Trung Quốc chi không tiếc tay cho ‘cuộc chiến sống còn’ với Mỹ

Mộc An - 23/01/2024 00:17 (GMT+7)

(VNF) - Nhập khẩu máy sản xuất chip của Trung Quốc đã tăng vọt trong năm ngoái khi các công ty tăng cường đầu tư để vượt lên những áp lực mà Mỹ và các nước đồng minh đặt ra nhằm gây khó khăn cho ngành bán dẫn của nước này.

VNF
Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng hơn bao giờ hết.

Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu hải quan chính thức, tổng kin ngạch nhập khẩu máy móc dùng để sản xuất chip máy tính của Trung Quốc đã tăng 14% lên gần 40 tỷ USD vào năm 2023, ghi nhận mức cao thứ hai kể từ năm 2015. Sự gia tăng này diễn ra bất chấp tổng nhập khẩu giảm 5,5% trong năm ngoái,

Sự “chịu chi” này thể hiện tầm quan trọng mà chính phủ Trung Quốc và ngành công nghiệp chip của quốc gia này đặt ra cho việc tự cung tự cấp.

Các công ty chip Trung Quốc đang nhanh chóng đầu tư vào các nhà máy bán dẫn mới để cố gắng nâng cao năng lực của quốc gia và vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ và các nước đồng minh áp đặt.

Mỹ đã đưa ra các hạn chế đối với các chip điện toán tiên tiến nhất được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị sản xuất chip vào năm 2022 với mục đích ngăn chặn khả năng sản xuất và phát triển chất bán dẫn tiên tiến giúp tăng cường năng lực quân sự của Trung Quốc.

Danh sách hạn chế kể từ đó đã được mở rộng và một số công ty công nghệ Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen.

Ngoài nỗ lực to lớn và tốn kém nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện một số bước để cố gắng ngăn chặn công nghệ tiên tiến nhất lọt vào tay Trung Quốc.

Những hạn chế đó đang khiến các công ty Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận với các máy móc cần thiết để tạo ra những con chip mạnh nhất, và làm chậm sự phát triển của lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc, vốn được coi là mối đe dọa đối với Mỹ.

Nhập khẩu của Trung Quốc từ Hà Lan đã tăng vọt trong năm ngoái trước các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, điều này sẽ hạn chế hơn nữa khả năng của các công ty như Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) trong việc có được máy móc mới nhất.

Vào tháng 12 năm ngoái, nhập khẩu thiết bị in thạch bản từ Hà Lan đã tăng gần 1.000% so với một năm trước đó lên 1,1 tỷ USD do các công ty Trung Quốc đổ xô mua trước khi Hà Lan bắt đầu áp dụng các hạn chế trong tháng này.

Bloomberg trước đó đưa tin ngay cả trước khi những hạn chế đó có hiệu lực, công ty sản xuất thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới ASML Holding NV của Hà Lan đã hủy một số chuyến hàng máy móc hàng đầu của họ sang Trung Quốc theo yêu cầu của chính phủ Mỹ. Việc hủy bỏ diễn ra vài tuần trước khi lệnh cấm xuất khẩu thiết bị sản xuất chip cao cấp có hiệu lực.

Mới đây, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ NRC của Hà Lan, ông Tan Jian, đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan, cho biết: “Nếu người Mỹ đối xử với chúng tôi theo cách bá quyền, tất nhiên chúng tôi sẽ đáp trả. Nhưng mối quan hệ của chúng tôi với EU sẽ không bị ảnh hưởng”.

Xem thêm >> Thị trường sầu riêng Trung Quốc ‘chín muồi', Việt Nam dần có vị thế

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác