Trung Quốc: Giá thịt lợn tăng hơn 101%, lạm phát cao nhất 8 năm

Lê Anh - 09/11/2019 16:48 (GMT+7)

(VNF) - Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát bán lẻ chủ chốt, đã ở mức 3,8% trong tháng 10, cao hơn mức 3% của tháng 9 và đây cũng là mức lạm phát theo năm cao nhất kể từ tháng 1/2012.

VNF
Giá thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng đến 101,3% trong năm qua.

Theo NBS, giá thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng đến 101,3% trong năm qua. Cũng theo NBS, hơn 1 triệu con lợn đã bị tiêu hủy kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào tháng 8/2018, nhưng con số này được cho là thấp hơn thực tế.

Tình trạng này cũng đã đẩy giá các loại thịt khác đi lên, như thịt bò, thịt gà, vịt và trứng, do người tiêu dùng chuyển sang các nguồn cung cấp protein khác. Chính phủ Trung Quốc đã phải can thiệp để bình ổn giá cả và đảm bảo nguồn cung.

Một số nhà phân tích còn dự báo, khủng hoảng thịt lợn còn có thể sớm làm CPI Trung Quốc đạt mức 4%.

Theo nhận định mới đây của Rabobank International, Trung Quốc sẽ phải mất hơn 5 năm để khôi phục đàn lợn và việc tiêu thụ thịt lợn của quốc gia này sẽ không thể đạt được như trước đây.

Thời gian gần đây, Liên minh Châu Âu (EU), nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, đã tăng cường xuất khẩu thịt lợn sang quốc gia châu Á này. Tuy nhiên, lượng thịt mua từ EU chỉ đáp ứng được một phần trong lượng thiếu hụt tại Trung Quốc.

Argentina và Brazil gần đây cũng đã chấp nhận các kế hoạch xuất khẩu mới và tăng cường bán thịt bò, thịt gà và thịt lợn cho khách hàng Trung Quốc.

Thịt lợn là nguyên liệu chính trong chế độ ăn của người Trung Quốc. Trung bình mỗi người tiêu thụ 54,4 kg/năm. Sản lượng tiêu thụ thịt lợn ở Trung Quốc chiếm tới một nửa của thế giới. Điều đó có nghĩa, việc khan hiếm thịt lợn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định xã hội.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa hồi tháng trước đã cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn sẽ “cực kỳ nghiêm trọng” đến nửa đầu năm 2020.

Theo ông Hồ, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu 10 triệu tấn thịt lợn trong năm nay do đó các địa phương cần tăng cường sản xuất trong nước và đặt mục tiêu quay trở lại mức bình thường vào năm tới.

Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn thận trọng với việc phục hồi đàn lợn sau khi bị tổn thương do dịch bệnh bùng phát trước đó. Giá lợn con và lợn nái cũng tăng mạnh, khiến chi phí tái đàn của các trang trại trở nên đắt đỏ hơn. Việc tăng kích thước và trọng lượng những con lợn mà họ đã sở hữu có thể là bước tốt nhất tiếp theo.

Xem thêm >> Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2018

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác