M&A

Trái phiếu doanh nghiệp: Cẩn trọng cạm bẫy ẩn sau 'miếng ngon'

(VNF) - “Việc siết chặt quản lý, giám sát trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là rất cần thiết, nếu không, đây sẽ là khối u mới của nền kinh tế. “Bom nợ” Evergrande là bài học nhãn tiền cho Việt Nam”, TS. Lê Xuân Nghĩa bình luận.

Trái phiếu doanh nghiệp: Cẩn trọng cạm bẫy ẩn sau 'miếng ngon'

Thị trường TPDN vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.

Hàng tá nguy cơ tiềm ẩn cho nhà đầu tư

Kể từ ngày 1/1/2021, nhiều quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã bắt đầu triển khai và áp dụng. Trong suốt cả năm, thị trường TPDN vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh kênh tín dụng truyền thống được Ngân hàng Nhà nước điều hành siết chặt hơn.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, lũy kế 11 tháng, khối lượng phát hành TPDN đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm đến 94,5%, còn lại chỉ 5,5% là TPDN phát hành ra công chúng. Về cơ cấu, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là các nhà phát hành lớn nhất trên thị trường, chiếm lần lượt 34% và gần 28% tổng khối lượng phát hành.

Đáng chú ý, trong số các TPDN phát hành riêng lẻ, có tới một nửa trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Một nửa còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, vốn có tính biến động rất cao và khó định giá chính xác.

Thực trạng này đã dấy lên những lo ngại về rủi ro tiềm ẩn đối với các trái chủ, bởi lẽ trái phiếu không có tài sản đảm bảo có khả năng lớn trở thành trái phiếu “rác” nếu doanh nghiệp có chủ đích lợi dụng lòng tin để “bán giấy lấy tiền”; và cho dù có tài sản đảm bảo, nhưng nếu là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai, cổ phiếu... thì cũng tồn tại nguy cơ mất mát rất lớn nếu giá trị tài sản biến động theo chiều hướng xấu, không đủ để thanh toán gốc, lãi vay trái phiếu.

Ở góc độ tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá chiêu “tay không bắt giặc” đã được không ít doanh nghiệp bất động sản sử dụng, khi mà điều kiện tiếp cận vay vốn ngân hàng đang ngày càng khắt khe hơn (chẳng hạn như doanh nghiệp cần tài sản thế chấp, có kế hoạch kinh doanh, kế hoạch trả nợ rõ ràng và cụ thể). Ông Nghĩa lưu ý, thông thường với doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thì việc vay vốn ngân hàng cũng không quá khó khăn, chưa kể mức lãi suất chỉ trên dưới 8%/năm, thấp hơn đáng kể so với mức chi trả cho các nhà đầu tư trái phiếu.

Bên cạnh đó, không chỉ dễ dàng gọi vốn, dòng tiền thu về từ trái phiếu cũng không bị kiểm soát, giám sát chặt chẽ, khiến doanh nghiệp phát hành có thể tùy ý sử dụng mà các trái chủ khó có thể biết. Nhiều trường hợp, chủ đầu tư trong hồ sơ phát hành trình bày rằng huy động tiền từ trái phiếu để hoàn thành một dự án, nhưng trên thực tế lại lấy khoản tiền đó để mua dự án khác hoặc đem tiền đi đầu tư.

Mặt khác, hiện cũng có nhiều doanh nghiệp địa ốc có sức khỏe tài chính yếu kém nhưng rất năng nổ phát hành trái phiếu với mức lãi suất hấp dẫn, trung bình khoảng 13%/năm. Cá biệt có doanh nghiệp đã đưa ra mức lợi nhuận lên tới 14,5%/năm (gấp khoảng 3 lần so với lãi suất huy động tiền gửi từ các ngân hàng).

Trước những thực tế này, các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cũng như giới chuyên gia đều khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, cần chọn mặt gửi vàng, hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ, đòn bẩy tài chính cao.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Group cho biết: “Dù chưa có doanh nghiệp phát hành trái phiếu nào của Việt Nam chậm trả gốc lãi nhưng rủi ro vỡ nợ là có, chỉ có điều chưa biết đến khi nào bởi thị trường mới ở giai đoạn đầu, phải 3-5 năm nữa mới tới thời gian đáo hạn. Nền kinh tế nước ta đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phá sản nhưng sau hàng chục năm vẫn chưa thể đòi được nợ, đây là vấn đề nhà đầu tư cần lưu tâm”.

Đồng quan điểm với ông Thuân, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng việc bùng nổ quá nhanh của TPDN có thể có nguy cơ tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp về lãi, khả năng thanh toán của các trái chủ, các vấn đề về quyền lợi của nhà đầu tư. “Nếu các TPDN phát hành không được đảm bảo chất lượng thì không khác gì hoạt động “cho vay họ”, khi gặp rủi ro và bị vỡ nợ thì các chủ hụi sẽ đánh bài chuồn. Vỡ nợ trái phiếu gây ra hệ lụy khủng khiếp bởi không chỉ thiệt hại tiền của các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của thị trường tài chính, uy tín của thị trường chứng khoán và có thể của cả Chính phủ”, ông Phong cảnh báo.

Siết thêm quy định, trái phiếu “rác” sắp bị khai tử?

Nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn mà TPDN có thể mang lại cho nhà đầu tư, không dừng lại ở việc cảnh báo, cơ quan quản lý cũng ngày càng thắt chặt các quy định về việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, thông qua hàng loạt văn bản luật, nghị định và thông tư. Bên cạnh các quy định mới được ban hành trước đó (Luật Chứng khoán 2019, nghị định 81/2020/NĐ-CP; nghị định 153/2020/NĐ-CP; nghị định 155/2020/NĐ-CP), Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo đó, dự thảo bổ sung quy định, doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng nếu phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành.

Nếu quy định này được ban hành sẽ chặn đứng dòng trái phiếu đầy rủi ro đang xuất hiện tràn lan trên thị trường, nhất là trái phiếu “3 không” - không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán.

“Việc siết chặt quản lý, giám sát trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là rất cần thiết, nếu không, đây sẽ là khối u mới của nền kinh tế. “Bom nợ” Evergrande là bài học nhãn tiền cho Việt Nam”, TS. Lê Xuân Nghĩa bình luận.

Liên quan chất lượng trái phiếu riêng lẻ được niêm yết trên sàn giao dịch thứ cấp, Bộ Tài chính cho biết sẽ đưa ra nhiều quy định để chặn trái phiếu “rác”. Theo dự thảo của Bộ Tài chính, ngoài trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải đại chúng chỉ được lên sàn nếu đáp ứng một số điều kiện, như có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm giao dịch trên hệ thống từ 30 tỷ đồng trở lên; hoạt động kinh doanh của năm liền kề trước năm giao dịch trên hệ thống phải có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán.

Việc hình thành thị trường giao dịch TPDN thứ cấp với luật lệ rõ ràng được kỳ vọng sẽ làm lành mạnh hóa kênh phân phối TPDN, đẩy lùi nạn chào bán tràn lan, phớt lờ các quy định pháp luật hiện nay.

Tin mới lên