQ SJC Đà Nẵng, Công ty TNHH Bất động sản Blue Star, Công ty Cổ phần Khu du lịch Sinh thái Tam Đảo, Công ty TNHH Xây lắp và Kỹ thuật Phúc Thịnh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Bông Sen Đỏ, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Doji...

Tham vọng bất động sản

Ngoài kinh doanh vàng bạc, đá quý và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, Doji còn chú trọng đầu tư vào mảng bất động sản với quy mô ngày càng lớn. Để thực hiện hóa tham vọng này, tháng 9/2021, Doji đã phát hành thành công 10 triệu trái phiếu với tổng trị giá 1.000 tỷ đồng. 

Kỳ hạn của trái phiếu là 5 năm. Lãi suất áp dụng đối với 4 kỳ tính lãi đầu tiên (kỳ tính lãi 3 tháng trả 1 lần) là cố định 8,75%/năm, các kỳ sau tính lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5%/năm nhưng không thấp hơn 8,75%. Ngày đáo hạn là ngày 24/6/2026.

Doanh nghiệp cho biết toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được dùng để hợp tác kinh doanh, đầu tư với các công ty thành viên nhằm mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, Doji cũng sẽ tiến hành hợp tác kinh doanh, đầu tư với các đối tác trong lĩnh vực tài chính nhằm gia tăng nguồn thu và lợi nhuận cho công ty.

Đây là lần thứ 3 trong năm 2021, Doji huy động nguồn tiền từ kênh này, đều với mục đích hợp tác đầu tư lĩnh vực bất động sản. Tổng cộng, sau 3 lần phát hành thành công, tập đoàn đã huy động được 1.600 tỷ đồng trong năm 2021 (300 tỷ đồng trong tháng 5; 300 tỷ đồng trong tháng 6).

Trong năm 2020, Doji cũng phát hành thành công 750 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng (3 năm), lãi suất 9,5%/năm cho kỳ đầu tiên.

Kể từ khi lấn sân sang bất động sản, Doji sở hữu hàng loạt dự án nghìn tỷ như dự án khu đô thị Nam Vĩnh Yên có tổng diện tích 65,6ha, tổng số vốn đầu tư là 3.900 tỷ đồng; dự án chung cư cao cấp The Sapphire Residence (tại Bến Đoan, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) với quy mô 4,77ha và tổng mức đầu tư 4.272 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Doji liên danh cùng 2 công ty thành viên là Doji Land và Blue Star trở thành nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp – Tố Hữu, TP. Huế.

Dự án sẽ xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở với dự kiến khoảng 160 căn nhà ở dạng thấp tầng và khoảng 2.100 căn hộ chung cư, dân số dự án khoảng 9.000 người. Ngoài ra, nhà đầu tư trúng thầu phải dành khoảng 2,47ha để xây dựng nhà ở xã hội.

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 4.280 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện hơn 4.123 tỷ đồng, còn lại là chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày có quyết định giao và cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án không quá 60 tháng kể từ ngày bàn giao đất trên thực địa, tiến độ xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật không quá 24 tháng.

Bức tranh tài chính của Doji có gì đặc biệt?

Theo dữ liệu của VietnamFinance, trong giai đoạn 2018 - 2020, tài sản của Tập đoàn Doji liên tục được bồi đắp một cách đầy ấn tượng, từ 6.414,8 tỷ đồng (2018) lên 8.849,7 tỷ đồng (2019) và đạt 9.083 tỷ đồng vào năm 2020.

Trong giai đoạn này, Doji cũng tăng cường đầu tư tài chính dài hạn, từ 872 tỷ đồng vào năm 2018, rồi tăng lên 1.105 tỷ đồng vào năm 2019. Đến năm 2020, khoản đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp này đạt 1.213 tỷ đồng. Trong đó, Doji chủ yếu đầu tư vào các công ty con, với số tiền tương ứng lần lượt qua các năm là: 476,8 tỷ đồng; 737,6 tỷ đồng và 888,5 tỷ đồng. Ngược chiều, doanh nghiệp cũng dần cắt giảm lượng tiền đầu tư góp vốn vào các đơn bị khác khi số tiền giảm dần từ mức 395,2 tỷ đồng (2018), xuống còn 368 tỷ đồng (2019) và chỉ còn 324,4 tỷ đồng vào năm 2020.

Vốn chủ sở hữu của Doji cũng liên tục được bồi đắp trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2018 - 2019 khi tăng từ 2.210,8 tỷ đồng lên 3.346,6 tỷ đồng. Đến năm 2020, vốn chủ sở hữu của Doji đạt 3.515,2 tỷ đồng.

Cũng theo dữ liệu của VietnamFinance, trong giai đoạn nêu trên, Doji liên tục tăng trưởng mạnh về doanh thu và cán mốc 100.000 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu thuần của Doji từ mức 63.000 tỷ vào năm 2018, đã tăng lên gần 89.000 tỷ vào năm 2019 và đạt hơn 100.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Cùng chuyên mục
Tin khác