Bất chấp rủi ro, DN bảo hiểm tăng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp

Khánh Tú - 01/06/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục dò đáy, các doanh nghiệp bảo hiểm dần chuyển hướng đầu tư nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Một trong những thay đổi dễ nhận thấy trong vài năm trở lại đây là các doanh nghiệp bảo hiểm đang tăng cường đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Tăng cường tỷ trọng đầu tư TPDN

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), danh mục đầu tư của ngành bảo hiểm đã có nhiều thay đổi lớn về cơ cấu tài sản trong những năm qua.

Thay vì đầu tư vào trái phiếu chính phủ như trước, các công ty bảo hiểm dần chuyển hướng sang các tài sản đầu tư có tỷ suất sinh lợi cao hơn. Trong số đó, nhiều công ty tăng nhanh tỷ trọng đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bao gồm trái phiếu có tài sản đảm bảo và không có tài sản đảm bảo, tăng từ 6% lên 16% trong giai đoạn 2015 – 2022.

Giai đoạn nửa cuối năm 2022, thị trường TPDN gần như “đóng băng” vì những bê bối của các công ty phát hành TPDN, trong đó phải kể đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Vào thời điểm đó, niềm tin của nhà đầu tư với kênh TPDN chạm đáy. Thế nhưng, xu hướng đầu tư vào TPDN của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đều đặn tăng.

TPDN đang dần chiếm tỷ trọng lớn hơn trong giỏ đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Trong báo cáo tài chính năm 2023 ở mục chứng khoán kinh doanh, Tập đoàn Bảo Việt đầu tư 442,58 tỷ đồng vào TPDN tính đến cuối năm 2023, tăng hơn 2 lần so với cuối năm 2022. Trong mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, Tập đoàn Bảo Việt đầu tư 17.983,6 tỷ đồng vào TPDN, tăng hơn 6.914 tỷ đồng so với năm trước đó.

Các lô TPDN mà Tập đoàn Bảo Việt mua là của các Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc, Công ty cổ phần Máy tính – Truyền thông – Điều khiển 3C, Công ty CP Thương mại Dịch vụ TNS Holdings, Ngân hàng TMCP Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Tương tự, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam cũng đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Trong năm 2023, Chubb Life nắm giữ hơn 2.415 tỷ đồng TPDN, bao gồm 403,8 tỷ đồng TPDN đầu tư ngắn hạn và 2.011,2 tỷ đồng TPDN đầu tư dài hạn. Con số này cao hơn hẳn khoản đầu tư TPDN năm 2022 (993,5 triệu đồng) của doanh nghiệp bảo hiểm này.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng mạnh tay đầu tư 546,5 tỷ đồng TPDN trong ngắn hạn, tăng 130,7 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Các lô TPDN mà PTI đầu tư thuộc Công ty cổ phần Sunbay Ninh Thuận, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư IPA, Công ty cổ phần Crystal Bay, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất Động Sản Thế Kỷ. Ngoài ra, PTI còn nắm giữ 100 tỷ đồng TPDN đầu tư dài hạn của Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2024 của PTI, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 279,2 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính. Trong đó, PTI định hướng giảm bớt tỷ trọng tiền gửi và gia tăng tỷ trọng trái phiếu tổ chức tín dụng và TPDN nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn trong bối cảnh nền lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp và có thể sẽ chạm đáy trong năm nay.

Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life cũng nắm giữ 2.399,6 tỷ đồng TPDN đầu tư dài hạn tính đến cuối năm 2023, tăng vọt từ 1.946,1 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Doanh nghiệp này cũng có 236,9 tỷ đồng TPDN đầu tư ngắn hạn tính đến cuối năm 2023.

Một doanh nghiệp bảo hiểm khác là Dai-ichi Life cũng lựa chọn đầu tư TPDN để tăng lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính năm 2023, tại mục đầu tư tài chính ngắn hạn, Dai-ichi Life có 898,89 tỷ đồng TPDN trong khi năm 2022, doanh nghiệp này không đầu tư vào TPDN.

Rủi ro nhưng vẫn là xu hướng dài hạn

Chia sẻ với VietnamFinance, ông Trần Mạnh Hoàng Việt, Giám đốc khu vực Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life, nhận định đầu tư vào TPDN là lựa chọn khả thi của các doanh nghiệp bảo hiểm.

“Các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường đầu tư vào TPDN vì nhiều lý do. Thứ nhất, lợi suất từ TPDN thường cao hơn so với trái phiếu chính phủ hay các công cụ tài chính an toàn khác, giúp doanh nghiệp bảo hiểm tối ưu hóa lợi nhuận.

Thứ hai, việc đầu tư này giúp doanh nghiệp đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào một loại tài sản duy nhất. Ngoài ra, dòng tiền từ TPDN hỗ trợ quản lý dòng tiền hiệu quả hơn, đáp ứng các khoản chi trả bảo hiểm đều đặn.

Chính sách khuyến khích của Chính phủ và áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm bảo hiểm đầu tư như bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị cũng thúc đẩy họ đa dạng hóa kênh đầu tư để đem lại lợi suất hấp dẫn hơn”, ông Việt lý giải.

Ông Trần Mạnh Hoàng Việt, Giám đốc khu vực Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life.

Tuy nhiên, cũng theo ông Việt, bên cạnh những lợi ích dễ thấy, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đối mặt với nhiều rủi ro khi đầu tư vào TPDN.

“Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đủ khả năng tài chính để thanh toán nợ gốc và lãi đúng hạn, gây nguy cơ mất vốn. Khung pháp lý chưa hoàn thiện khiến việc phát hành trái phiếu có nhiều rủi ro. Đặc biệt, sự xuất hiện của các loại trái phiếu "3 không" (không bảo lãnh thanh toán, không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm) làm tăng thêm rủi ro cho nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp bảo hiểm”, ông nói.

Theo đại diện MB Ageas Life, để thu hút thêm dòng vốn từ các doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường TPDN cần tăng tính minh bạch và cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình tài chính, kế hoạch sử dụng vốn và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Ngoài ra, khung pháp lý cần rõ ràng và chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Đồng thời, cần xây dựng và nâng cao uy tín của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước, cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa các hoạt động kinh doanh, tài chính để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp bảo hiểm. "Có như thế, thị trường TPDN mới dần chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn và thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn", ông Việt nhận định.

Đồng quan điểm, ông Ngô Thế Triệu, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Eastspring cho biết, rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm muốn tăng tỷ trọng đầu tư vào TPDN. “TPDN là một kênh đầu tư tốt để tăng lợi tức cho danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm”, ông Triệu nhận định về xu hướng phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Ngô Thế Triệu cho rằng, cần phải xếp hạng tín nhiệm TPDN cũng như các biện pháp thích hợp từ cơ quan quản lý để minh bạch hóa thị trường, từ đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào TPDN.

Cùng chuyên mục
Tin khác