Trung Quốc nói Australia ‘khiêu khích’ khi hủy 2 thỏa thuận liên quan đến Vành đai và Con đường

Mộc An - 22/04/2021 15:58 (GMT+7)

(VNF) - Đại sứ quán Trung Quốc ở Australia nói việc nước này hủy 2 thỏa thuận liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà chính quyền bang Victoria ký với Trung Quốc là "khiêu khích" và gây tổn hại đến mối quan hệ song phương giữa hai nước.

VNF
(Ảnh minh họa)

"Điều đó cho thấy chính phủ Australia không hề chân thành trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước. Hành động của Canberra nhất định sẽ gây thêm thiệt hại cho mối quan hệ song phương và cuối cùng sẽ chỉ tự làm hại chính mình”, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc ở Australia tuyên bố trong văn bản phát ra ngày 21/4.

Đại sứ quán này đồng thời bày tỏ "rất không hài lòng và kiên quyết phản đối" động thái của Australia.

Phản ứng gay gắt của Đại sứ quán Trung Quốc được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Australia Marise Payne ngày 21/4 cho biết chính quyền nước này đã hủy 4 thỏa thuận giữa chính quyền Victoria ký với nước ngoài, trong đó có hai thỏa thuận ký với Trung Quốc là Bản ghi nhớ ký năm 2018 và Thỏa thuận ký năm 2019 về các nội dung hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai con đường và Con đường tơ lụa thế kỷ 21.

Ngoại trưởng Payne cho biết các thỏa thuận này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia hoặc gây bất lợi cho quan hệ đối ngoại của nước này theo quy định của Luật Quan hệ đối ngoại được thông qua vào năm 2020.

Đây là lần đầu tiên Canberra dùng quyền để phủ quyết các thỏa thuận được ký kết bởi các bang, chính quyền địa phương hoặc các trường đại học công lập với nước ngoài. Luật mới này cho phép chính phủ hủy bỏ các thỏa thuận được coi là đe dọa lợi ích quốc gia của Australia.

Trước đó, phát biểu trên đài ABC của Australia, bà Payne bảo vệ quyết định của chính phủ và nói bà không cho rằng Trung Quốc sẽ trả đũa.

"Tôi nghĩ rằng Australia đang hành động vì lợi ích quốc gia của mình, chúng tôi vô cùng cẩn trọng và cân nhắc ký càng về cách tiếp cận đó", ngoại trưởng Australia nhấn mạnh.

Việc bang Victoria quyết định tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, với hai thỏa thuận năm 2018 và 2019, đã vấp phải nhiều chỉ trích từ chính phủ liên bang, cũng như từ Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo.

Động thái cắt đứt thỏa thuận với sáng kiến BRI diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh ngày một xấu đi.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã nảy sinh vấn đề từ năm 2018 khi Australia không cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G vì lý do an ninh.

Sang năm 2020, căng thẳng tiếp tục được nâng lên khi Australia thúc đẩy điều tra nguồn gốc Covid-19 và bác yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh thời gian gần đây đã ra loạt đòn trừng phạt nhắm vào than, rượu, lúa mạch và thịt bò Australia.

Theo cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc Geoffrey Raby, trong năm 2020, mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Australia đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Cho tới nay, ít nhất 13 ngành của Australia đã bị Trung Quốc áp thuế suất cao hoặc cấm nhập khẩu, gồm lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, trường đại học, rượu, lúa mì và len.

Được biết, Trung Quốc chiếm 26% tổng kim ngạch thương mại của Australia trong năm 2018-2019, và là thị trường xuất khẩu lớn nhất các sản phẩm của Australia như than, quặng sắt, rượu vang, thịt bò, du lịch và giáo dục.

Trung Quốc cũng là thị trường du lịch quan trọng nhất với 1,4 triệu lượt khách tới thăm Australia mỗi năm và cũng đồng thời là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất với hơn 200.0000 sinh viên tại Australia.

Xem thêm >> Sri Lanka trục xuất tàu chở nguyên liệu hạt nhân cho Trung Quốc

Theo BBC
Cùng chuyên mục
Tin khác