Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ lần đầu tiên sau 14 năm
(VNF) - Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc có kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ và mở rộng chi tiêu tài khóa vào năm 2025, trong bối cảnh Bắc Kinh chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại lần thứ hai khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1.
Thay đổi lập trường chính sách tiền tệ lần đầu tiên từ năm 2010
Theo thông báo chính thức ngày 9/12 sau cuộc họp chính sách của Bộ Chính trị Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày 9/12 đã cam kết thực hiện các biện pháp tài khóa “chủ động hơn” và chính sách tiền tệ “nới lỏng phù hợp” vào năm tới để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đánh dấu sự thay đổi lớn đầu tiên về lập trường kể từ năm 2010.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Trung Quốc sẽ đưa ra các điều chỉnh ngược lại chu kỳ để giải quyết thách thức ngắn hạn. Nước này cũng thúc đẩy tiêu dùng mạnh tay hơn và tăng nhu cầu nội địa trên quy mô lớn.
Thể hiện quyết tâm lớn hơn trong việc củng cố lòng tin, các quan chức tại cuộc họp tháng 12 cũng cam kết "ổn định thị trường bất động sản và chứng khoán" và tăng cường sử dụng nhiều công cụ không phổ biến hơn để thúc đẩy nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có 5 lập trường chính sách, gồm nới lỏng, nới lỏng phù hợp, thận trọng, thắt chặt một cách phù hợp và thắt chặt.
Trong khi Trung Quốc đã trải qua một số chu kỳ thắt chặt và nới lỏng chính sách tiền tệ trong những năm gần đây, nước này vẫn trung thành với chính sách "thận trọng" kể từ năm 2011. Vào thời điểm đó, các nhà chức trách đã chuyển hướng khỏi lập trường trước đây là "nới lỏng phù hợp" được áp dụng trong cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu, để kiềm chế lạm phát gia tăng.
"Cách diễn đạt trong tuyên bố của cuộc họp Bộ Chính trị lần này là chưa từng có", ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao tại Australia & New Zealand Banking Group, nhận định.
Cuộc họp cấp cao này đã mở đường cho Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc thường niên, dự kiến diễn ra từ ngày 11 – 12/12.
Trong cả hai cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu sẽ tập trung để xem xét hiệu quả kinh tế và việc thực hiện chính sách trong năm hiện tại, đồng thời đặt ra các ưu tiên cho năm tiếp theo.
Chính quyền trung ương cũng sẽ thảo luận về mục tiêu tăng trưởng và ngân sách năm 2025, một phần là để hướng dẫn chính quyền địa phương đặt ra mục tiêu của riêng mình trước kỳ họp quốc hội thường niên vào đầu năm sau.
Quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu ổn định trong những tháng gần đây sau khi chính quyền triển khai gói kích thích kinh tế rộng rãi kể từ cuối tháng 9. Tuy nhiên, mức thuế quan sắp áp dụng của Mỹ đã làm giảm triển vọng xuất khẩu và gây thêm áp lực cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong việc chống lại bất kỳ cú sốc nào từ một cuộc chiến thương mại tiềm tàng.
Mặc dù thông tin chi tiết sẽ không được công bố cho đến tháng 3, nhưng nhiều người dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ giữ mục tiêu tăng trưởng GDP năm tới ở mức “khoảng 5%”, cùng mức đã đặt ra cho năm nay.
Ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại Jones Lang LaSalle cho biết: "Các công cụ chính sách bổ sung dự kiến sẽ có sự cải thiện đáng kể về khối lượng, chất lượng và hiệu quả. Cơ hội để mục tiêu tăng trưởng GDP đạt mức khoảng 5% đã tăng đáng kể".
Tân Hoa Xã cũng dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi “chuẩn bị đầy đủ” để đạt được các mục tiêu kinh tế của đất nước vào năm 2025, bất chấp “nhiều bất ổn và thách thức”.
Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay, nước này vẫn đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nhà ở kéo dài, tiêu dùng trong nước ảm đạm và căng thẳng thương mại với Mỹ có thể leo thang khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng vào tháng 1.
Dữ liệu kinh tế mới nhất từ Trung Quốc cho thấy lạm phát tiêu dùng hàng năm của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 0,2% vào tháng 11, theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia công bố.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã đảo ngược mức giảm trước đó và tăng 2,8% sau khi số liệu được công bố, trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở nước ngoài tăng nhẹ lên 7,2776 so với đồng bạc xanh.
Hợp đồng tương lai giao dịch trên sàn FTSE China A50 của iShares được giao dịch tại Hồng Kông đã tăng hơn 3%.
Trong khi đó, theo dữ liệu của LSEG, lợi suất trái phiếu chuẩn kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giảm khoảng 2 điểm cơ bản xuống 1,935%, ghi nhận mức thấp kỷ lục.
Trung Quốc: 'Bí kíp' luyện sắt mới giúp tăng năng suất 3.600 lần
- 'Tiếng chuông cảnh báo bắt đầu vang lên mạnh mẽ với kinh tế Nga' 09/12/2024 02:26
- Bitcoin vừa 'thủng' mốc 100.000 USD, Phố Wall dự kiến sẽ sớm vượt 200.000 USD 09/12/2024 09:39
- Làm việc 4 ngày/tuần: Lối thoát cho khủng hoảng dân số Nhật Bản? 08/12/2024 11:00
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.