Tài chính quốc tế

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2021

(VNF) - Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục làm khuynh đảo thế giới với hàng loạt biến chủng mới. Hiện còn quá sớm để ước tính thiệt hại mà nền kinh tế toàn cầu phải hứng chịu do tác động của đại dịch Covid-19, mặc dù một số ý kiến cho rằng, thiệt hại có thể vượt xa tất cả những tổn thất ghi nhận trong cuộc Đại suy thoái của thế kỷ trước.

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2021

Ông Joe Biden trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ là một sự kiện đặc biệt trong năm 2021.

VietnamFinance xin điểm lại 10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm vừa qua:

1. Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành

Sau hơn 1 năm lây lan khắp thế giới và gây ra những hệ quả kinh tế khủng khiếp, Covid-19 vẫn là từ khoá nóng bỏng trong năm 2021. Không chỉ vậy, dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra còn trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết với sự xuất hiện của các biến chủng nguy hiểm mới như Delta hay Omicron.

Tính đến giữa tháng 12, toàn thế giới đã có hơn 271 triệu người nhiễm bệnh, ghi nhận hơn 5 triệu ca tử vong.

Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao nhất với hơn 50 triệu người mắc Covid-19 và gần 800.000 ca tử vong.

Trong khi đó, Ấn Độ đã trở thành vùng dịch lớn thứ 2 trên thế giới sau đợt bùng phát dịch tại các thành phố lớn như New Deli hay Mumbai, ghi nhận hơn 34 triệu ca nhiễm bệnh và 476.000 ca tử vong.

Covid-19 và các biến chủng mới vẫn là nỗi lo ngại lớn trên thế giới trong năm 2021.

Tuy vậy, những thiệt hại do dịch bệnh gây ra đến thời điểm hiện tại cũng được hạn chế phần nào nhờ những tiến bộ vượt trội trong quá trình nghiên cứu phương pháp chữa trị và tiêm vắc xin cho người dân.

Nhờ tỷ lệ phủ vắc xin tăng dần, một số quốc gia trên thế giới đã quyết định sử dụng “hộ chiếu vắc xin” và mở cửa trở lại để phục hồi dần nền kinh tế.

Mặc dù vậy, sự xuất hiện liên tục của các biến chủng được đánh giá là nguy hiểm như Delta, hay gần đây nhất là Omicron, loại biến chủng Covid-19 được WHO đánh giá là đang lây lan nhanh chưa từng thấy và có khả năng thống trị thế giới chỉ trong vài tháng, vẫn là nguy cơ tiềm ẩn với nền kinh tế thế giới và sự an nguy của người dân.

2. Ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46

Trải qua cuộc bầu cử lớn nhất và cũng gây nhiều lùm xùm nhất trong lịch sử, nước Mỹ cuối cùng cũng tìm được người nắm giữ danh hiệu Tổng thống Mỹ thứ 46.

Trưa 20/1/2021, ông Joe Biden chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ. Trong buổi tuyên thệ nhậm chức, tân lãnh đạo nước Mỹ cam kết sẽ trở thành tổng thống của tất cả mọi người dân, kêu gọi sự đoàn kết nhân dân, đồng thời tuyên bố sẽ thay đổi các chính sách của người tiền nhiệm – cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông Joe Biden trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20/1/2021 tại Điện Capitol.

Kể từ thời điểm nắm quyền, vị tổng thống 79 tuổi đã nỗ lực thực hiện nhiều thay đổi nhằm ứng phó với các thách thức tới từ đại dịch Covid-19, rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu, chỉ số lạm phát tăng cao hay những bất ổn chính trị khắp thế giới.

Theo đó, tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo mua vắc xin và thuốc trị Covid-19 từ các nhà sản xuất vắc xin lớn nhằm cung cấp cho người dân với chi phí thấp nhất và đảm bảo sức khoẻ cộng đồng. Ông cũng đã ký dự thảo luật cải thiện cơ sở hạ tầng hơn 1.000 tỷ USD và đang theo đuổi một gói hỗ trợ kích thích kinh tế khác trị giá 1.750 tỷ USD

Về quan hệ đối ngoại, ông Joe Biden nỗ lực hàn gắn các liên minh trên thế giới. Mặc dù vậy, ông Biden tỏ ra cương quyết với Trung Quốc – quốc gia đang có căng thẳng thương mại với Mỹ, và Nga – vì các vấn đề liên quan tới Ukraine.

3. Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chức sau 16 năm tại vị

Trở thành nữ thủ tướng trẻ tuổi nhất nước Đức từ năm 2005, bà Angela Merkel – người được mệnh danh là “bà đầm thép”, đã chính thức kết thúc nhiệm kỳ của mình vào năm 2021, đặt dấu chấm hết hành trình 16 năm “chèo lái” nước Đức.

Quãng thời gian bà Merkel điều hành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới được Tổng thống Frank-Walter Steinmeier ca ngợi là “một trong những thời kỳ vĩ đại nhất trong lịch sử nước Đức hiện đại”, giúp nước Đức tiến tới vị thế lãnh đạo của cả châu Âu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận quyết định miễn nhiệm vào ngày 26/10.

Trong suốt 16 năm cầm quyền, bà Merkel đã đưa nước Đức ra khỏi những cuộc khủng hoảng tăm tối nhất như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ Eurozone, làm trung gian dàn xếp thỏa thuận giữa Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Hy Lạp cũng như thuyết phục Nga và các quan chức hàng đầu của Ukraine đối thoại với nhau và khủng hoảng nhập cư.

Đối mặt với những thách thức lớn nhất, nhưng bà Merkel luôn đưa ra được những quyết định quyết đoán mà không thiếu sự mềm mỏng, nhờ đó giành được sự tín nhiệm và tin tưởng của người dân Đức cũng như nhiều lãnh đạo khác trên thế giới.

Ngày 26/10 vừa qua, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã trao quyết định kết thúc nhiệm kỳ công tác cho Thủ tướng Angela Merkel và các thành viên trong nội các. Người kế nhiệm bà Angela Merkel là ông Olaf Scholz thuộc Đảng dân chủ Xã hội (SPD).

4. Tàu chở container Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez

Cuối tháng 3/2021, toàn thế giới thấp thỏm dõi theo tiến độ giải cứu tàu chở hàng Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez trong vòng gần 1 tuần.

Tàu Ever Given là một siêu tàu chở hàng dài hơn 400m, nặng hơn 220.000 tấn, có thể chở tối đa 20.000 container. Ở thời điểm mắc kẹt, con tàu đang chở tổng cộng 18.300 container. Con tàu được vận hành bởi công ty tàu biển Evergreen Marine có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), và nằm trong số những con tàu lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, kênh đào Suez là tuyến vận tải quan trọng hàng đầu đối với việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ, nên việc tàu chở hàng khổng lồ Ever Given mắc kẹt đã gây ra thiệt hại không nhỏ tới nền kinh tế thế giới.

Toàn cảnh tàu Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez. 

Trong thời gian Ever Given mắc kẹt, gần 500 tàu chở hàng khác cũng phải “án binh bất động” chờ con tàu khổng lồ được giải cứu. Giám đốc Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie cho biết vụ ách tắc giao thông ở Kênh đào Suez đã khiến chính phủ Ai Cập phải thiệt hại 14 triệu USD tiền phí cầu đường mỗi ngày.

Ước tính, nền giao thương toàn cầu phải chịu thiệt hại dao động trong khoảng 6 - 10 tỷ USD mỗi tuần, theo công ty bảo hiểm Allianz. Đồng thời, độ tăng trưởng giao thương cũng giảm 0,2% - 0,4%. Chi phí thuê tàu từ châu Á tới Trung Đông tăng thêm tới 47%, lên 2,2 triệu USD.

Vụ mắc kẹt lịch sử không chỉ gây ra những thiệt hại kinh tế khổng lồ mà còn tác động không nhỏ tới đời sống người dân khi nỗi lo lắng về việc thiếu hàng hoá đã khiến người dân nhiều nước trên thế giới đổ xô đi mua đồ dùng hằng ngày, bao gồm cả giấy vệ sinh.

5. Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thiện

Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) là dự án đường ống dẫn khí đốt dài 1.230km, nối từ khu vực Ust-Luga (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) dọc theo biển Baltic. Đây là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall.

Tuyến đường ống dẫn được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.

Bản đồ đường ống dẫn khí của dòng chảy phương Bắc 2.

Dự án này bắt đầu được thực hiện từ năm 2018 và đã hoàn thành vào tháng 9/2021 nhưng chưa thể hoạt động vì còn chờ sự cấp phép của các quốc gia EU.

Hiện tại, quá trình cấp giấy chứng nhận cho Nord Stream 2 AG, công ty vận hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đang được tiến hành. Toàn bộ quá trình, theo yêu cầu pháp lý, có thể mất vài tháng.

Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 16/11, Cơ quan Quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) lại đưa ra kết luận rằng Dòng chảy phương Bắc 2 chưa tuân thủ luật pháp Đức.

Không chỉ đang gặp khó khăn đủ bề từ các quốc gia EU, Dòng chảy phương Bắc còn bị Mỹ và các đồng minh coi như “quân cờ” để kiềm chế Nga không tấn công Ukraine, chính vì vậy, tiến trình cấp phép hoạt động này không mấy tiến triển, trong khi giá khí đốt tại châu Âu vẫn tăng lên từng ngày.

6. Trung Quốc vượt Mỹ thành quốc gia giàu nhất thế giới

Thông tin Trung Quốc “vượt mặt” Mỹ, trở thành quốc gia giàu nhất thế giới cũng là một trong những sự kiện gây nhiều sự chú ý vào giữa tháng 11 vừa qua.

Theo báo cáo tháng 11 của Tập đoàn tư vấn quản lý McKinsey & Co, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia giàu nhất thế giới với tài sản ròng ước tính 120.000 tỷ USD.

Trung Quốc ngày càng phát triển đe doạ tới vị thế nền kinh tế hàng đầu thế giới của Mỹ.

Cụ thể, tính đến năm 2020, giá trị tài sản ròng của thế giới đã tăng lên 514.000 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với mức 156.000 tỷ USD của năm 2000. Điều bất ngờ nhất là Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia giàu nhất thế giới với tài sản tăng gấp 17 lần trong 20 năm qua, chiếm tới 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn này.

Trong khi đó, tài sản của Mỹ cũng tăng gấp đôi trong giai đoạn 2000 - 2020, nhưng chỉ lên mức 90.000 tỷ USD.

Tuy vậy, việc giá trị tài sản ròng của Trung Quốc tăng cao phần lớn xuất phát từ giá bất động sản tăng chóng mặt khiến các chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng này không bền vững và dễ gây ra nguy cơ khủng hoảng tài chính.

Theo chuyên gia Simon Baptist, Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu (EIU), Trung Quốc có thể phải mất hàng chục năm nữa mới có thể theo kịp Mỹ về mức độ giàu có tính theo GDP trên đầu người.

“Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc có thể đạt được mức GDP trên bình quân đầu người, hay mức độ giàu có ngang bằng với Mỹ trong vòng 50 năm tới. Tôi nghĩ rằng Mỹ thực chất sẽ vẫn là quốc gia giàu có hơn rất nhiều so với Trung Quốc”, ông Baptist phát biểu.

7. Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới RCEP được phê chuẩn

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP đã chính thức được phê chuẩn và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Theo đó, RCEP đã đạt đủ yêu cầu để được hoạt động là có tối thiểu 6 thành viên ASEAN và 3 nước ký kết ngoài ASEAN phê chuẩn hiệp định.

Tính đến đầu tháng 11, ngoài 6 quốc gia thuộc ASEAN là Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, các quốc gia khác ngoài ASEAN cũng đã phê chuẩn RCEP là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2022.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực có hiệu lực sẽ tạo ra thị trường có quy mô 2,2 tỷ dân và 26.200 tỷ USD, tương đương 30% dân số cũng như GDP toàn cầu. Hiệp định này lớn hơn các khối thương mại khu vực khác như Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) hay Liên minh châu Âu (EU).

RCEP sẽ tạo ra thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng, gây dựng nên khuôn khổ pháp lý trong khu vực về các chính sách thương mại và tạo sự cạnh tranh công bằng trong khu vực, đồng thời trở thành động lực to lớn cho các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

8. Rò rỉ hồ sơ Pandora

Hồ sơ Pandora được xem là vụ rò rỉ dữ liệu về công ty "ngoại biên" (offshore) có quy mô lớn nhất lịch sử, với sự tham gia của hơn 600 nhà báo từ 150 hãng truyền thông ở 117 quốc gia.

Được công bố bởi Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), hồ sơ Pandora bao gồm 6,4 triệu tập tài liệu, gần 3 triệu hình ảnh, 1,2 triệu email, nửa triệu bảng tính liên quan tới hồ sơ thành lập, hồ sơ ngân hàng,… được viết bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Mandarin, Hàn Quốc, Nga và Hy Lạp của hàng chục nghìn công ty “ngoại biên”.

Những hồ sơ này đã tiết lộ cách thức một số nhân vật quyền lực nhất thế giới, trong đó có hơn 330 chính trị gia và quan chức cấp cao từ 90 quốc gia cùng 100 tỷ phú, đã sử dụng những công ty bí mật ở nước ngoài để che giấu sự giàu có của mình.

Một số nhân vật nổi tiếng trên thế giới được nêu tên trong vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora gây chấn động thế giới.

Với khối lượng dữ liệu khổng lồ, liên quan tới quá nhiều nhân vật “cộm cán”, cơ quan ICIJ đã mất rất nhiều thời gian để xác nhận thông tin, liên hệ với các tổ chức liên quan trước khi công bố thông tin.

Theo hồ sơ, uớc tính có khoảng từ 5.600 - 32.000 tỷ USD được những người có tầm ảnh hưởng trên thế giới “giấu” tại các quốc gia có chế độ thuế “lỏng lẻo”, nhằm trốn thuế và che giấu khối tài sản thực sự.

9. Taliban chiếm quyền tại Afghanistan

Đã 20 năm kể từ khi chính quyền Taliban ở Afghanistan bị Mỹ lật đổ vào năm 2001. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm nay cùng với sự sụp đổ nhanh chóng của tổng thống Ashraf Ghani, lực lượng Taliban đã trở lại và chiếm quyền kiểm soát đất nước này.

Chỉ trong hơn 3 tháng, Taliban đã chiếm phần lớn lãnh thổ Afghanistan. Đến ngày 15/8, lực lượng này đã ồ ạt tiến vào thủ đô Kabul mà không gặp sự chống cự nào từ chính phủ nước này. Cùng ngày, các tay súng Taliban cũng tuyên bố đã kiểm soát dinh Tổng thống Ghani.

Báo Daily Times của Pakistan đưa tin về sự sụp đổ của chính quyền Kabul.

Sau khi chiếm đóng Kabul, Taliban sẽ tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan với chính quyền mới có sự tham gia của đông đảo các thành phần xã hội, đặt ra những thể chế mới và các chính sách ngoại giao.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Taliban sẽ thay đổi theo chiều hướng ôn hòa và cởi mở hơn nhằm đưa đất nước Afghanistan phát triển hòa bình, ổn định, chấm dứt nỗi thống khổ của người dân.

Việc Taliban chiếm quyền tại Afghanistan không chỉ là một sự kiện quan trọng tại khu vực Nam Á, mà còn là sự kiện chính trị có ảnh hưởng tầm cỡ thế giới bởi vị thế địa lý và trữ lượng khoáng sản khổng lồ của Afghanistan.

Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan và Taliban lên nắm quyền, cả Trung Quốc và Nga – các quốc gia đang có căng thẳng với Mỹ, đều có tiếp xúc với chính quyền Taliban nhằm tăng sự hiện diện tại quốc gia hồi giáo, trong khi Mỹ cùng các đồng minh cố sức hạn chế việc này.

10. Giá dầu thế giới đạt mức cao kỷ lục

Năm 2021 chứng kiến giá dầu tăng “phi mã” trên toàn thế giới do một số quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại dẫn đến nhu cầu về nhiên liệu gia tăng trên quy mô toàn cầu.

Cùng với đó, những lo ngại về tình trạng thiếu hụt than và khí đốt ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu đã thúc đẩy xu hướng sản xuất điện sử dụng dầu diesel và dầu mỏ, càng khiến nhu cầu về các loại nhiên liệu hóa thạch tăng cao.

Nhu cầu xăng dầu tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm đã dẫn tới những tác động tiêu cực về kinh tế, đặc biệt là thị trường tiêu dùng trên toàn cầu.

Giá dầu tăng lên mức kỷ lục trong năm 2021.

Giá dầu thô và dầu Brent tăng liên tục nhiều tuần liên tiếp, đạt các mức cao kỷ lục. Giá dầu Brent Biển Bắc tại Mỹ đã có lúc tăng lên 84,38 USD/thùng, mức cao nhất trong 3 năm qua, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) nhảy vọt lên mức cao nhất trong 7 năm là 81,72 USD/thùng.

Trong thời điểm giá dầu tăng cao, các quốc gia sản suất dầu mỏ (OPEC+) lại tỏ ra thận trọng trước các đề nghị tăng sản lượng dầu mỗi ngày, khiến Mỹ cùng một số quốc gia khác quyết định khai thác các kho dự trữ nhiên liệu trên khắp thế giới nhằm tạm bình ổn giá xăng dầu.

Xem thêm >> Trung Quốc kiểm toán Evergrande và tài sản của chủ tịch Hứa Gia Ấn

Tin mới lên