TP. HCM: Vì sao nợ thuế nội địa tăng cao?

Lê Thu - 17/09/2018 16:49 (GMT+7)

Tính đến hết tháng 8/2018, nợ thuế nội địa trên địa bàn TP. HCM đã tăng 51,82% so với thời điểm cuối năm 2017.

VNF
Ảnh minh họa.

Nợ thuế 11.511 tỷ đồng

Tổng thu nội địa tính đến tháng 8/2018 tại Cục Thuế TP. HCM là 176.644 tỷ đồng, đạt 65,72% dự toán năm 2018, tăng 16,06% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nội địa trừ dầu thô là 160.900 tỷ đồng, đạt 62,8% dự toán năm 2018, tăng 13,93% so với cùng kỳ năm 2017;  thu từ dầu thô được 15.744 tỷ đồng, đạt 125,25% dự toán năm 2018, tăng 43,39% so cùng kỳ năm 2017.

Tính đến hết tháng 8/2018, kết quả thu nợ thuế của Cục Thuế TP. HCM đạt cao, nhưng số nợ phát sinh cũng tăng khá mạnh. Trong 8 tháng qua, Cục Thuế đã thu nợ được 4.448 tỷ đồng, đạt 58,66% số nợ 2017 chuyển sang.

Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 2.580 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 1.868 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số nợ có khả năng thu (số tiền thuế nợ đến 90 ngày và số tiền thuế nợ trên 90 ngày) đến ngày 31/8/2018 là 11.511 tỷ đồng, tăng 51,82% so với thời điểm 31/12/2017.

Phân tích của Cục Thuế TP. HCM về số nợ này cho thấy trong tổng số nợ thuế trên, nợ thuộc các khoản thuế, phí chiếm hơn ½, với 6.104 tỷ đồng, tăng so với thời điểm 31/12/2017 là 2.423 tỷ đồng, tương đương tăng 65,81%.

Các khoản nợ liên quan đến đất đai là 1.907 tỷ đồng, tăng so với thời điểm 31/12/2017 là 744 tỷ đồng, tương đương tăng 64%. Tiền phạt, tiền chậm nộp là 3.264 tỷ đồng, tăng so với thời điểm 31/12/2017 là 569 tỷ đồng, tương đương tăng 21,09%.

Theo lãnh đạo Cục Thuế TP. HCM, trong thời gian qua có tình trạng nợ thuế gối đầu của các doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp nợ quá hạn nhưng chưa đến mức 90 ngày để không bị cưỡng chế và chấp nhận trả tiền phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày. Tính ra, tiền phạt chậm nộp thuế tương đương 0,9%/tháng, thấp hơn lãi suất vay ngân hàng và doanh nghiệp không phải đáp ứng các điều kiện vay.

Bên cạnh đó, theo nhận định của một số chuyên gia, các ngân hàng đang siết chặt vốn vay đối với lĩnh vực bất động sản, chính vì thế, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng sẵn sàng nợ thuế, chịu phạt để lấy vốn làm ăn. Hiện nay, khoản nợ thuế liên quan đến đất đai là 1.907 tỷ đồng, tăng 64%.

Kiên quyết xử lý nợ thuế

Theo đánh giá của Cục Thuế TP. HCM, trong số nợ có khả năng thu, đối với các khoản nợ dưới 90 ngày cơ quan thuế chỉ có thể đôn đốc thu nợ bằng các biện pháp: Gọi điện thoại, gửi tin qua SMS, ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền chậm nộp.

Đối với các khoản nợ trên 90 ngày sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định tại Điều 26 Luật số 21 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11. Hiện tại, các doanh nghiệp có số nợ lớn Cục Thuế TP. HCM đang quản lý hầu hết đã áp dụng biện pháp cưỡng chế  bằng hình thức Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng trở lên, nhiều trường hợp đề nghị rút giấy phép kinh doanh.

Để xử lý, thu hồi số nợ thuế trên, theo lãnh đạo Cục Thuế TP. HCM, hiện nay, cơ quan thuế vẫn đang tiếp tục phân loại các khoản nợ thuế theo từng loại để xử lý, như: Nợ khó có khả năng thu, nợ có khả năng thu, nợ chờ xử lý, nợ chờ xóa…

Theo đó, các doanh nghiệp nợ chây ì sẽ được nhóm lại theo ngành nghề và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để đốc thúc thu. Liên tiếp trong tháng 7 và tháng 8/2018, Cục Thuế TP. HCM đã công khai danh sách gần 1.600 doanh nghiệp nợ thuế, với tổng số nợ gần 1.900 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Cục Thuế TP. HCM, việc công khai thông tin doanh nghiệp nợ thuế sẽ được thực hiện thường xuyên theo định kỳ hàng tháng.

Trong những tháng cuối năm 2018, đơn vị rà soát chỉ tiêu giao thu nợ hàng tháng cho từng đội thuế, từng công chức để thực hiện các biện pháp xử lý nợ thuế có hiệu quả, phấn đấu số tiền nợ thuế phải giảm ở mức thấp nhất, hạn chế không để phát sinh thêm nợ mới.

Đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp: Rà soát 100% các khoản nợ thuế, thực hiện phân loại nợ thuế chính xác trên ứng dụng TMS. Đối với các trường hợp nợ khó thu, nợ đang xử lý, tiền thuế đang chờ điều chỉnh đảm bảo có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế.

Cục cũng thực hiện rà soát, cưỡng chế nợ thuế theo danh sách các doanh nghiệp có tiền thuế nợ từ 5 triệu đồng trở lên; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc đôn đốc thu, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật để thu hồi nợ thuế.

Theo Hải quan
Cùng chuyên mục
Tin khác