Thị trường

Tổng kho thương mại điện tử ồ ạt mọc lên sát biên giới Việt Trung

Nhờ nhiều chính sách ưu tiên phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang ồ ạt xây dựng các tổng kho quy mô lớn dọc biên giới với Việt Nam.

Chị Thùy Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết cách đây một tuần đã đặt một đơn hàng từ Trung Quốc trên sàn thương mại điện tử Shopee. Chỉ 3 ngày sau, đơn hàng đã được nhập khẩu vào Việt Nam và giao đến tay chị một ngày sau đó. Đáng nói, dù vận chuyển từ nước ngoài nhưng đơn hàng của chị chỉ có giá 15.000 đồng, sau khi áp mã giảm giá, chị được miễn phí vận chuyển.

Trong khi đó, một đơn hàng khác đặt ở một cửa hàng có địa chỉ tại Hà Nội, nhưng cũng phải mất 3 ngày hàng mới đến tay chị Linh.

Thực tế hiện nay, nhiều người dùng Việt Nam cho biết tốc độ giao hàng của các đơn từ Trung Quốc về Việt Nam ngày càng nhanh, cước vận chuyển thậm chí thấp hơn đơn hàng trong nước.

Thực tế này đến từ việc chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách ưu tiên giúp các doanh nghiệp nước này đầu tư triển khai xây dựng các tổng kho thương mại điện tử gần biên giới Việt Nam. Vì vậy, khi có đơn hàng, thời gian chuyển về Việt Nam chỉ trong vài ngày với giá cước rẻ hơn nhiều so với trước đây.

Tổng kho quy mô lớn ồ ạt mọc lên

Huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) là cửa ngõ quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa giữa đất nước tỷ dân và Việt Nam. Tại khu vực này, Trung Quốc dự kiến ​​xây dựng khu tích hợp kho bãi, chế biến xuất nhập khẩu, hậu cần hiện đại, thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ngày 1/1/2020, giai đoạn 1 của dự án Khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - ASEAN (Hà Khẩu) đã chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động, hiện có 150 công ty hoạt động trong khu này.

Theo thông tin từ Sở Thương mại và Cục Xúc tiến đầu tư tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), hiện nước này đang đầu tư giai đoạn 2 của dự án tại Khu thương mại tự do thí điểm Hồng Hà.

Vị trí dự án nằm tại phía bắc huyện Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) giáp với tỉnh Lào Cai của Việt Nam, cách Hà Nội 295 km và cách cảng Hải Phòng 416 km. Bên cạnh đó, dự án nằm gần ga xe lửa Bắc Hà Khẩu, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa và bốc dỡ hàng, đồng thời có lợi thế về chi phí vận chuyển.

Dự án này có diện tích khoảng 85.886 m2, vốn đầu tư khoảng 250 triệu nhân dân tệ (gần 35 triệu USD). Mục tiêu đầu tư dự án là để phát triển xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, thương mại điện tử trong nước, trung tâm livestream, hậu cần và vận tải xuyên biên giới...

Nhiều kho hàng lớn của doanh nghiệp Trung Quốc xuất hiện tại các địa phương
sát biên giới Việt Nam. Ảnh: Baiyun.

Sau khi dự án hoàn thành, doanh nghiệp dự kiến có thể hoàn thành kiểm tra 50.000 bưu kiện/ngày, trọng lượng khoảng 800 tấn, khối lượng giao dịch hàng năm dự kiến ​​vượt 2 tỷ nhân dân tệ (280 triệu USD).

Hay ở Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), cách TP Móng Cái (Quảng Ninh) chỉ một con sông cũng đang đẩy mạnh phát triển Khu thương mại biên giới Đông Hưng thành khu thương mại biên giới lớn nhất Quảng Tây.

Liang Yinghua, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Đông Hưng cho biết TP Đông Hưng bắt đầu thành lập khu thương mại điện tử vào tháng 7/2022, theo Tân Hoa Xã.

Hiện có hơn 20 công ty thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trong thành phố. Trong đó, có hơn 200 mặt hàng như đồ thủ công mỹ nghệ và sản phẩm mây, mỗi tháng có khoảng 500.000 sản phẩm bán ra.

Thành phố Bằng Tường (Quảng Tây) là thành phố cảng biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng phát triển mạnh mô hình livestream bán hàng ngay tại khu thương mại điện tử xuyên biên giới Bằng Tường.

Theo Tân Hoa Xã, kể từ khi phát động sự kiện "lễ độc thân 11/11" năm ngoái, Công ty TNHH Thương mại điện tử Quảng Tây Liya, thuộc khu thương mại điện tử xuyên biên giới Bằng Tường, đã thực hiện 50 chương trình livestream/ngày, khách hàng chủ yếu từ các nước ASEAN.

Tại Quảng Châu (Trung Quốc) cũng đang gấp rút xây dựng Trung tâm thương mại tích hợp thương mại điện tử với tổng diện tích xây dựng khoảng 44.000 m2.

Sở dĩ ngày càng nhiều kho hàng, trung tâm thương mại điện tử mọc lên sát biên giới Trung Quốc với Việt Nam và các quốc gia khu vực ASEAN do doanh nghiệp nước này đang nhận được nhiều chính sách ưu đãi từ cơ quan quản lý.

Tại Trung Quốc, không chỉ chính phủ mà các địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Một phòng livestream ở khu thương mại điện tử xuyên biên giới Bằng Tường. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Theo phòng thương mại TP Quảng Châu, đầu năm nay, địa phương này đã thành lập quỹ đặc biệt để thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo đó, đối với doanh nghiệp trực tiếp thuê kho để kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới và có diện tích trên 500 m2, mức trợ cấp không quá 10 nhân dân tệ/m2/tháng.

Trợ cấp tiền thuê nhà, trợ cấp tài chính hàng năm của thành phố của mỗi doanh nghiệp không vượt quá 1,5 triệu nhân dân tệ.

Báo cáo "Đánh giá thị trường bất động sản Quảng Châu năm 2023 và triển vọng năm 2024" do Savills công bố đầu năm nay cho thấy Quảng Châu đã đưa vào hoạt động tổng cộng 6 kho trong năm 2023, nâng tổng diện tích kho hàng lên tới 735.000 m2.

Temu - chi nhánh của Pinduoduo, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc, cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng nhà kho Quảng Châu. Theo thống kê chưa đầy đủ, Temu có 12 kho tại Quảng Châu, chiếm gần một nửa trong số 30 kho toàn quốc.

Quy mô các tổng kho tại Việt Nam ra sao?

Tại Việt Nam, năm 2015, Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo đó, Việt Nam sẽ quy hoạch phát triển 53 kho bãi tại 6 tỉnh với diện tích trên 1,2 triệu m2. Trong đó, Quảng Ninh có 5 kho bãi, Lạng Sơn 17 kho, Cao Bằng 11 kho, Hà Giang 6 kho, Lào Cai 11 kho và Lai Châu 3 kho bãi.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện hệ thống kho bãi tại các khu vực cửa khẩu của Việt Nam chưa thực sự phát triển mạnh. Trong báo cáo xuất nhập khẩu năm 2022, Bộ Công Thương đánh giá hạ tầng kho bãi tập kết, kiểm tra giám sát hàng hóa tại một số cửa khẩu như Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Bắc Luân II, Tân Thanh chưa đáp ứng yêu cầu.

Một trung tâm phân loại đơn hàng của Lazada Việt Nam. Ảnh: An Dương.

Tại các cửa khẩu chưa có hệ thống kho bãi chuyên dụng để lưu giữ hàng hóa, bảo quản theo chế độ đặc biệt (như hóa chất, hàng đông lạnh).

Theo thống kê của JLL, tính đến quý IV/2022, quy mô của thị trường kho Việt Nam đã đạt hơn 4 triệu m2. Trong đó khu vực miền Nam tập trung hơn 3,3 triệu m2 và khu vực miền Bắc tập trung gần 900.000 m2.

Xét về địa lý, khu vực phía Nam vẫn là thị trường phát triển mạnh hơn về dịch vụ kho so với các vùng khác với phần lớn các công ty logistics mạnh tập trung trong khu vực này, chiếm tỷ trọng áp đảo về số lượng doanh nghiệp và quy mô doanh nghiệp.

Tin mới lên