Ngày 19/7/2022, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (TCIP), công ty Tư vấn DOHWA Engineering Co., Ltd. (Hàn Quốc) phối hợp với công ty Tư vấn Việt Nam UCTV (Chi nhánh Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại học Giao thông Vận tải) tổ chức Hội thảo báo cáo kỹ thuật lần 2 - Gói thầu BRT2-CS9.
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu trong ngành Giao thông và các lãnh đạo đại diện Ngân hàng thế giới (WB), Sở Giao thông Vận tải TP. HCM (DOT), các đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải, Đại diện UBND TP. Thủ Đức, Sở Quy hoạch & Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường, Ban Quản lý đường sắt đô thị, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải TNHH MTV (SAMCO) và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP. HCM.
Nội dung chính của hội thảo là tư vấn nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên toàn thành phố và chuẩn bị kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt hiện hữu.
Giám đốc TCIP Lương Minh Phúc phát biểu khai mạc (Ảnh: VNF)
Theo Giám đốc TCIP Lương Minh Phúc, thách thức hiện nay là phải đưa giải pháp giải quyết bài toán giao thông công cộng cho TP. HCM, phải giải quyết được áp lực lớn gia tăng lượng hành khách, cũng như gia tăng chất lượng phục vụ.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách sử dụng xe buýt đạt 550 triệu lượt/năm, nhưng từ 2021 đến nay số lượng này đang giảm. "Thành phố đang cần tái cấu trúc hệ thống xe buýt hiện tại và tương lai", ông Phúc nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 27/9/2021, Tư vấn DOHWA Engineering Co., Ltd. (Hàn Quốc) cùng với tư vấn Việt Nam UCTV (Chi nhánh Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại học GTVT) được lựa chọn là nhà thầu của gói thầu BRT2-CS9.
Gói thầu này tư vấn nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên toàn thành phố và chuẩn bị kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt hiện hữu, thuộc dự án Phát triển Giao thông xanh TP. HCM do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông là chủ đầu tư. Dự án được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới.
Mục tiêu chính của dịch vụ tư vấn BRT2-CS9 là nâng cao chất lượng mạng lưới tuyến xe buýt của TP. HCM; để hỗ trợ hoạt động hiệu quả của hệ thống xe buýt; và cải thiện dịch vụ xe buýt cho người dân.
Trong dự án này, 2 phương án đã được xem xét. Phương án 1 là “Tái cấu trúc một số tuyến” để cải thiện một số tuyến trong khi vẫn duy trì hệ thống tuyến hiện tại là một kế hoạch ngắn hạn.
Phương án 2 là “Tái cấu trúc tất cả các tuyến” để tổ chức lại tất cả các tuyến xe buýt trong thành phố dựa trên các tuyến xe buýt hiện tại là một kế hoạch dài hạn.
Hiện tại, tiến trình của dự án BRT2-CS9 đang trong giai đoạn báo cáo giữa kỳ, đảm bảo các tiêu chí và đúng mục tiêu xác lập. Buổi Hội thảo báo cáo kỹ thuật lần 2 này nhằm giúp đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý để có cơ sở hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu và thực hiện các bước tiếp theo của dự án trong tương lai.
Hệ thống vận tải hành khách công cộng tại TP. HCM cho tới thời điểm hiện nay vẫn chưa giữ được vai trò chủ đạo trong hệ thống vận tải đô thị.
Mục tiêu được xác định trong “quyết định 3998/QĐ-UBND phê duyệt đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. HCM”, vận tải hành khách công cộng Thành phố sẽ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu giao thông đô thị vào năm 2025 và 25% vào năm 2030.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay hệ thống chưa đáp ứng như kỳ vọng. Đứng trước những đòi hỏi mới của quá trình phát triển đô thị, hệ thống vận tải hành khách công cộng TP. HCM cần phải có sự thay đổi để thích ứng, tránh bị tụt hậu so với đà phát triển chung của Thành phố.
Để giải bài toán giao thông đô thị, chính quyền Thành phố đã lựa chọn lời giải là phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm.
Đồng thời tăng cường quản lý nhu cầu đi lại của người dân theo hướng kiểm soát các phương tiện cơ giới cá nhân. Tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng theo hướng sử dụng phương thức vận tải khối lượng lớn tốc độ cao như MRT, BRT làm chủ đạo, xe buýt là phương thức vận tải phụ trợ.
Bản thân mạng lưới tuyến xe buýt cần được mở rộng, nâng cao năng lực phục vụ và tính linh hoạt, tổ chức lại trên cơ sở kế thừa ưu điểm của mạng lưới tuyến hiện có, khắc phục một số hạn chế để đáp ứng nhu cầu mới.