Thị trường

TMĐT bùng nổ: Hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển bền vững

(VNF) - Trong thời đại công nghệ số 4.0, cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet, xu hướng kinh doanh trực tuyến hay bán hàng online đã đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam.

TMĐT bùng nổ: Hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển bền vững

Những năm gần đây, thương mại điện tử đã không còn là khái niệm xa lạ tại Việt Nam. Có thể coi năm 2020, đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế và sự tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì thương mại điện tử ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức trong việc xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, bền vững.

Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).

- Trong những năm qua, thương mại điện tử đã có bước tiến như thế nào và có đóng góp ra sao vào việc xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Bình Minh: Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp vốn có lợi thế về khả năng tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh và mở rộng quy mô thị trường một cách nhanh chóng. Các công nghệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là tiềm lực quan trọng giúp cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trong môi trường thương mại điện tử. Lượng lớn khách hàng có cơ cấu tuổi trẻ và đang chuyển đổi số mạnh mẽ khiến cho việc triển khai các công nghệ số và tạo ra trải nghiệm số tích cực ngày càng cấp thiết đối với doanh nghiệp.

Trong 5 năm vừa qua, thương mại điện tử đã liên tục duy trì tăng trưởng ở mức trung khoảng từ 25-30%, kể cả trong đại dịch thương mại điện tử vẫn duy trì được mức tăng trưởng 20%. Điều này cho thấy thương mại điện tử có mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với các ngành kinh tế khác và trở thành tiên phong của kinh tế số.

Với số lượng người trẻ cao và số lượng người dùng trẻ và sự phổ cập của thiết bị di động, thương mại điện tử ngày trở thành điểm giao dịch lớn của người dùng. Hiện nay, trên 50 triệu người tham gia vào thương mại điện tử, trên 70 triệu người dùng mạng xã hội đây là lợi thế lớn để thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Hiện nay, thương mại điện tử đã tham gia vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế, mọi sản phẩm đều được bán trên sàn thương mại điện tử. Thậm chí, nông sản của người nông dân ở vùng sâu xa cũng được hiện diện trên sàn thương mại điện tử và vươn ra thế giới.

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng đã giúp thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này giúp số lượng giao dịch và tổng giao dịch tăng lên nhanh chóng. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng đã giúp tối ưu dịch vụ giao nhận, việc giao nhận hàng hoá ngày càng trở nên bài bản, người dùng ngày càng tin tưởng vào mua hàng trên mạng. Hiện tại, thay vì phải ra chợ hay vào các cửa hàng thời trang mua sắm, nhiều người trẻ đã lựa chọn sử dụng các sàn thương mại điện tử để mua sắm.

Đây là thành công lớn và được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới, tạo ra cú hích cho xuất nhập khẩu cũng như đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số quốc gia.

Ông Nguyễn Bình Minh

- So với các ngành nghề kinh doanh truyền thống, theo ông, đâu là những ưu điểm mà thương mại điện tử mang lại?

Thứ nhất là hoạt động thương mại điện tử diễn ra mạnh mẽ với số lượng người dùng lớn giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của và giúp doanh nghiệp tạo ra hiệu suất kinh doanh cao hơn.

Tiếp đó, việc tham gia sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử cũng giúp người dùng cải thiện kỹ năng sử dụng các dịch vụ có yếu tố công nghệ. Từ sự cải thiện về công nghệ này, việc triển khai Chính phủ số, Chính phủ điện tử, kê khai thuế online cũng sẽ có sự cải thiện đáng kể, mang lại lợi ích rất lớn cho nhà nước.

- Nhưng vấn đề nào cũng có 2 mặt. Vậy mặt trái của thương mại điện tử là gì, thưa ông?

Đầu tiên phải kể đến đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái đang tăng lên về số lượng. Bên cạnh đó, giao nhận hàng hoá cũng vẫn còn có những vấn đề cần được cải thiện để đảm bảo chất lượng. Có hiện tượng giao hàng bị hỏng lỗi, mất thời gian nhưng khiếu kiện không nhận được phản hồi từ nhà sản xuất.

Ngoài ra, thương mại điện tử đã phát triển nhanh chóng nhưng vấn đề thu thuế bán hàng qua mạng vẫn còn những khó khăn, lúng túng nhất định.

- Theo ông, đâu sẽ là xu hướng phát triển của thương mại điện tử trong thời gian tới?

Thương mại điện tử những năm vừa qua phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, được dự báo sẽ tiếp tục phát triển nhanh và vững chắc hơn trong thời gian tới, có thể kéo dài tới năm 2025. Dự đoán đến năm 2027, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, khoảng 28% và đạt mức 40 tỷ USD.

Trong thời gian tới, xu hướng bán hàng hợp kênh vẫn là xu hướng được giới kinh doanh ứng dụng, trong đó các kênh bán hàng xoay quanh khách hàng mục tiêu, coi khách hàng là trung tâm. Ví dụ như khách hàng được phục vụ thông qua cả thiết bị di động, internet lẫn các kênh bán hàng offline.

Bên cạnh đó, kinh doanh trên mạng xã hội cũng là xu hướng giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường mới với chi phí tương đối thấp. Dự báo, việc bán hàng qua các hình thức như livestream, quay video ngắn… tiếp tục là các hình thức được ưa chuộng.

Cùng với đó, việc ứng dụng một số chương trình thành viên và khách hàng trung thành ngày càng trở thành ưu thế giúp lôi kéo các khách hàng sử dụng sản phẩm. Ngoài ra, xu hướng kinh doanh hàng hoá có truy xuất nguồn gốc rõ ràng cũng tiếp tục được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây cũng là cơ hội giúp hàng hoá Việt Nam có thể tiếp tục cạnh tranh được với hàng hoá các nước khác trên bất kỳ sân chơi nào.

- Ông đánh giá như thế nào về các chính sách của Nhà nước trong phát triển thương mại điện tử?

Hiện nay, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử đang được tạo điều kiện hết sức, nhưng cùng với sự bùng nổ của lĩnh vực này thì việc tạo hành lang pháp lý còn nhiều hạn chế.

Chính phủ đang sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cho đến năm 2023, các dự thảo luật này sẽ đi vào thực tiễn, kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của thương mại điện tử.

Một điểm nữa là nhiều công nghệ mới chưa được doanh nghiệp quan tâm và triển khai, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain) chưa được khai thác nhiều, cần vốn lớn nhưng đang tạo dựng được sự tin cậy của người dùng, hạn chế các sai sót, nên đây cũng là vấn đề mà Nhà nước cần phải quan tâm thúc đẩy.

- Ông có kiến nghị gì để Việt Nam có thể xây dựng và phát triển thị trường thương mại điện tử một cách lành mạnh và bền vững, thưa ông?

Cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để thương mại điện tử có cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Tiếp đó, việc đầu tư phát triển công nghệ cho khối cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng để giúp các cơ quan này thực hiện chức năng quản lý nhà nước một cách hiệu quả.

Cuối cùng, việc đẩy mạnh đào tạo liên quan đến thương mại điện tử cũng là điều cần quan tâm. Việc đào tạo chính quy về thương mại điện tử tại các trường đại học nên là định hướng trung và dài hạn trong phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử, đồng thời hoạt động đào tạo tại doanh nghiệp cũng cần được thúc đẩy để cung cấp nguồn nhân lực trước mắt, đáp ứng sự phát triển của thương mại điện tử trong ngắn hạn.

Tin mới lên