Bất động sản

Trình Thủ tướng đề xuất đầu tư 4.827 tỷ đồng xây 22,7 km cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sử dụng vốn đầu tư công sẽ được khởi công ngay trong năm nay và cơ bản hoàn thành vào năm 2022.

Trình Thủ tướng đề xuất đầu tư 4.827 tỷ đồng xây 22,7 km cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ do Tổng công ty ĐTPT&QLDA Hạ tầng giao thông Cửu Long làm đại diện chủ đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tại (GTVT) vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, dự án có điểm đầu tại Km107+363,08 - kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 thuộc địa phận TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km 130+337 (nút giao Chà Và, kết nối Quốc lộ 1 hiện hữu) thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; tổng chiều dài tuyến là 22,97 km.

Tuyến đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h; mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe; mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Với quy mô đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư dự án 4.827,32 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.891,51 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương theo Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.

Hiện dự án đã được cân đối bố trí 932 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT (Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ). Do dự án được bố trí một phần kinh phí thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nên sẽ là dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2021-2025. Theo quy định của Luật Đầu tư công (Điều 51 và Điều 52), Bộ GTVT xác định đây là công trình quan trọng cấp bách của ngành và sẽ ưu tiên cân đối, bố trí phần còn lại (3.895,32 tỷ đồng) để hoàn thành dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và báo cáo Chính phủ, Quốc hội chấp thuận để triển khai thực hiện. Theo yêu cầu của Thủ tướng, dự án sẽ khởi công năm 2020, cơ bản hoàn thành năm 2022, hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2023.

Được biết, đường cao tốc từ TP. HCM đến Cần Thơ là một bộ phận của trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết trong đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông. Đây là trục đường có lưu lượng xe lớn vào bậc nhất trong các trục đường chính trên toàn quốc, trong đó, đoạn TP. HCM - Trung Lương đã được sử dụng từ  tháng 2 năm 2010; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT dự kiến đưa vào sử dụng năm 2021; cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai xây dựng bằng vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2023. Do vậy việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc TP. HCM - Cần Thơ theo quy hoạch đã phê duyệt là hết sức cần thiết và cấp bách.

Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư (PPP) năm 2017 và phê duyệt điều chỉnh tại vào tháng 10/2019.

Tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 sang hình thức đầu tư công để sớm triển khai thực hiện dự án nhằm phát triển hiệu quả đầu tư toàn tuyến cao tốc từ TP. HCM đến TP. Cần Thơ. Việc hình thành trục cao tốc sẽ tạo ra động lực lớn thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế -xã hội của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ được áp dụng cơ chế của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 12/11/2017 của Quốc hội về việc nghiên cứu phương án thu hồi vốn Nhà nước đầu tư dự án đầu tư công, Bộ GTVT dự kiến áp dụng hình thức chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công, đảm bảo phù hợp với quy định tại Mục 4, Điều 7, Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017 và các quy định của pháp luật có liên quan.

Cụ thể, chủ đầu tư sẽ  lập thành dự án riêng để tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác (nhà điều hành, trạm thu phí,...) và tổ chức thu phí sử dụng đường bộ như đối các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Dự kiến đơn vị được nhượng quyền thu phí sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác và thu phí; khoảng  12 năm sẽ thu hồi tổng số vốn đã đầu tư cho dự án.

Tin mới lên