Trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi khả quan

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - 01/09/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) -Mặc dù còn gặp rủi ro nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng phục hồi tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2024 và tiếp theo nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ.

Những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có những bước tiến mạnh mẽ về hành lang pháp lý, quy mô, sản phẩm, cơ cấu nhà phát hành, nhà đầu tư, thanh khoản…

Tuy nhiên, trong năm 2022, thị trường chứng kiến một số vụ vi phạm nghiêm trọng trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp của một số doanh nghiệp bất động sản lớn (như Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty An Đông của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…), khiến đà tăng trưởng này bị chậm lại.

Trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang khó khăn…

Sau đó, những quy định pháp lý để chấn chỉnh lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư lung lay, cần thời gian để phục hồi đã tác động đến quá trình phục hồi của thị trường.

Tuy đã có những dấu hiệu tích cực trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, thách thức cần được quan tâm khắc phục.

Trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang khó khăn…

Lũy kế đến hết tháng 3/2024, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đạt hơn 1 triệu tỷ VND, tương đương 9,6% GDP năm 2023. Quy mô dư nợ của thị trường đã giảm khoảng 21% so với thời điểm cuối năm 2021.

Lý do là hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ (tổng giá trị mua lại giai đoạn 2022-2023 lên tới gần 460 nghìn tỷ đồng), cùng với đó là khối lượng phát hành mới suy giảm năm 2022 và mới dần phục hồi do tâm lý thị trường (bị ảnh hưởng bởi các sai phạm) và các quy định mới, siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Tổng quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng năm 2024 đạt khoảng 183,02 nghìn tỷ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy thị trường đang phục hồi khá tích cực. Trong năm 2024 chưa có một đợt phát hành ra thị trường quốc tế nào, một phần là do lãi suất trên thế giới còn ở mức cao.

Xu hướng mua lại trái phiếu doanh nghiệp cũng đã giảm dần, với khoảng hơn 38,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn trong nửa đầu năm 2024, giảm 64% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là sự phục hồi của hoạt động phát hành trái phiếu chưa đồng bộ với cơ cấu nhà phát hành chủ yếu vẫn là tổ chức tín dụng (chiếm tới 67,2% tổng lượng phát hành) và doanh nghiệp bất động sản (chiếm 21,5%), các lĩnh vực khác chỉ chiếm tỷ trọng rất hạn chế trong 7 tháng đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp chậm hoặc hoãn thanh toán trái phiếu đáo hạn là khá lớn. Theo tính toán của FiinGroup, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán đến tháng 7/2024 ước khoảng 209,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 68% giá trị chậm trả.

Một vấn đề khác của thị trường là việc một số quy định trong Nghị định 65/2022 được tạm hoãn trong Nghị định 08/2023 đã hết hiệu lực từ 31/12/2023 và đang quay lại áp dụng quy định cũ của Nghị định 65/2022 theo hướng chặt chẽ hơn về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm khi phát hành và tần suất phát hành.

Những quy định này có ảnh hưởng tới khả năng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp như đã thấy trong quý IV/2022 và những tháng đầu năm 2023. Tuy khối lượng phát hành có sự cải thiện đáng kể trong 7 tháng đầu năm 2024, nhưng cơ cấu phát hành còn tập trung vào các chủ thể đáp ứng yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm như tổ chức tín dụng và một số doanh nghiệp bất động sản lớn, uy tín (chiếm gần 90% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2024), còn các chủ thể khác vẫn còn phát hành khá ít như nêu trên, đòi hỏi nhà quản lý có rà soát, tính toán ra điều kiện phát hành phù hợp hơn.

….nhưng sẽ phục hồi khả quan trong thời gian tới

Mặc dù còn gặp rủi ro như đã nói ở trên nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng phục hồi tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2024 và tiếp theo nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ.

Tình hình kinh tế vĩ mô được dự báo khả quan, lạm phát trong tầm kiểm soát, hoạt động doanh nghiệp phục hồi tích cực (theo VinaCapital, lợi nhuận của 95% doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE đã đạt mức tăng trưởng bình quân 20,6% trong nửa đầu năm 2024). Đà tăng trưởng này được dự báo duy trì trong những tháng cuối năm 2024 và 1-2 năm tới.

Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu phấn đấu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt lần lượt 20% GDP đến cuối năm 2025 và 25% GDP cuối năm 2030. Đây là mức tăng trưởng khả thi nếu nhìn vào quy mô hiện tại (hiện ở mức gần 11% GDP, theo VBMA, 6/2024) và sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế.

Mặt bằng lãi suất cho vay liên tục giảm trong nửa cuối năm 2023 và được kỳ vọng sẽ được duy trì ở mức thấp trong cả năm 2024 (dù chịu áp lực tăng). Lãi suất thấp không chỉ góp phần kích cầu tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp, mà còn giúp giảm chi phí vốn từ phát hành trái phiếu và sẽ khiến nhiều doanh nghiệp xem xét sử dụng kênh huy động vốn trái phiếu nhiều hơn. Ngoài ra, ngân hàng trung ương ở nhiều nước (trong đó có FED) được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2024 và 2 năm tiếp theo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế.

Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ đi vào vận hành từ ngày 19/7/2023 và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch bình quân vào cuối năm 2023 đạt khoảng 1.880 tỷ đồng/phiên và đến cuối tháng 6/2024 đạt 4.093 tỷ đồng/phiên. Trái phiếu được giao dịch nhiều nhất là của tổ chức tín dụng (chiếm 45,71% toàn thị trường), tiếp đến là của doanh nghiệp bất động sản (chiếm khoảng 30%). Sàn giao dịch này giúp tăng tính hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ như một kênh đầu tư, đồng thời tăng tính minh bạch của hoạt động phát hành, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả hơn.

Các điều khoản trong Nghị định 08/2023 về tạm ngưng hiệu lực của một số quy định tại Nghị định 65/2022 hết hạn vào ngày 31/12/2023, tuy gây ra một số khó khăn như nêu trên nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, thị trường đã có 18 tháng để làm quen và chuẩn bị cho những quy định mới như nhà đầu tư chứng khoán cá nhân đã tích lũy đủ thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bộ Tài chính cũng đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, trong đó có 1 doanh nghiệp có cổ đông góp vốn thành lập là tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới (Moody’s)…

Bên cạnh đó, những quy định này sẽ là nền tảng để thị trường trái phiếu phát triển an toàn và bền vững hơn về lâu dài.

 Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi khả quan trong thời gian tới.

Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn 2021-2030 cùng với cam kết giảm khí phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu của Đảng và Nhà nước đã và đang thúc đẩy phát triển tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh.

Khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành trong giai đoạn 2019-2023, với đợt phát hành thành công gần đây nhất của BIDV trong năm 2023 với khối lượng 2.500 tỷ đồng. Đây là động lực quan trọng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, với nhu cầu cần ít nhất khoảng 20 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2040 để giúp hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, thị trường tài chính xanh nói chung và trái phiếu xanh nói riêng có rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Lấy lại niềm tin chỉ là giải pháp ngắn hạn

Để tháo ngòi trái phiếu doanh nghiệp, nhiệm vụ quan trọng là từ nay cho đến hết năm 2024 và cả năm 2025 tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và phục hồi thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Về dài hạn, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững và thực sự là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, cần tập trung vào ít nhất 7 giải pháp.

Đầu tiên, tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030; cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế như sửa đổi Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020; cơ chế thử nghiệm cho các dịch vụ, mô hình tài chính số mới; cơ chế, chính sách khuyến khích tăng trưởng xanh, tài chính xanh…

Thứ hai là hoàn thiện hạ tầng thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo…

Việc xây dựng và phát triển các thị trường thứ cấp vận hành an toàn, hiệu quả là nội dung cần tiếp tục quan tâm triển khai nhằm tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc quản lý, giám sát thị trường…

Thứ ba là liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân (thông qua tăng cường giáo dục tài chính) và nhà đầu tư tổ chức (nhất là các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm…) thông qua nhiều giải pháp khác nhau.

Ví dụ, đối với quỹ mở, theo Thông tư 98/2022/TT-BTC thì quỹ mở chỉ được đầu tư vào “trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bởi tổ chức niêm yết có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng hoặc cam kết mua lại của tổ chức phát hành…”.

Các điều kiện này khiến quỹ mở khó có thể mua được trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, do chỉ có một số ít được bảo lãnh thanh toán (chỉ có khoảng 14,5% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đầu năm 2024 có điều khoản đảm bảo). Do đó, điều kiện này nên xem xét sửa đổi phù hợp…

Bốn là, hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý và giám sát thị trường. Việc hoàn thiện các cơ chế quản lý, giám sát đối với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, rà soát quy trình thường xuyên, áp dụng chế tài thích hợp với các hiện tượng lách luật, sử dụng vốn sai mục đích... cần được thực thi nghiêm túc, hiệu quả hơn.

Theo đó, việc xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu, cùng với các báo cáo cập nhật, phân tích, nhận định tình hình thị trường định kỳ và thường xuyên là rất cần thiết.

Đồng thời, cũng cần quan tâm nâng cao năng lực tổ chức – bộ máy thanh tra, giám sát thị trường chứng khoán bởi quy mô thị trường ngày càng lớn, hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp và ứng dụng nhiều công nghệ mới, sản phẩm mới.

Năm là, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính. Việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính (bao gồm cả rủi ro liên thông giữa ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm – bất động sản…); đòi hỏi phối hợp chính sách, chia sẻ thông tin, dữ liệu tốt hơn nữa giữa các cơ quan chức năng.

Sáu là, bản thân doanh nghiệp, tổ chức phát hành cần đa dạng hóa nguồn vốn; quan tâm quản lý rủi ro (nhất là rủi ro dòng tiền, rủi ro tài chính, lãi suất, tỷ giá..); chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng, tài liệu công bố thông tin…; quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh, kinh doanh tuần hoàn và chuyển đổi số vừa nâng cao hiệu quả hoạt động, vừa đảm bảo thích ứng, phát triển an toàn, bền vững lâu dài.

Cấm dùng tiền mặt trong mua, bán trái phiếu doanh nghiệp

Cấm dùng tiền mặt trong mua, bán trái phiếu doanh nghiệp

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Từ 12/8, tổ chức tín dụng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán trong hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.