Tiêu điểm

‘Tôi không hiểu vì sao người Việt Nam mình làm an ninh mạng rất tốt’

(VNF) – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nói như vậy khi đề cập đến vấn đề an ninh mạng tại phiên chất vấn Quốc hội hôm nay (8/110).

‘Tôi không hiểu vì sao người Việt Nam mình làm an ninh mạng rất tốt’

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Viêt Nam bây giờ đã thịnh vượng và sự thịnh vượng của Việt Nam chắc chắn phải dựa trên Internet. Tuy nhiên, Internet lại không an toàn, vì thế Việt Nam phải trở thành cường quốc an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng trên không gian mạng.

Về vấn đề này, ông Hùng cảm thán: “Tôi không hiểu sao người Việt Nam mình làm an ninh mạng rất tốt” và cho biết: “100 người được vinh danh toàn cầu năm 2018 về chuyên gia an ninh mạng thì 4 người mang tên Việt Nam, 2 người đang ở Việt Nam và 2 người ở nước ngoài”.

“Chúng ta hiện nay đã có gần 100 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Có những sản phẩm chiếm 85% thị trường trong nước. Các quốc gia có sản phẩm về an toàn thông tin chiếm đến 85% thị trường trong nước rất ít, chỉ dưới 10 nước. Có những doanh nghiệp Việt Nam còn bán được sản phẩm an toàn thông tin ra nước ngoài, ví dụ sang Nhật. Đấy là điều kiện thuận lợi của chúng ta”, ông Hùng dẫn chứng.

Theo ông Hùng, cách đây 2 tuần, khi họp với Tổ công tác Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất rằng đối với dự án Chính phủ điện tử thì sản phẩm an toàn, an ninh mạng phải do Việt Nam sản xuất.

Ông cho hay hiện có 20 doanh nghiệp nòng cốt về an ninh mạng của Việt Nam đang đảm nhiệm xây dựng hệ thống.

“Bộ giao nhiệm vụ từng doanh nghiệp. Mỗi một sản phẩm về an toàn, an ninh mạng có từ 2 - 3 doanh nghiệp đều bộ trực tiếp chỉ đạo. Hiện nay cỡ khoảng 65% chúng ta có rồi, còn 35% chúng ta phải đầu tư thêm, khoảng 1 năm nữa có thể cơ bản hoàn thành. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể an tâm trong tương lai”, ông Hùng nói.

Đề cập đến vấn đề máy tính ma (máy tính khi bị nhiễm mã độc thì tự động gửi thư rác ra quốc tế - PV), ông Hùng cho biết hiện nay Việt Nam đang xếp thứ 10 thế giới.

Theo ông, nguyên nhân là người Việt Nam dùng internet nhiều nhưng hay dùng phần mềm miễn phí mà phần mềm miễn phí thường bị cài cắm mã độc. Bên cạnh đó, người dùng Việt Nam thường tải các thông tin, phần mềm từ trên mạng, trong phần mềm đó cũng đã cài sẵn mã độc.

Ông Hùng khẳng định Bộ Thông tin và Truyền thông vừa rồi đã tổ chức một đợt rà soát ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả là số lượng máy tính ma của Việt Nam đã giảm.

Ông Hùng cũng thông báo một tin vui là cách đây 3 ngày, một tổ chức quốc tế có uy tín của Nga công bố Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN về việc có ít mã độc trong máy tính/máy di động nhất. Trước đó, Việt Nam đứng top đầu nhiễm mã độc trong ASEAN.

“Năm vừa rồi chúng ta được xếp hạng 50, tức là vào loại cao, từ thứ 100 xuống 50, trong đó quốc tế đánh giá chúng ta rất cao về mặt thể chế. Chúng ta có Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, chúng ta có chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”, ông Hùng nói.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khẳng định hệ thống tổ chức của Việt Nam tốt từ trung ương đến địa phương. Không chỉ riêng Bộ Thông tin và Truyền thông mà Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng có Trung tâm giám sát không gian quốc gia, có các tổ chức chuyên trách về ứng cứu sự cố an toàn, an ninh và đã thành lập Liên minh Việt Nam về xử lý mã độc.

“Tất nhiên chúng ta thấy còn nhiều vấn đề và còn bức xúc nhưng chúng ta đã đứng thứ 50 thế giới, trong ASEAN thì đứng thứ 5…”, ông Hùng tự hào.

Tin mới lên