Tài chính

Tính toán mới của FECON

(VNF) – Với những gì dự kiến trình đại hội cổ đông, FECON (HoSE: FCN) đang cho thấy tham vọng khá lớn trong năm 2022.

Tính toán mới của FECON

Tính toán mới của FECON

Bước qua đại dịch

2021 là một năm khó khăn của ngành xây dựng, khi đại dịch làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, kéo theo sự hạn chế về đầu tư và giao dịch. Lệnh giãn cách nghiêm ngặt trong nhiều tháng cũng làm “đóng băng” hoạt động thi công tại nhiều dự án, đẩy các doanh nghiệp xây dựng vào cảnh khó khăn chưa từng có trong nhiều năm.

Với FCN, năm 2021, một loạt dự án như nhiệt điện Nam Định, nhiệt điện Vũng Áng 2, dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2… đều bị chậm triển khai. Đặc biệt, dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Metro Line 3) hầu như giậm chân tại chỗ. Khó khăn chung cũng khiến công tác thu hồi nợ bị ảnh hưởng, làm phát sinh chi phí tài chính và khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp.

Giai đoạn này, FCN lại đang trong quá trình chuyển đổi từ nhà thầu chuyên môn sang nhà thầu chính. Hệ thống quản trị chưa kịp thích nghi với các mục tiêu kinh doanh mới, dẫn tới tại một số dự án, hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.

Kết quả, năm 2021, FCN đạt 3.484 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất (bằng 89% kế hoạch) và 71 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất (bằng 41% kế hoạch).

Chia sẻ về kết quả kinh doanh “kém sắc” này, Tổng giám đốc FCN, ông Nguyễn Văn Thanh, nói với VietnamFinance: “Việc doanh thu chỉ đạt 3.484/3.900 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý, chi phí tài chính không giảm được nhiều, đồng thời giá vật liệu 2021 tăng phi mã dẫn tới lợi nhuận không đạt mục tiêu 175 tỷ đồng. Làn sóng dịch Covid-19 trong nửa cuối 2021 đã làm cho ít nhất 4 tháng liền, nhiều dự án của FCN không thể triển khai ra sản lượng và doanh thu, nhất là tại khu vực TP. HCM.

“Ngoài ra chúng tôi bị thiếu hụt lợi nhuận theo kế hoạch do các danh mục đầu tư như thoái vốn tại dự án năng lượng Vĩnh Hảo 6 chưa thực hiện được vì đại dịch làm các đối tác nước ngoài không thể ‘chốt deal’ trong năm 2021. Chúng tôi đang nỗ lực đàm phán để có thể chốt xong vào nửa đầu năm 2022”.

Ông Thanh cũng giải thích thêm rằng: “2 năm qua rất khó khăn không chỉ với FCN mà với hầu hết doanh nghiệp xây dựng. Dịch bệnh làm cho nguồn việc trong ngành xây dựng ít đi, khiến sự cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt. Bão tăng giá vật liệu trong năm qua cũng gây thiệt hại nặng cho các nhà thầu xây dựng vì đã trót ký các hợp đồng trước thời điểm giá vật liệu xây dựng tăng”.

Theo thống kê của FCN, năm 2021, công ty này đã ký mới hơn 4.000 tỷ đồng giá trị hợp đồng mới; hoàn thành thi công nhiều dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có 10 dự án điện gió lớn như: cụm trang trại điện gió B&T Quảng Bình 1-2-3, điện gió Thái Hòa, điện gió gần bờ Trà Vinh V1.3, điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng… cùng một số dự án hạ tầng giao thông và xây dựng dân dụng khác.

Hiện, các dự án lớn mà FCN đang triển khai gồm: điện gió Lạc Hòa-Hòa Đông, nhiệt điện Vũng Áng 2, nhà máy điện tử TTI – TP. HCM, khu tổ hợp resort 5 sao Mercue-Hội An, tổ hợp nhà máy thép Hòa Phát - giai đoạn 2…

Giảm đau dòng tiền?

Một vấn đề mà FCN luôn bị “ám ảnh” trong nhiều năm trở lại đây là dòng tiền. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 cho thấy bức tranh tài chính của FCN cơ bản được cải thiện tại một số điểm, song vẫn cho thấy một điểm yếu “cố hữu” là âm dòng tiền kinh doanh (là năm âm thứ 8 liên tiếp – nếu loại trừ năm 2020). Đồng thời với đó là sự phụ thuộc rất lớn vào vốn vay, khi dòng tiền đi vay năm 2021 đã vượt quá 4.000 tỷ đồng.

Để giải quyết cơn đau dòng tiền, cuối năm 2021, FCN đã phát hành 32 cổ phiếu riêng lẻ cho Quỹ đầu tư hạ tầng Red One và Công ty Cổ phần Raito Kogyo, hút về 416 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên 1.574 tỷ đồng. FCN thuyết minh khoản tiền mới này sẽ được dùng theo phương án: 216 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và 200 tỷ đồng để trả nợ các khoản vay nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.

Việc có thêm 416 tỷ đồng ít nhiều đã làm dịu đi những căng thẳng tiền bạc của FCN. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thanh nói đây là dòng vốn “rất kịp thời để hiện thực hóa kế hoạch đầu tư dự án năm 2022 cùng với một số hoạt động đầu tư tăng cường máy móc thiết bị thi công phục vụ các dự án năng lượng trong kế hoạch kinh doanh 2022 – 2023”.

Tuy vậy, nhà đầu tư sẽ còn phải quan sát thêm rất nhiều để có thể thấy được sự chuyển biến về dòng tiền của FCN trong năm 2022, bởi quá trình mở rộng đầu tư sẽ còn khiến cơn khát tiền của doanh nghiệp trở nên gay gắt, nhất là trong trường hợp “cơm không lành, canh không ngọt” như năm 2021.

Tham vọng 2022

Nhìn nhận về triển vọng thị trường năm 2022, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thanh cho biết: “FCN rất kỳ vọng tình hình kinh tế xã hội sẽ khởi sắc sau một năm 2021 rất vất vả do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc Chính phủ quyết tâm thúc đẩy hồi phục phát triển kinh tế, trong đó động lực là triển khai các dự án đầu tư công (các tuyến đường cao tốc, sân bay, cảng biển…) sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng như FCN”.

“Với các dự án hạ tầng lớn, FCN sẽ phát huy năng lực cốt lõi là nền móng và ngầm cho hầu hết các loại dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng. Ngoài ra chúng tôi cũng tập trung theo đuổi thị trường các dự án có vốn FDI, vốn tư nhân lớn trong lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng và phát triển đô thị - được dự đoán sẽ hồi phục và khởi sắc trong năm 2022 và các năm tiếp theo”.

Được biết, năm 2022, HĐQT FCN dự kiến trình đại hội cổ đông kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng (hợp nhất), tăng lần lượt 44% và 296% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Phải nói rằng đây là một kế hoạch vô cùng tham vọng, bởi mới chỉ đầu tháng 3 năm nay, khi chia sẻ với VietnamFinance, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thanh nói rằng kế hoạch 2022 về doanh thu của công ty chỉ là 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận là 175 tỷ đồng. Và ông Thanh không ngần ngại nói đó đã là một kế hoạch “khá thách thức”.

Vẫn chưa có giải thích cụ thể nào về sự gia tăng mức độ lạc quan của FCN chỉ trong hơn 1 tháng, song biết rằng năm 2022, FCN sẽ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp nặng, năng lượng và hạ tầng, trong đó có nhiều dự án công ty sẽ tham gia với vai trò là tổng thầu hay nhà thầu chính.

“Mục tiêu ký kết mới khoảng 6.000 tỷ giá trị hợp đồng. Chúng tôi sẽ quyết tâm thoái vốn tại ít nhất 1 dự án điện tái tạo đã đầu tư để thu về lợi nhuận trong năm 2022 và sẵn sàng nguồn lực để đầu tư các dự án tiếp theo sau khi hội đủ các điều kiện”, ông Thanh nói.

Đối với mảng bất động sản công nghiệp, còn nhớ tại đại hội cổ đông năm 2021, Chủ tịch FCN Phạm Việt Khoa cho biết công ty đang theo đuổi 3 dự án khu công nghiệp tại Bắc Giang, Thái Nguyên. Cho tới tháng 3 năm nay, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thanh khẳng định các dự án vẫn đang tiến triển tốt và FCN hi vọng sẽ xác lập chủ quyền tại ít nhất 2/3 dự án để triển khai đầu tư.

Với các dự án điện gió, ông Thanh cho biết do ảnh hưởng về chính sách (Quy hoạch 8 vẫn chưa được ban hành) nên các dự án đều đang trong trạng thái chờ đợi. “Chúng tôi vẫn đang theo đuổi, hỗ trợ các chủ đầu tư và đàm phán nhiều gói thầu điện gió lớn, hi vọng sẽ ký được hợp đồng tiếp theo từ quý II/2022 và dự kiến ít nhất ký được 3 - 4 hợp đồng thi công điện gió trong năm”, ông nói.

Tin mới lên