Tin mua trái phiếu có tài sản đảm bảo, nhà đầu tư vẫn bị mất tiền

Khánh Tú - 21/05/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Dù tài sản đảm bảo là cổ phiếu, dự án hình thành trong tương lai hay bất động sản, thì các trái chủ vẫn phải đối mặt với rủi ro thua lỗ. Chính vì thế, bảo đảm bằng tài sản chưa phải yếu tố tiên quyết khi đầu tư và không bảo đảm.

Tài sản đảm bảo chưa chắc đã bảo đảm

Báo cáo mới nhất của VIS Rating cho thấy, lượng phát hành TPDN mới trong tháng 4/2024 là 17,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với mức 17,1 nghìn tỷ đồng của tháng 3/2024. Phần lớn lượng phát hành mới trong tháng 4/2024 đến từ nhóm ngành ngân hàng và bất động sản dân cư.

Trong số những lô TPDN mới phát hành trong tháng 4/2024, hầu hết đều không có tài sản đảm bảo. Số ít còn lại có bảo lãnh của bên thứ 3 và có tài sản đảm bảo là bất động sản.

Hiện có tới 67% trái phiếu lưu hành trên thị trường không có tài sản đảm bảo. Số còn lại có các tài sản đảm bảo như chứng khoán, bất động sản và dự án hình thành trong tương lai với tỷ trọng lần lượt là 38%, 30% và 32%.

Các trái phiếu bảo đảm bằng chứng khoán hiện có tỷ lệ thu hồi cao nhất với 20% trong khi tỷ lệ này đối với dự án hình thành trong tương lai là 11% và bất động sản là 10%. Còn đối với các trái phiếu không có tài sản đảm bảo, tỷ lệ thu hồi chỉ ở mức 8%.

Các doanh nghiệp phát hành TPDN mới trong tháng 4/2024

Theo ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp Khối xếp hạng và nghiên cứu VIS Rating, nhiều nhà đầu tư nhìn vào tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp phát hành để đưa ra quyết định. Không ít nhà đầu tư quan niệm rằng cứ trái phiếu có tài sản đảm bảo sẽ có rủi ro ít hơn trái phiếu không có tài sản đảm bảo nhưng điều này chưa hoàn toàn đúng.

"Dù tài sản đảm bảo là cổ phiếu, dự án hình thành trong tương lai hay bất động sản, thì các trái chủ vẫn phải đối mặt với rủi ro thua lỗ. Chính vì thế, bảo đảm bằng tài sản chưa phải yếu tố tiên quyết khi đầu tư và không bảo đảm cho toàn bộ rủi ro của doanh nghiệp", ông Duy nói.

Bên cạnh đó, ông Duy còn cho biết, việc các doanh nghiệp sử dụng bảo lãnh của bên thứ ba trong thời gian gần đây cũng không hoàn toàn đem lại chất lượng tín dụng cao hơn. “Điển hình như hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, khi hệ thống có vấn đề thì việc bảo lãnh cũng không có giá trị”, ông Duy lấy dẫn chứng.

Đồng quan điểm, bà Thái Thị Quỳnh Như, Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho biết, vẫn có một số doanh nghiệp mất khả năng chi trả khi có rủi ro xảy ra dù có tài sản đảm bảo là bất động sản.

Theo bà Như, những yếu tố liên quan như giá trị pháp lý, chủ trương đầu tư, quyết định giao đất,… của tài sản đảm bảo là bất động sản cần được cơ quan quản lý giám sát kỹ trước khi để doanh nghiệp mang ra huy động vốn. “Tài sản đảm bảo cũng cần minh bạch thông minh và phải đảm bảo chính xác và độ tin cậy đối với các nhà đầu tư”, bà nói.

Thị trường đón nhận “những điều chưa từng thấy”

Thực trạng nhiều nhà đầu tư vội vàng đưa ra quyết định dựa trên tài sản đảm bảo của tổ chức phát hành xuất phát từ việc thiếu hụt các công cụ định giá, xếp hạng tín nhiệm. Sự thiếu hụt này khiến các trái chủ phải tự mình dò dẫm để định giá và không thể lường trước được những rủi ro xảy ra.

Ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu tại VIS Rating

Các thị trường TPDN phát triển, ví dụ như Hàn Quốc hay Malaysia, đều có hoạt động xếp hạng tín nhiệm. Theo ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu tại VIS Rating, “tại các thị trường TPDN châu Á, hoạt động xếp hạng tín nhiệm đã diễn ra rất sớm, ngay từ những năm 80".

Thực tế nghiên cứu chỉ ra, sau khi có các hoạt động xếp hạng tín nhiệm nội địa, nhà đầu tư bắt đầu tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường, khẳng định vai trò rất quan trọng của hoạt động này trong sự phát triển chung của thị trường.

Đáng buồn là hoạt động xếp hạng tín nhiệm vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai tại thị trường Việt. Lượng TPDN phát hành được xếp hạng tín nhiệm tại thị trường nội địa mới chỉ chiếm 6%, thấp hơn rất nhiều so với các nước khu vực như Indonesia (92%), Thái Lan (84%) hay Malaysia (44%).

Dẫu vậy, với sự tham gia sâu rộng hơn của các công ty xếp hạng tín nhiệm, hoạt động này đã bắt đầu có một số thay đổi nhất định.

Ông Hiếu cho biết, trong vòng 6 tháng đầu năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 10 ngân hàng thương mại lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng nội địa, từ đó giúp tạo ra sự so sánh tương quan trong ngành ngân hàng.

“Trong những năm tới, thị trường sẽ chứng kiến tình trạng một số công ty được nâng hạng tín nhiệm hay một số khác bị giảm hạng. Đây là điều mà chúng ta chưa từng thấy trong chu kỳ trước đó”, Giám đốc phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu của VIS Rating khẳng định.

Ông Hiếu cho hay, các thông tin về điểm số xếp hạng của doanh nghiệp, trái phiếu, hoạt động xếp hạng tín nhiệm gần nhất… sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư chính xác hơn. Đồng thời, xếp hạng tín nhiệm cũng giúp phân loại rủi ro và thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức.

Ngoài ra, các công ty xếp hạng tín nhiệm cũng sẽ cung cấp các phân tích, nhận định thông qua quá trình thu thập thông tin và trao đổi cùng các doanh nghiệp để phục vụ cho nhà đầu tư.

"Đây là một lợi ích rất lớn của hoạt động xếp hạng tín nhiệm mang lại mà các nhà đầu tư chưa có trong chu kỳ trước, hứa hẹn cải thiện cả về lượng lẫn về chất của thị trường", đại diện VIS Rating cho biết.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.