TikTok bị Australia ‘sờ gáy’ do lo ngại vấn đề an ninh
Thanh Tú -
03/08/2020 14:35 (GMT+7)
(VNF) - Sau khi bị “cấm cửa” ở nhiều nước, ứng dụng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc mới đây lại tiếp tục gây quan ngại với các nhà lãnh đạo Australia do lo ngại vấn đề an ninh.
Theo đài ABC của Australia, chính quyền liên bang nước này đang tiến hành 2 cuộc điều tra với ứng dụng TikTok.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cuối tuần trước đã yêu cầu các cơ quan tình báo của nước này điều tra xem liệu ứng dụng TikTok có phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hay không.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ Úc cũng đang nghiên cứu về các bước đi mà chính phủ có thể thực hiện nhằm xử lý bất kỳ rủi ro về an ninh dữ liệu hay quyền iêng tư mà TikTok có thể gây ra.
Ngoài TikTok, Bộ Nội vụ Australia cũng đang xem xét ứng dụng WeChat, một ứng dụng khác rất phổ biến của Trung Quốc đang được khoảng 2 triệu người dân Australia sử dụng.
Được biết TikTok là một trong những ứng dụng mạng xã hội rất thịnh hành ở Úc, có hơn 1,5 triệu người tham gia, chủ yếu là giới trẻ.
Trong động thái liên quan, đại diện của TikTok Australia mới đây đã lên tiếng trấn an người sử dụng khi khẳng định công ty không gửi dữ liệu người dùng cho bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc và cũng sẽ không làm vậy cho dù được yêu cầu.
Ứng dụng mạng xã hội TikTok thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc). Ứng dụng này đã đạt tới 175 triệu lượt tải ở Mỹ và hơn 1 tỷ lượt tải trên toàn thế giới trong năm ngoái.
Theo công ty phân tích ứng dụng di động Sensor Tower, tính đến tháng 4/2020, TikTok đã trở thành ứng dụng có doanh thu cao nhất trên toàn cầu, trong đó có tới 86.6% doanh thu đến từ thị trường Trung Quốc, 8.2% đến từ thị trường Mỹ.
Tuy TikTok đã phát triển mạnh mẽ ở thị trường quốc tế nhưng thời gian qua lại vấp phải nhiều bê bối liên quan đến quyền riêng tư và kiểm duyệt, đặc biệt là ở Mỹ.
Tập đoàn Microsoft của Mỹ hồi cuối tuần vừa qua cũng đã chính thức xác nhận đang thảo luận với ByteDance để thực hiện thương vụ mua lại quyền điều hành của mạng xã hội tại các quốc gia bao gồm Mỹ, Canada, Australia và New Zealand.
Microsoft cũng cho biết nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, các cuộc thảo luận về thương vụ sẽ được hoàn tất trước ngày 15/9 tới đây.
Giá trị của thương vụ hiện chưa được tiết lộ, nhưng theo nhiều nguồn tin, Microsoft sẽ phải chi ra 100 tỷ USD để mua lại TikTok. Đây là một mức giá phù hợp, khi TikTok đang được định giá 50 tỷ USD và dự đoán sẽ đạt giá trị trên 100 tỷ USD nếu phát hành cổ phiếu ra công chúng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.