Tài chính quốc tế

Tổng thống Mỹ tham vọng phá thế thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm 46 tỷ USD

(VNF) - Mỹ đang nỗ lực để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc trên thị trường đất hiếm. Tuy nhiên, nỗ lực của Washington có thể vẫn chưa đủ để "thế chân" Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chất hiếm trên toàn cầu.

Tổng thống Mỹ tham vọng phá thế thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm 46 tỷ USD

Ở vùng sa mạc phía Nam California, một mỏ khai thác lộ thiên rộng lớn đã trở thành quân bài chiến lược trong cuộc chiến giành ưu thế công nghiệp giữa hai cường quốc Mỹ - Trung. Những chiếc xe tải khổng lồ màu vàng vận chuyển quặng từ mỏ đất hiếm Mountain Pass hoạt động trở lại với sứ mệnh “khôi phục toàn bộ chuỗi cung ứng đất hiếm cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

Việc tái khởi động mỏ đất hiếm Mountain Pass nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm cả tài trợ từ Bộ Quốc phòng. Đây là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm tái thiết lập sự hiện diện của Mỹ trên thị trường chất hiếm vốn đang bị Trung Quốc thống trị.

Tầm quan trọng của đất hiếm

Đất hiếm là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế thế giới hiện nay. Đây là nguyên liệu được sử dụng trong nhiều thiết bị, từ điện thoại thông minh đến máy bay chiến đấu. Đất hiếm có thể tạo ra nam châm mạnh hơn gấp nhiều lần so với những loại nam châm truyền thống. Nếu không có đất hiếm, động cơ xe điện và ổ cứng máy tính sẽ không chạy được.

Mỏ khai thác đất hiếm Mountain Pass

Với những giá trị này, nhu cầu đất hiếm đang ngày càng tăng trong những năm gần đây. Theo Investment Monitor, nhu cầu đất hiếm dự kiến sẽ đạt 315.000 tấn vào năm 2030. Giá trị tiêu thụ đất hiếm toàn cầu sẽ tăng gấp 3 lần, từ 15,1 tỷ USD vào năm 2022 lên 46,2 tỷ USD vào năm 2035.

Sau thời gian tạm lắng vì dịch Covid-19 vào năm 2020, mức tiêu thụ nam châm NdFeB trên toàn cầu đã tăng 18,1% vào năm 2021, chủ yếu là do doanh số bán xe điện tăng đột biến. Nhu cầu toàn cầu về nam châm NdFeB sẽ tăng vọt với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 8,6% do nhu cầu về xe điện và điện gió tăng trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2035, theo Nikkei Asia.

Sự mất cân đối giữa cung và cầu khiến giá đất hiếm tăng mạnh. Giá bán của hợp kim PrNd – chiếm phần lớn trong nam châm đất hiếm – đã tăng hơn 30% kể từ tháng 1 năm 2022 và tăng vọt hơn 300% kể từ tháng 5 năm 2020. Theo TradingEconomics.com, giá oxit neodymium trung bình là khoảng 50 USD một kilôgam (/kg) vào năm 2020, 100 USD/kg vào năm 2021 và 160 USD/kg trong quý đầu tiên của năm 2022.

Trữ lượng đất hiếm có ở nhiều nơi trên thế giới, từ Burundi đến Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam... Tuy nhiên, việc khai thác đất hiếm không dễ dàng và chỉ có một số ít quốc gia nắm được lợi thế. Cho đến nay, Trung Quốc đang là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu vào năm 2022, theo Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng có trữ lượng đất hiếm lớn nhất trên thế giới với tổng cộng 44 triệu tấn oxit đất hiếm, gấp đôi so với Việt Nam, Nga hay Brazil.

Mỹ đánh mất lợi thế vào tay Trung Quốc

Vào năm ngoái, sản lượng khai thác đất hiếm từ mỏ Mountain Pass chiếm 14% tổng sản lượng đất hiếm trên toàn cầu. Thế nhưng, con số này vẫn còn tương đối khiêm tốn: trữ lượng đất hiếm của Mỹ chỉ bằng 5% của Trung Quốc.

Mỹ từng có lợi thế về ngành công nghiệp khai thác đất hiếm

Trong quá khứ, Mountain Pass từng là nguồn cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới. Vào năm 1974, lượng đất hiếm khai thác tại mỏ Mountain Pass chiếm tới 78% sản lượng đất hiếm trên toàn cầu. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh việc khai thác chất hiếm thì Mỹ dần hụt hơi và bị dẫn trước vào giữa những năm 1990.

Mỏ đất hiếm Mountain Pass còn tạm thời đóng cửa do một vụ tràn chất thải hóa học vào năm 2002. Chi phí khai thác quá cao cùng với những lo ngại về tác hại đối với môi trường đã khiến Mỹ đình chỉ hoạt động khai thác và sản xuất đất hiếm. Thay vào đó, Mỹ dần dựa vào nguồn cung ứng đến từ Trung Quốc. Dần dà, chính Mỹ đã tự tay trao cho Trung Quốc một vị thế đặc biệt trong cuộc chiến đất hiếm.

Trong lúc Mỹ bỏ rơi ngành khai thác tiềm năng, Trung Quốc lại xác định đất hiếm là ngành công nghiệp chiến lược từ những năm 1990. Không chỉ tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chính quyền Bắc Kinh còn sáp nhập 3 công ty khai thác đất hiếm thuộc sở hữu của nhà nước và tạo ra một tập đoàn duy nhất, kiểm soát tới 40% trữ lượng đất hiếm của quốc gia này.

Trung Quốc đã trở thành “đầu mối” cung cấp chất hiếm cho các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Âu. Không chỉ có lợi ích về kinh tế, đất hiếm còn là “chiêu bài chiến lược” để Trung Quốc tạo áp lực lên các quốc gia khác. Năm 2010, Trung Quốc tạm ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau khi xảy ra căng thẳng liên quan đến chủ quyền của quần đảo Senkaku. Năm 2019, Trung Quốc một lần nữa đe dọa hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trung Quốc xem đất hiếm là quân bài chiến lược

Những lần hạn chế này đã làm sáng tỏ các vấn đề an ninh tài nguyên xung quanh chuỗi cung ứng đất hiếm. Mỹ cùng nhiều quốc gia đang phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc đang dần tìm cách giảm hạn chế xuống mức tối đa.  

Nỗ lực tìm lại vị thế đã mất của Mỹ

Mỹ đang có những động thái quyết liệt để làm sống lại ngành khai thác đất hiếm và lấy lại vị thế đã mất. Vào năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ đánh giá khả năng phục hồi các chuỗi cung ứng quan trọng của quốc gia, trong đó có đất hiếm. Tổng thống Mỹ nhận ra rằng “sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong sản xuất nguyên liệu thô và nam châm đất hiếm là một lỗ hổng chiến lược”.

Ông khẳng định “Chúng ta không thể xây dựng một tương lai ở Mỹ nếu chính chúng ta phụ thuộc Trung Quốc về nguyên liệu cung cấp năng lượng cho các sản phẩm của hôm nay và ngày mai”. Sự phụ thuộc vào các quốc gia khác trong việc sản xuất các mặt hàng thiết yếu như chip máy tính hay khai khoáng là điều nguy hiểm.

Việc đẩy mạnh sản xuất mỏ tại Mountain Pass chỉ là bước đầu tiên mà chính phủ Hoa Kỳ cần làm để hiện thực hóa tham vọng của mình. Thách thức lớn hơn nằm ở bước tiếp theo: tinh chế quặng đất hiếm và biến chúng thành kim loại, nam châm có giá trị cạnh tranh. Một nhà máy tinh luyện đất hiếm và nam châm thành phẩm đang được lên kế hoạch để đưa vào sản xuất trong cuối năm nay.

Mỹ đang dốc toàn lực để khôi phục ngành khai thác đất hiếm

Dự luật về đất hiếm đang được Quốc hội thảo luận và nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Bộ Quốc phòng cũng đã đầu tư thêm 35 triệu USD cho Mountain Pass vào năm 2022. Nhiều hỗ trợ tài chính của chính phủ Hoa Kỳ cho Mountain Pass cũng đang được triển khai.

Thế nhưng, dù Mỹ có thành công với mỏ đất hiếm Mountain Pass thì quốc gia này vẫn phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu 31 trong số 35 loại khoáng sản quan trọng. Sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể loại bỏ hoàn toàn Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu, tờ Nikkei Asia nhận định.

David Merriman, Giám đốc nghiên cứu đất hiếm tại công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết: “Trong thời gian 5 năm tới, các quốc gia sẽ ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn về mặt khai thác đất hiếm khi nhiều mỏ khai thác mới đang đi vào hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm vẫn sẽ rất mạnh mẽ trong nhiều năm tới”.

Tin mới lên