Tài chính quốc tế

Trung Quốc bác bỏ 'tàu lén lút chuyển dầu cho Triều Tiên'

(VNF) – Trung Quốc bác bỏ thông tin của truyền thông phương Tây cáo buộc nước này "lén lút" bán dầu cho Triều Tiên. Trong khi đó Nga cho rằng Mỹ đang dàn cảnh, kiếm cớ để tấn công Triều Tiên.

Trung Quốc bác bỏ 'tàu lén lút chuyển dầu cho Triều Tiên'

Trung Quốc mỗi ngày cung cấp 6.000 thùng các chế phẩm từ dầu cho Triều Tiên vào năm 2016.

Hàng loạt báo chí nước ngoài vừa đăng hình ảnh vệ tinh do thám của Mỹ ghi lại, cho thấy các tàu của Trung Quốc và Triều Tiên đang xích lại gần nhau để chuyển nhiên liệu ở Biển Tây (Hoàng Hải) và tiết lộ rằng nước này vẫn chuyển dầu cho Triều Tiên trên biển khoảng 30 lần kể từ tháng 10/2017.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lập tức bác bỏ những thông tin trên, bà nói đó chỉ là phỏng đoán, không có thực tế. Bà đề nghị các hãng truyền thông liên quan chỉ rõ những tàu nào tham gia vào hoạt động trên và số tàu thuyền này có nằm trong danh sách trừng phạt hay không.

Một người lĩnh Triều Tiên canh giữ các thùng dầu gần cây cầu biên giới kết nối Đan Đông ở tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc với Sinuiju ở Triều Tiên.

Bà cho rằng Trung Quốc luôn có thái độ "đúng đắn và nghiêm túc" trong vấn đề Triều Tiên và những hành động của Bắc Kinh luôn "mạnh mẽ, hiệu quả". Bà khẳng định lập trường của Trung Quốc luôn rất rõ ràng, đó là chính quyền Bắc Kinh luôn thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Triều Tiên một cách toàn diện, chính xác, trung thực và nghiêm túc.

Nghị quyết 2375 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 9 cũng nghiêm cấm các nước giao dịch với tàu Triều Tiên.

Bộ Tài chính Mỹ hồi cuối tháng 11 đã liệt 6 công ty vận tải và thương mại Triều Tiên cùng 20 tàu của nước này vào danh sách trừng phạt sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu Ryesonggang 1 của Triều Tiên đã giao dịch với tàu Trung Quốc.

Mỹ đang kiếm cớ để tấn công Triều Tiên?

Hãng thông tấn Nga RT mới đây đã đưa ra nhận định Mỹ hoàn toàn có thể mượn cớ phát động chiến tranh với Triều Tiên giống như kịch bản đã từng làm ở Iraq năm 2003.

Tin tức có người Triều Tiên đào tẩu có kháng thể chống bệnh than trong cơ thể được Kênh A của Hàn Quốc đăng tải ngày 26/12, như thường lệ được dẫn từ "một quan chức tình báo giấu tên". Nguồn tin này cho biết người lính Triều Tiên đào tẩu nói trên có kháng thể chống bệnh than do được tiêm vắc xin hoặc do tiếp xúc trực tiếp.

Chiến tranh Iraq là một cuộc chiến điển hình về nghệ thuật ‘tạo cớ’ và khả năng ‘vượt mặt’ Liên Hợp Quốc để hành động của Mỹ.

Trước đó, tờ Asahi cũng dẫn "một nguồn tin giấu tên" tuyên bố rằng Bình Nhưỡng bắt tay vào "thực hiện các thử nghiệm khả năng chịu đựng nhiệt độ và áp suất để xem vi khuẩn bệnh than có thể sống sót được ở nhiệt độ 7.000°C hay không. Đây là nhiệt độ mà tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sẽ đối mặt khi trở lại bầu khí quyển của Trái Đất".

Ngày 18/12, Nhà Trắng công bố Chiến lược an ninh quốc gia, trong đó cáo buộc Bình Nhưỡng đang "theo đuổi các loại vũ khí hóa học và sinh học có thể được lan truyền bởi tên lửa".

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy những cáo buộc về việc Triều Tiên phát triển vũ khí hủy diệt sinh hóa là sự thật. Tờ RT nhận định rằng đây là kịch bản từng được Mỹ sử dụng để tạo cái cớ tấn công Iraq năm 2003. Khi ấy Mỹ cũng đã một mực khẳng định rằng Iraq vẫn đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học), đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda để tạo cớ gây chiến.

Người dân Mỹ, Nhật phản đối biện pháp quân sự với Triều Tiên

Kyodo News mới đây đã trích dẫn kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Genron NPO của Nhật Bản và Đại học Maryland, theo đó, khoảng 44,2% người Mỹ phản đối các hành động quân sự chống Triều Tiên, con số này ở Nhật Bản là 32,5%.

Về phía ngược lại, 32,5% người dân Mỹ ủng hộ việc giải quyết khủng hoảng trên bán đảo này bằng vũ lực, trong khi 20,6% người dân Nhật Bản ủng hộ phương án này. Trong khi đó, một tỷ lệ không nhỏ người Mỹ và Nhật Bản cũng không đồng tình với khả năng Nhật Bản và Hàn Quốc trang bị vũ khí hạt nhân.

Cuộc khảo sát được tiến hành với 1.000 người Nhật và 2.000 người Mỹ trong khoảng hai tuần từ ngày 21/10, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân thứ sáu, phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và đe dọa bắn tên lửa vào vùng biển gần đảo Guam.

Trong khi ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh vào phương thức ngoại giao nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump lại cảnh báo không loại trừ lựa chọn nào, kể cả quân sự, khi đối phó Triều Tiên. Hồi tháng 10, ông Trump nói ông Tillerson "đang lãng phí thời gian" khi cố tìm cách đối thoại với Triều Tiên.

Chiến tranh Iraq - cuộc chiến điển hình về nghệ thuật "tạo cớ" của Mỹ

Năm 2003, lực lượng đa quốc gia do Mỹ đứng đầu bất ngờ ném bom Iraq rồi cho lục quân vượt biên giới xâm lược nước này và lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein.

Khi ấy Mỹ một mực khẳng định rằng Iraq vẫn đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học), đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Dù không nhận được nghị quyết phê chuẩn của Liên Hợp Quốc (do thiếu chứng cứ) và bị thế giới phản đối, Tổng thống Mỹ George W. Bush vẫn phát động Chiến tranh xâm lược Iraq dựa trên các cáo buộc của mình.

Thực tế, Iraq từng có chương trình chế bom hạt nhân nhưng chưa tạo ra được 1 quả bom nào và cũng đã từ bỏ chương trình này. Còn vũ khí sinh học và hóa học thì Iraq từng có (và đã từng sử dụng trong chiến tranh với Iran) nhưng sau năm 1991, Iraq đã ngừng phát triển các loại vũ khí này, đồng thời tiến hành tiêu hủy chúng. Ngoài ra, trước sức ép của Mỹ và đồng minh, Iraq còn phá hủy dần kho tên lửa của mình trong nỗ lực tránh nguy cơ nổ ra chiến tranh - một điều Iraq không hề mong muốn trong bối cảnh đất nước đang hết sức kiệt quệ và bị cấm vận.

Mặc dù Iraq đã tỏ ra hợp tác và đã phải rất "khổ sở" cố gắng chứng minh mình "chẳng hề có" vũ khí hủy diệt hàng loạt, Mỹ vẫn không "đoái hoài" và chiến tranh đã xảy đến. Điều trớ trêu là sau khi đã tiến quân vào Iraq và hạ bệ được ông Saddam Hussein, Mỹ và đồng minh của mình vẫn không tài nào tìm được vũ khí hủy diệt hàng loạt ở đây để biện minh cho cuộc chiến.

>> Triều Tiên 'rắc' tờ rơi, Mỹ trở tay không kịp

Tin mới lên