Trí tuệ nhân tạo với báo chí: Xu thế nào cho người làm báo?

Phước Nguyên - 21/06/2023 11:36 (GMT+7)

(VNF) - Theo nhận định của nhà báo Ngô Trần Thịnh, trưởng nhóm nghiên cứu về AI đối với báo chí (thuộc Đài truyền hình TP. HCM) AI chỉ đóng vai trò phụ giúp chứ chưa thể thay thế người làm báo trong việc sản xuất ấn phẩm báo chí.

VNF

AI (trí tuệ nhân tạo) đang được nhiều ngành nghề áp dụng để nâng cao năng suất trong sản xuất kinh doanh. Ngành báo chí cũng không ngoại lệ. Thậm chí, có ý kiến cho rằng AI còn có thể thay thế cho đội ngũ người làm báo trong tương lai.

Về vấn đề này, nhân dịp 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925  - 21/6/2023), Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã ghi nhận ý kiến của nhà báo Ngô Trần Thịnh, trưởng nhóm nghiên cứu về AI đối với báo chí. Nhà báo Ngô Trần Thịnh cũng là diễn giả của hội thảo "Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn" do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức gần đây.

- Thời gian gần đây, AI đang được nhiều ngành quan tâm và tìm cách tiếp cận để ứng dụng. Ngành báo chí cũng đang có xu hướng đưa AI vào khâu sản xuất. Anh đánh giá như thế nào về xu hướng này?

Nhà báo Ngô Trần Thịnh:  Theo tôi, đây là một xu thế tất yếu, Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc đưa AI vào khâu sản xuất đối với ngành báo chí lại càng diễn ra sớm hơn. 

Từ góc nhìn của người làm báo, tôi không nghĩ rằng AI sẽ tạo bất kỳ thách thức nào với ngành mà thậm chí có thể nói, thời kỳ AI sẽ là sức bật tốt cho những đơn vị báo chí và người làm báo biết cập nhật và ứng dụng AI đúng lúc, đúng chỗ.

Theo tôi quan sát, trên thế giới, AI đã được dùng trong các bản tin thời tiết hoặc những chương trình tổng hợp thông tin tại các nước châu Âu. Các đài truyền hình đã tiết kiệm được nhận lực cho những bản tin dạng tổng hợp với những thông tin chung chung chỉ mang tính chất tham khảo.

- Theo tìm hiểu, một tờ báo lớn đã sử dụng AI làm MC thay cho con người trong mục truyền hình. Anh nghĩ sao về việc AI có thể dần thay thế con người trong mọi khâu của quá trình sản xuất báo chí?

Về câu hỏi này, tôi đã trả lời bằng cách để AI tự làm một phóng sự phát sóng. Kết quả cho thấy một phóng sự dài 7 phút có tên “Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam” đã được phát trên sóng trên kênh HTV9 nằm trong chương trình công nghệ “Cuộc sống tương lai – Cafetek”  của Đài Truyền hình TP. HCM vào tháng 2 vừa qua. Phóng sự được các nhà chuyên môn đánh giá là sản phẩm báo chí đầu tiên tại Việt Nam do một ứng dụng sử dụng công nghệ của trí tuệ nhân tạo - ChatGPT viết kịch bản.

Với phóng sự này, chúng tôi đã tiếp tục đưa ra thử nghiệm cho AI viết một kịch bản về chính công nghệ AI tại Việt Nam. Kết quả, AI có thể sản xuất được 5 phần chính trong kịch bản và tự viết hơn 500 chữ cho mỗi phần. Ngoài ra, AI còn đề xuất những chuyên gia cần phỏng vấn để bổ sung vào phóng sự. 

Từ bài viết của AI, chúng tôi đưa đi đọc, lồng tiếng, xử lý hậu kỳ, dựng clip trên nền văn bản mà công nghệ AI đã viết. Khi hoàn thành các công đoạn, phóng sự AI viết dễ nghe, đủ thông tin và đúng bố cục từng phần đối với một phóng sự cơ bản, thông qua kiểm duyệt nội dung để chính thức phát sóng.

Điều chúng tôi rút được sau cuộc thử nghiệm đó là dù phóng sự không quá hay, nhưng đầy đủ thông tin và góc nhìn để phục vụ cho khán giả. Một kịch bản như vậy, phải cần biên tập viên có 1-2 năm tuổi nghề và hoàn thành trong khoảng 60 phút, nhưng với AI, chỉ mất khoảng 8 phút.

Tuy nhiên, nội dung mà AI xây dựng không có tính người, không có sự nhấn mạnh yếu tố nào. Thời gian chúng tôi sửa tốn hơn so với việc tự viết kịch bản. Về tính chất nghề, AI vẫn chưa thể giữ được khán giả xem trên sóng trọn thời lượng, trong khi một tác phẩm thành công là một tác phẩm khiến khán giả theo dõi từ đầu đến cuối.

Anh có thể bình luận thêm về quan điểm "AI không có tính người"?

Thay vì cứ suy nghĩ về việc AI có thay thế người làm báo hay không thì sao chúng ta không hỏi thẳng AI? Tôi đã từng hỏi Chat GPT về việc này. Điều thú vị là AI Chat CPT trả lời là “Có”. Chat GPT tự nhận “AI có khả năng thay thế người làm báo vì nó có thể tổng hợp thông tin và làm ra nhiều bài báo khác từ một bài báo có sẵn”.

Nghe khá là rùng mình phải không nào? Nhưng sau thử nghiệm thực tế, AI chỉ "hù" thế thôi. Tôi cho rằng bây giờ và xa hơn nữa, AI không thể thay thế được người làm báo và cả người làm nghệ thuật. Vì về cốt lõi, AI là một cỗ máy không có cảm xúc và nếu có thì chỉ là tổng hợp những câu từ có cảm xúc. Trong khi đó, sản phẩm của người làm báo, một người làm truyền hình đó là sản phẩm của cảm xúc. 

Mỗi sản phẩm thành công của ngành báo là sản phẩm có khả năng truyền cảm hứng. Một sản phẩm được làm bởi cảm xúc mới có thể truyền tải được đến người xem thành công. Tôi tin rằng đây là điều mà AI không thể làm được. 

Đó còn chưa nói đến tính nhân văn, tính cách mạng của người làm báo với tôn chỉ mang đến thông tin cho khán giả những thông tin chính xác và bổ ích. Người làm báo còn giúp bảo vệ đọc giả trước những thông tin sai lệch thì với AI không có thông tin nào khiến người xem tin tuyệt đối. Gần như tất cả người dùng AI đều phải đối chiếu lại trước những thông tin mà AI cung cấp. 

Hơn nữa, điều tôi tin rằng AI sẽ đi sau người làm báo đó là khả năng tiên phong về thông tin. Người làm báo luôn là người nắm thông tin đầu tiên, xây dựng tuyến bài vấn đề đầu tiên và khi xuất bản thì AI mới có dữ liệu để tổng hợp. Vì thế, AI luôn đi sau người làm báo về thông tin cập nhật.

Trong tương lai, báo chí sẽ hình thành nên nhiều nhà báo làm chủ AI với năng suất và góc nhìn vượt trội.

Nếu chưa thể thay thế con người, AI trong tương lai sẽ đóng vai trò như thế nào trong khâu sản xuất sản phẩm báo chí? 

Sau khi thử nghiệm để AI viết thử kịch bản, chúng tôi đã có những đánh giá toàn diện hơn và quyết định không để AI tự viết kịch bản truyền hình nữa. Thay vào đó, chúng tôi đã và vẫn đang sử dụng AI như một người cộng tác (Copilot) trong công tác tiền kịch bản. 

Như thế, 100% các kịch bản từ đội ngũ biên tập chương trình Cafetek đều phải được tham khảo bởi AI  nhằm đảm bảo góc nhìn toàn cảnh. Từ đó chúng tôi ghi nhận được tốc độ của một biên tập + AI đã nhanh hơn 40% so với một biên tập bình thường. Người biên tập + AI hoàn toàn làm chủ và chịu trách nhiệm bởi nội dung đó.

Tôi cho rằng AI/ChatGPT không còn là “sẽ” mà “đang” là công cụ gợi ý tưởng tuyệt vời cho nhà báo, chứ không thể làm thay chức năng, nhiệm vụ sáng tạo nội dung chuẩn. Do đó, nhà báo nên tham khảo công cụ này để có những đề tài phong phú, góc nhìn rộng mở hơn trong làm nghề. 

Anh kỳ vọng như thế nào về tương lai của báo chí khi có sự xuất hiện của AI? 

Sau bài tham luận của tôi về AI tại Hội Báo 2023, nhà báo Tạ Bích Loan (trưởng ban VTV3) cũng đã có lời đúc kết, với nhận xét rằng AI sẽ không thể thay thế được người làm báo mà người làm báo không dùng AI sẽ bị thay thế bởi người làm báo dùng AI.

Tôi rất thích câu này, vì tương lai gần của báo chí là buộc phải ứng dụng công nghệ và sống trên nền tảng công nghệ rồi. Và cú đẩy của AI sẽ mang đến sự nhanh và toàn cảnh hơn cho báo chí. Sẽ có rất nhiều công đoạn của báo chí sẽ được ứng dụng AI nhưng tôi nghĩ sẽ chỉ áp dụng AI vào những công đoạn nhàm chán, lặp đi lặp lại. Giá trị mang lại của AI là người làm báo sẽ có nhiều thời gian hơn để sáng tạo. 

Nếu chúng ta nghĩ đến viễn cảnh sẽ có một tờ báo bằng AI thì điều đó có thể xảy ra nhưng việc giữ được người xem trung thành thì đó là cả một sự sáng tạo và nghiệp vụ của người làm báo.

Bản thân tôi cũng khuyến nghị các trường đại học nên cho sinh viên ứng dụng ChatGPT vì chắc chắn, biết sử dụng AI sẽ là lợi thế mới cho sinh viên khi gặp nhà tuyển dụng. Do đó, trong tương lai, người làm báo không có lý do gì sợ AI và chắc chắn tương lai sẽ hình thành nên nhiều nhà báo làm chủ AI với năng suất và góc nhìn vượt trội giúp mang đến nhiều sản phẩm tinh thần tốt cho độc/khán/thính giả.

Cùng chuyên mục
Tin khác