Tin chứng khoán ngày 30/8: BSR 'dọn đường' mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất

Thanh Long - 30/08/2018 08:17 (GMT+7)

(VNF) - Tập đoàn Tín Thành cùng liên doanh Wagan, GHN Group và Masters Depot vừa có buổi làm việc với BSR để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong quá trình nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn 2. Cùng ngày, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên cũng hiến kế giúp BSR đẩy nhanh việc mở rộng nhà máy này.

VNF
BSR 'dọn đường' mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất

Tin chứng khoán: Lộ diện ông chủ Tín Thành - tập đoàn muốn thâu tóm 55% cổ phần BSR

Tổ hợp Liên doanh Wagan, GHN Group và Masters Depot cùng với Tập đoàn Tín Thành mới đây đã đến thăm và làm việc tại Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong quá trình nâng cấp mở rộng nhà máy giai đoạn 2.

Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Trần Ngọc Nguyên cho biết kế hoạch nâng cấp mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất (hoàn thành vào năm 2021) sẽ nâng công suất của Nhà máy lên trên 30%, đạt mức 8,5 triệu tấn/năm, nâng chất lượng sản phẩm đạt mức tiêu chuẩn EURO IV, V.  

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tín Thành Trần Đình Quyền - đại diện cho đoàn làm việc tại BSR phát biểu: “Chúng tôi đánh giá cao những thành tích mà BSR đã đạt được. Vì vậy, chúng tôi đã đến đây để tìm hiểu về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh và kế hoạch nâng cấp mở rộng Nhà máy. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều cơ hội đầu tư hơn nữa với BSR như công tác cổ phần hóa, nguồn cung cấp dầu thô…”.

Hồi tháng 10/2017, Tập đoàn Tín Thành cho biết trong vòng 12 tháng sau khi IPO, Tín Thành đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần của BSR.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tín Thành Trần Đình Quyền tại buổi làm việc với BSR

Tại buổi làm việc, lãnh đạo BSR cùng Tổ hợp Liên doanh Wagan, GHN Group và Masters Depot cùng với Tập đoàn Tín Thành đã trao đổi, thảo luận các ý kiến về nguồn nhập – xuất dầu thô sau khi NCMR Nhà máy, công suất vận hành để đảm bảo an toàn thiết bị, công nghệ cải tiến, tiềm năng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới…

Cũng trong ngày 28/8/2018, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại BSR.

Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên cho biết lũy kế 8 tháng, doanh thu BSR ước đạt hơn 73.908 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước ước tính 7.470 tỷ đồng. Đồng thời cho biết BSR đã nghiên cứu và vận hành tăng công suất của Nhà máy có thể vận hành lên 118%.

Đối với dự án NCMR NMLD Dung Quất, ông Nguyễn Đức Kiên tư vấn: Nên đưa dự án này thành công trình trọng điểm quốc gia, đưa ra Quốc hội, quyết thì mới mong đẩy nhanh các vấn đề về vốn.

VN-Index gặp áp lực điều chỉnh

Phiên 29/8, trên sàn HoSE gặp áp lực bán ngay từ đầu phiên khiến 2 chỉ số chính giao dịch dưới tham chiếu cho đến hết thời gian giao dịch. VN-Index đóng cửa ở mức 988,17 điểm, giảm 7,02 điểm (tương đương 0,71%). Trong khi đó, VN30-Index giảm 6,02 điểm (tương đương 0,62%) về còn 964,99 điểm.

Trừ SAB tăng 1,8%, hầu hết cổ phiếu vốn hóa trụ cột của thị trường đều giảm mạnh về cuối phiên như VHM (-2.4%), VIC (-1.2%), VCB (-1.45), GAS (-1.3%), VNM (-1.1%), PLX (-2.5%), CTG (-0.9%), VRE (-1.1%), ROS (-3.4%), HPG (-0.8%).

Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, VN-Index đã có phiên 29/8 giảm điểm với cây nến ngày là nến giảm, sau năm phiên có cây nến ngày thân nhỏ thì phiên hôm nay nhịp biến động đã tăng lên. Thanh khoản đã giảm so với phiên liền trước, khối lượng giao dịch giảm trong một phiên giảm điểm chưa phải là tín hiệu tiêu cực.

SSI cho rằng phiên điều chỉnh này là hợp lý, VN-Index có khả năng sẽ có một hai phiên điều chỉnh tích lũy quanh ngưỡng cản tâm lý 1000, để tạo đà cho nhịp tăng tiếp theo.

Còn theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sau khi tiếp cận ngưỡng 996-1010 điểm, thị trường đã gặp áp lực bán khiến chỉ số Vn-Index giảm điểm nhẹ. Diễn biến này có thể tiếp tục diễn ra trong một vài phiên tới trước khi chỉ số quay đầu tăng điểm trở lại.

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

Cùng chuyên mục
Tin khác