Tài chính tiêu dùng

Tín dụng đen ngày càng bùng phát, diễn biến tinh vi tại khu vực Tây Nguyên

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước cho hay ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ  đời sống cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi dễ bị ảnh hưởng bởi tín dụng đen, song tình trạng tín dụng đen vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự khu vực Tây Nguyên.

Tín dụng đen ngày càng bùng phát, diễn biến tinh vi tại khu vực Tây Nguyên

Tín dụng đen ngày càng bùng phát, diễn biến tinh vi tại khu vực Tây Nguyên. (Ảnh minh họa)

Với nhiều hình thức như thủ tục nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu của người cần vay tiền mọi lúc, mọi nơi, cộng với nhận thức của người dân vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, “tín dụng đen” đã và đang ngày càng bùng phát tại khu vực Tây Nguyên.

Lợi dụng sự khó khăn nhất thời của người dân, các đối tượng cho vay nặng lãi với lãi suất rất cao, thậm chí lên đến trên 200%/năm.

Điểm chung của đa số nhóm đối tượng tín dụng đen nêu trên đều là những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự. Người dân vay tiền với mức lãi suất “cắt cổ”. Nếu không chi trả, người vay sẽ bị đánh đập, đe dọa. Những hợp đồng tưởng chừng vô hại của nhóm đối tượng chính là chiếc thòng lọng vô hình, siết chặt người dân vào căn cứ pháp lý để các đối tượng áp dụng các hành động đe dọa, gây sát thương với bất cứ ai không trả tiền theo đúng yêu cầu.

Tại một số tỉnh Tây Nguyên, nhiều đối tượng, nhóm đối tượng đến từ nhiều vùng miền đã “bén rễ”, lập cơ sở tín dụng đen và hàng trăm người dân tại địa phương đã là con nợ chịu lãi “cắt cổ” của các đối tượng này.

Theo báo cáo kết quả công tác đấu tranh với loại tội phạm hoạt động tín dụng đen của công an tỉnh Đăk Lăk, thời điểm tháng 12/2018 trên địa bàn có 47 nhóm, với 205 đối tượng, 85 đối tượng hoạt động riêng lẻ, 41 cơ sở kinh doanh. Hiện trên địa bàn Đăk Lăk còn 30 nhóm, với 129 đối tượng và 74 đối tượng hoạt động riêng lẻ, 29 cơ sở kinh doanh có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”.

Tại Gia Lai có 859 đầu mối cho vay tiền lãi suất cao tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố với trên 9.000 người vay chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

Mới đây nhất, chỉ trong một thời gian ngắn, tại tỉnh Đắk Nông, cơ quan chức năng tỉnh đã phát hiện và triệt phá 3 nhóm với 9 đối tượng đã cho vay theo dạng "tín dụng đen". Tổng cộng số tiền 3 nhóm đã cho vay với lãi suất "cắt cổ" trên 12 tỷ đồng với các mức lãi suất từ 180 - 549%, cá  biệt có trường hợp lãi suất lên đến 936%/năm.

Qua rà soát của Công an tỉnh Đắk Nông, phát hiện trên địa bàn có 4 nhóm với 27 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động tín dụng đen. Các đối tượng chủ yếu dùng tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người vay như: vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay…

Trên thực tế thì người vay phải trả lãi suất rất cao, nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con. Khi đó, nhóm đối tượng sẽ có nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động, gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ như: đe dọa, khủng bố về tinh thần, sử dụng vũ lực (ở mức độ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), đổ chất thải, chất bẩn vào nơi ở, nơi sinh hoạt của người vay, tụ tập đông người tại nơi làm việc, kinh doanh, sản xuất của họ và người thân để gây sức ép, thuê người các đối tượng hình sự, thanh thiếu niên hư hỏng để đe dọa, gây sức ép…

Trong bối cảnh như vậy, ngày 8/3/2019, tại Pleiku, Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ  đời sống cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi dễ bị ảnh hưởng bởi tín dụng đen, song tình trạng tín dụng đen vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự khu vực Tây Nguyên.

Tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ tín dụng ngân hàng, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân, góp phần cùng Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đấu tranh đẩy lùi tín dụng đen thông qua các giải pháp cụ thể như: hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, hạn chế các hộ dân tìm đến nguồn tín dụng đen; đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Cùng với đó, ngành ngân hàng cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của ngành ngân hàng về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay; đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra...

Tin mới lên