Tài chính

Tin chứng khoán 10/9: Tân binh khai khoáng ‘gây bão’ khi tăng 77% sau 13 phiên

(VNF) – Tân binh khai khoáng YBM đang gây ấn tượng mạnh với mức tăng tới 77% sau 13 phiên lên sàn. Thanh khoản từng phiên cũng tăng nhanh chóng từ đơn vị hàng chục nghìn lên đơn vị hàng trăm nghìn.

Tin chứng khoán 10/9: Tân binh khai khoáng ‘gây bão’ khi tăng 77% sau 13 phiên

Tân binh khai khoáng YBM ‘gây bão’ khi tăng 77% sau 13 phiên

Tin chứng khoán: Phác họa YBM – cổ phiếu tăng 77% sau 13 phiên lên sàn

Tháng 8 vừa qua, thị trường chứng khoán đón một tân binh khai khoáng lên sàn HoSE là Công ty Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái với mã chứng khoán YBM. Với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên (21/8) là 14.900 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của YBM có quy mô khá khiêm tốn, chỉ gần 194 tỷ đồng.

Vốn hóa nhỏ, lại niêm yết trên “sàn to”, thế nhưng ngay từ ngày giao dịch đầu tiên, YBM đã gây chú ý khi tăng trần gần 20% lên 17.850 đồng, với trên 33.500 cổ phiếu khớp lệnh – mức thanh khoản không hề tệ.

Phiên tiếp theo (22/8), cổ phiếu YBM tiếp tục tăng trần gần 7% lên 19.050 đồng với trên 42.000 cổ phiếu khớp lệnh. Sau phiên này, thanh khoản của YBM tăng vọt từ đơn vị hàng chục nghìn lên đơn vị hàng trăm nghìn.

Cụ thể, phiên 23/8, cổ phiếu YBM tiếp tục tăng trần lên 20.350 đồng với trên 207.000 cổ phiếu khớp lệnh. Thanh khoản tiếp tục tăng “phi mã” lên 544.000 đơn vị và 634.000 đơn vị tương ứng trong phiên kế tiếp là 24/8 và 27/8. Cả 2 phiên này đều tăng trần.

Đà tăng trần 5 phiên liên tiếp được chấm dứt vào ngày 28/8 với mức giảm 1,08%, thanh khoản cũng giảm đáng kể về mức 213.000 đơn vị.

4 phiên tiếp theo, cổ phiếu YBM giao dịch lình xình với thanh khoản đều ở mức hàng trăm nghìn đơn vị (riêng phiên 29/9 vọt lên mức 776.000 đơn vị). Chốt phiên 4/9, thị giá YBM ở mức 21.500 đồng/cổ phiếu.

3 phiên tiếp theo, tân binh khai khoáng này trở lại đà tăng trần liên tiếp. Chốt phiên 7/9 ở mức 26.300 đồng/cổ phiếu, tăng tới 77% kể từ khi lên sàn.

Công ty Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái được thành lập vào tháng 10/2015, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất bột đá siêu mịn CaCO3. Loại bột đá này được biết đến là chất độn quan trọng trong công nghiệp nhựa.

Hiện YBM có nhà máy sản xuất hạt nhựa Taicalbột đá CaCO3 tại Khu công nghiệp phía Nam, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, với công suất hạt nhựa taical là 99.000 tấn/năm và bột đá CaCO3 là 105.000 tấn/năm.

YBM có cổ đông lớn nhất là Công ty Cổ phần Nhựa Châu Âu (EuroPlas) với tỷ lệ sở hữu 23%. Nhựa Châu Âu được giới thiệu là 1 trong 5 nhà sản xuất chất độn nhựa (filler masterbatch) lớn nhất thế giới với sản phẩm đã hiện diện tại 60 quốc gia. Đội ngũ nhân sự của EuroPlas hiện khá lớn, trên 400 cán bộ công nhân viên.

Ông Hoàng Quốc Huy - nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc EuroPlas – cũng đồng thời Chủ tịch HĐQT của YBM.

Đối thủ cạnh tranh chính của YBM là Công ty Sản xuất và Công nghệ nhựa Pha Lê (PLP), Công ty Nhựa và Khoáng sản An Phát – Yên Bái (HII), Công ty Khoáng sản Á Châu (AMC).

Năm 2017, doanh thu thuần của HII lớn nhất với 1.330 tỷ đồng, đem về lợi nhuận sau thuế 61,5 tỷ đồng. Con số này ở PLP và AMC lần lượt là 314 tỷ đồng & 61,5 tỷ đồng và 147 tỷ đồng & 12 tỷ đồng.

YBM đạt 220 tỷ đồng doanh thu thuần và 29,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2017.

Tương tự như quy mô, xét về tỷ suất lợi nhuận, YBM cũng đứng thứ 3. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2017 của YBM ở mức 22,6%. Con số này ở PLP là 25,5%, AMC là 23,9% và HII là 20,1%.

Cũng như các đối thủ, YBM có thuận lợi là thị trường cạnh tranh không gay gắt, ngành nhựa còn dư địa phát triển lớn. Tuy nhiên, khó khăn chung là phụ thuộc nhiều vào chính sách vĩ mô của Nhà nước về khai thác khoáng sản và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô; cùng với đó là các khó khăn đặc thù tại các thị trường xuất khẩu.

VN-Index hồi phục ngắn hạn?

Phiên cuối tuần trước, thị trường hồi phục sau 4 phiên giảm liên tiếp. VN-Index tăng 10,71 điểm (+1,12%) lên mức 968,9 điểm, trong khi đó, VN30-Index tăng 13,47 điểm (+1,4%) lên 945,59 điểm.

VNM cùng 3 cổ phiếu VCB, BID và CTG đóng góp 6,14 điểm cho mức tăng của chỉ số, ngược lại nhóm cổ phiếu Vingroup (VIC, VHM) tiếp tục điều chỉnh cản trở đà tăng.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), VN-Index có phiên tăng điểm khá mạnh và dứt khoát với cây nến ngày là nến tăng có thân nến dài và gần như không có bóng nến. Ngưỡng hỗ trợ 955-960 đã đỡ được đà giảm của chỉ số và hồi phục trở lại.

“Tuy nhiên, thanh khoản tăng chưa nhiều so với phiên hôm trước cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang quan sát. Do khối lượng giao dịch đã không tăng tương ứng, đà tăng của VN-Index có thể chậm lại trong phiên tiếp theo với mức cản 975”, SSI nêu quan điểm.

Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ có thêm những phiên hồi phục ngắn hạn trong các phiên đầu tuần này. Tuy vậy, xu hướng đi lên ngắn hạn sẽ còn gặp nhiều thử thách và có thể sẽ cần thêm thời gian để tiếp tục tích lũy.

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

Tin mới lên