Tài chính quốc tế

Tổng thống Joe Biden ký dự luật cấm nhập hàng hoá từ Tân Cương

(VNF) - Sau những tranh cãi không hồi kết về vấn đề nhân quyền tại khu vực Tân Cương (Trung Quốc), ngày 23/12, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành đạo luật cấm nhập khẩu hàng hoá từ khu vực Tân Cương do lo ngại về lao động cưỡng bức, khiến Trung Quốc giận dữ lên án.

Tổng thống Joe Biden ký dự luật cấm nhập hàng hoá từ Tân Cương

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Dự luật “Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại cách đối xử mà Washington cho là thiếu tôn trọng nhân quyền của Bắc Kinh với những người dân tộc Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Theo đạo luật này, Tổng thống Mỹ được yêu cầu áp đặt biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc bị cáo buộc "vi phạm nhân quyền ở Tân Cương".

Một số hàng hóa, chẳng hạn như bông, cà chua và polysilicon (được sử dụng trong sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời), được chỉ định là những sản phẩm cấm nhập khẩu hàng đầu.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết việc ông Biden phê chuẩn luật này nhấn mạnh "cam kết của Mỹ trong việc chống lại lao động cưỡng bức, và cả trong bối cảnh cuộc diệt chủng đang diễn ra ở Tân Cương".

"Bộ Ngoại giao cam kết làm việc với Quốc hội và các đối tác liên ngành của chúng tôi để tiếp tục giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức ở Tân Cương và tăng cường hành động quốc tế chống lại sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này", ông Antony tuyên bố.

Một trong những đồng tác giả của dự luật, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeff Merkley, cho rằng cần phải "gửi một thông điệp rõ ràng để chống lại nạn diệt chủng và lao động nô lệ".

Vị Thượng nghị sĩ bày tỏ: "Giờ đây chúng tôi cuối cùng có thể đảm bảo rằng người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ có thể mua hàng hóa mà không vô tình đồng lõa với các vụ vi phạm nhân quyền khủng khiếp của Trung Quốc".

Đáp lại hành động của Nhà Trắng, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết Mỹ đã "phớt lờ sự thật và vu khống ác ý tình hình nhân quyền ở Tân Cương."

"Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế, đồng thời là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc cực lực lên án và kiên quyết bác bỏ việc này", phát ngôn viên Đại sứ quán Liu Pengyu cho biết.

Trước đó, phía Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc coi thường nhân quyền tại Tân Cương và cưỡng bức người lao động. Đồng thời, chính phủ Mỹ và một số quốc gia khác đã tạo sức ép lên các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc như Nike, H&M, hay mới đây nhất là Intel, phải ngưng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tại Tân Cương.

Hành động này đã khiến chính phủ và người dân Trung Quốc nổi giận. Trong khi chính phủ của ông Tập Cận Bình nhiều lần phủ nhận hành vi lạm dụng người lao động tại Tân Cương, người dân Trung Quốc cũng kêu gọi tẩy chay các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc đại lục.

Sự việc trở nên căng thẳng từ cuối tháng 3 năm nay khiến nhiều doanh nghiệp phải lên tiếng xin lỗi vì không muốn làm “mếch lòng” các thượng đế tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới.

Không chỉ vậy, báo Global Times của Trung Quốc cũng tuyên bố hành động quay lưng của các doanh nghiệp đa quốc gia với Trung Quốc là “ăn cháo đá bát” và kêu gọi chính phủ Trung Quốc khiến những doanh nghiệp này phải “trả giá đắt”.

Xem thêm >> Intel ‘hứng bão’ tại Trung Quốc sau tuyên bố không dùng lao động tại Tân Cương

Tin mới lên