Thị trường

Tổng cục Hải quan bác thông tin 'có can thiệp' vụ mở tờ khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo lúc nửa đêm

(VNF) - Liên quan tới việc mở tờ khai đăng ký xuất khẩu 400.000 tấn gạo lúc nửa đêm, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết việc này không có sự can thiệp của công chức hải quan và hệ thống xử lý hoàn toàn tự động.

Tổng cục Hải quan bác thông tin 'có can thiệp' vụ mở tờ khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo lúc nửa đêm

Mở tờ khai đăng ký xuất khẩu 400.000 tấn gạo lúc nửa đêm: ‘không có sự can thiệp của con người’

Tổng cục Hải quan cho biết hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản viện trợ hoạt động theo nguyên tắc xử lý tự động. Để thực hiện quyết định của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Theo đó, kể từ 24 giờ ngày 11/4/2020, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu theo nguyên tắc: tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (là 400.000 tấn)”.

Qua theo dõi, thống kê của Tổng cục Hải quan, trong thời gian từ 24 giờ ngày 11/4/2020 đến 19 giờ 34 phút ngày 12/4/2020, đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 Chi cục hải quan; số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu là 399.999,73 tấn.

Tổng cục Hải quan cho biết để kịp thời cung cấp thông tin về lượng gạo xuất khẩu đã được đăng ký mở tờ khai hải quan, Tổng cục đã bổ sung thông tin thống kê về tình hình đăng ký xuất khẩu gạo trên trang chủ Cổng thông tin điện tử Tổng cục tại địa chỉ www.customs.gov.vn.

Theo đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và người dân sẽ được cập nhật mỗi 60 phút về lượng gạo đã được mở tờ khai đăng ký xuất khẩu trong tháng, lượng gạo đã thực xuất trong tháng và số lượng hạn ngạch xuất khẩu còn lại trong tháng.  

Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn, cho biết thêm: “Hệ thống khai báo hải quan điện tử đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Việc khai báo của doanh nghiệp hoàn toàn tự động, 24h/7 ngày, không phân biệt là 0h sáng hay chỉ làm giờ hành chính”.

“Sau khi Chính phủ họp và Bộ Công Thương có quyết định cho xuất khẩu trở lại, thông tin này đã được báo chí truyền tải tức thì, rộng rãi. Tổng cục Hải quan cũng mở hệ thống tự động từ 0 giờ ngày 12/4, doanh nghiệp làm xuất khẩu nhiều rồi đều biết khai báo 24/7, không kể 0h sáng. Việc các doanh nghiệp nói không nắm được thông tin là do họ bị động, không phải do Hải quan”, ông Nguyễn Văn Cẩn cho hay.

Theo tìm hiểu, số doanh nghiệp đã đăng ký mở tờ khai hải quan thành công để xuất khẩu gạo trong tháng 4 có nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực này. Theo đó, doanh nghiệp đăng ký “trúng” số lượng lớn nhất là Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex với trên 96.200 tấn.

Top 5 doanh nghiệp đăng ký thành công số lượng lớn còn có Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood2) với 38.350 tấn, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Kiên Giang gần 35.700 tấn, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thành Tín gần 25.400 tấn, Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang trên 24.400 tấn…

Ngoài ra, một loạt các doanh nghiệp tên tuổi khác như: Công ty Cổ phần Quốc Tế Gia, Công ty Cổ phần TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH MTV XNK Lương thực Ngọc Lợi, Công ty Cổ phần Hiệp lợi, Công ty TNHH Phát tài, Công ty Cổ phần Lương thực Bình Định, Công ty Cổ phần Mỹ Trường… đều có số lượng đăng ký từ 11.000-17.000 tấn…

Trong một diễn biến liên quan trước đó, ngày 11/4, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên đã có thông báo về việc hủy kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020.

Cụ thể, các nhà thầu bị huỷ gồm: Công ty Cổ phần Lương thực Hà Nam Ninh (gói thầu số 01 cung cấp 1.000 tấn gạo), Công ty Cổ phần Lương thực Cao Lạng (gói thầu số 02 cung cấp 1.000 tấn gạo), Công ty Cổ phần Lương thực Hà Tĩnh (gói thầu số 03 cung cấp 1.000 tấn gạo và gói thầu số 04 cung cấp 800 tấn gạo).

Ngoài ra, gói thầu số 06 cung cấp 1.000 tấn gạo của Công ty TNHH Phát Tài và gói thầu số 07 cung cấp 900 tấn gạo của Công ty Cổ phần Mường Tường cũng bị huỷ.

Ngày 13/4, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết đã có đơn đề nghị giải quyết khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương về việc Tổng cục Hải quan mở tờ khai lúc hải quan lúc nửa đêm, khiến doanh nghiệp "chưng hửng".

Cụ thể, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, ông Phạm Thái Bình, cho biết doanh nghiệp đã cử nhân viên túc trực mở tờ khai hải quan cả ngày 11/4, sau khi có thông tin Chính phủ đồng ý cho phép xuất khẩu gạo trở lại. Tuy nhiên, khi đó cổng đăng kì tờ khai hải quan chưa mở.

Đến 0h ngày 12/4, Hải quan bất ngờ mở tờ khai cho hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo mà không hề có thông báo trước với các doanh nghiệp. Theo ông Phạm Thái Bình, chỉ 3 tiếng sau đó, họ lập tức đóng và thông báo đủ hạn ngạch xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp chưa mở được tờ khai hải quan nào cho hơn chục nghìn tấn gạo đã kí hợp đồng với đối tác. 

Theo ông Bình, từ ngày 24/3 đến nay, công ty bị tắc 100 container, khoảng 2.000 tấn gạo ở cảng. Vì vậy, khi có thông tin xuất khẩu trở lại, doanh nghiệp rất mừng, nhưng cuối cùng lại hụt hẫng.

Đại diện một số doanh nghiệp xuất gạo cho biết thêm rất nhiều doanh nghiệp gặp phải tình huống éo le này và hiện hàng trăm tấn gạo nằm ngoài cảng nhưng không xuất được. 

Quyết định 1106/QĐ-BTC của Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu (xuất khẩu) gạo trong tháng 4/2020, có hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 11/4/2020, quy định về nguyên tắc quản lý hạn ngạch như sau:

Thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn (tờ khai hải quan có số lượng vượt quá mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan).

Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Xem thêm: Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4

Tin mới lên