Tổng cục Đường bộ: Sẽ dừng thu phí trên quốc lộ 5 nếu VIDIFI không đảm bảo an toàn giao thông

An Chi - 01/09/2020 13:47 (GMT+7)

(VNF) - Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) sẽ phải dừng thu phí nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo yêu cầu gây mất ATGT trên quốc lộ 5.

VNF
VIDIFI sẽ phải dừng thu phí trên quốc lộ 5 nếu khắc phục mặt đường không đảm bảo an toàn

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu VIDIFI khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu của dự án sửa chữa mặt đường quốc lộ 5.

Đối với toàn bộ các gói thầu xây lắp, Tổng cục Đường bộ yêu cầu VIDIFI trình cơ quan này xem xét thiết kế kỹ thuật trước ngày 10/9 để đảm bảo tiến độ lựa chọn nhà thầu trước ngày 30/10 và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công trước ngày 15/11.

“VIDIFI cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý các hư hỏng mặt đường ảnh hưởng đến ATGT, đồng thời chỉ đạo nhà thầu thi công trên các tuyến đường đang khai thác có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn. Quá trình xử lý khắc phục mặt đường cần đối chiếu với hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án sửa chữa lớn để nghiên cứu phương án khắc phục phù hợp, tránh lãng phí”, Tổng cục Đường bộ yêu cầu.

Bên cạnh đó, Tổng cụ Đường bộ cũng yêu cầu Cục Quản lý đường bộ I kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo trì của VIDIFI; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện công tác này đảm bảo ATGT.

"Trường hợp nhà đầu tư VIDIFI không thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo yêu cầu gây mất ATGT, báo cáo Tổng cục xử lý theo quy định như dừng thu phí để khắc phục đảm bảo ATGT", Tổng cục Đường Bộ nêu rõ.

Trước đó, do không có đủ vốn để tham gia ngay từ đầu phần vốn của nhà nước đầu tư vào dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao VIDIFI thu phí tại hai trạm quốc lộ 5 tạo nguồn thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc tại Quyết định 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007, trước khi có chủ trương thu phí bảo trì đường bộ và thành lập Quỹ bảo trì đường bộ (năm 2012).

Sau đó, do Quỹ bảo trì đường bộ hạn chế, không đủ kinh phí để sửa chữa quốc lộ 5, Bộ giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao tiếp cho VIDIFI quản lý, bảo trì, sửa chữa quốc lộ 5 từ năm 2016.

Sau hơn 18 năm khai thác, quốc lộ 5 đã có 7 lần bảo trì, sửa chữa hằn lún vệt bánh xe tại các vị trí nút giao, song đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, quốc lộ 5 phải sửa chữa lớn mặt đường, làm thêm đường gom, cầu vượt... do hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu không sửa chữa sẽ không thể tiếp tục khai thác.

Năm 2018, Tổng cục Đường bộ đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo thủ tướng chính phủ cho phép sửa chữa cấp bách quốc lộ 5 với số tiền khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 bố trí khoảng 840 tỷ đồng để sửa chữa cấp bách khoảng 30 km đoạn tuyến qua tỉnh Hải Dương đã hư hỏng nghiêm trọng (đã lập dự án sửa chữa, dự kiến triển khai trong năm 2019).

Giai đoạn 2 sẽ bố trí từ 1.200 – 2.000 tỷ đồng (tùy theo tính khả thi của phương án tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định) để sửa chữa khoảng 70km các đoạn tuyến còn lại của quốc lộ 5.

Tuy nhiên, các khoản hỗ trợ của nhà nước cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chưa được thực hiện, đồng thời chưa được tăng phí theo lộ trình, nên nguồn thu của dự án (gồm cả thu phí trên quốc lộ 5) hiện nay chưa đủ để trả lãi suất cho các khoản vay đã đầu tư xây dựng dự án.

Do đó, để bố trí kinh phí thực hiện giai đoạn 1 sửa chữa quốc lộ 5, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và VIDIFI phải tính toán, cân đối nguồn vốn cũng như cơ cấu lại nguồn trả nợ.

Bộ Giao thông Vận tải cũng từng có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ khẩn trương tổ chức kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương sửa chữa, bảo trì đảm bảo ATGT tuyến quốc lộ 5, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của nhà đầu tư và kiên quyết xử lý theo quy định của hợp đồng dự án nếu nhà đầu tư không kịp thời có giải pháp xử lý khắc phục.

Cùng chuyên mục
Tin khác