'Tiếng chuông cảnh báo bắt đầu vang lên mạnh mẽ với kinh tế Nga'
(VNF) - Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đánh giá tình hình kinh tế Nga trong những tuần gần đây, lưu ý rằng "tiếng chuông cảnh báo" đã bắt đầu vang lên mạnh mẽ hơn.
Mỹ tích cực viện trợ quân sự cho Ukraine
Phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan, ông Sullivan cho hay Tổng thống Biden gần đây đã chỉ thị cho ông tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và tăng sức ép lên Nga.
"Và nếu bạn nhìn vào nền kinh tế Nga hiện nay, chỉ trong vài tuần trở lại đây, bạn đã thấy tiếng chuông cảnh báo bắt đầu vang lên mạnh mẽ hơn nhiều. Nga thực sự đã thế chấp tương lai kinh tế của mình", ông Sullivan cho biết.
Ông lưu ý rằng hỗ trợ quân sự cho Kyiv và áp lực kinh tế sẽ là những công cụ có thể được sử dụng trong các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới để đảm bảo tương lai của Ukraine như một quốc gia độc lập và có chủ quyền.
Trước những hoài nghi về việc liệu ông Trump có duy trì hỗ trợ quân sự cho Ukraine hay không, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cố gắng chi từng USD còn lại từ dự luật viện trợ nước ngoài khổng lồ được thông qua vào đầu năm nay để đưa Ukraine vào vị thế mạnh nhất có thể.
Ông Jake Sullivan gần đây đã hứa sẽ cung cấp cho Ukraine hàng trăm nghìn quả đạn pháo, hàng nghìn tên lửa và hàng trăm xe bọc thép vào giữa tháng 1 tới.
Vào ngày 7/12, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới đáng kể cho Ukraine trị giá gần 1 tỷ USD.
Gói mới nhất sẽ bao gồm nhiều máy bay không người lái và đạn dược hơn cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, hay HIMARS, mà Mỹ đã cung cấp.
Hoạt động viện trợ sẽ được thực hiện thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, theo đó thiết bị quân sự được mua từ ngành công nghiệp quốc phòng hoặc các đối tác thay vì lấy từ kho dự trữ của Mỹ. Điều này nghĩa là hàng viện trợ sẽ hỗ trợ năng lực quân sự trong tương lai của Ukraine chứ không phải tạo ra sự khác biệt ngay lập tức trên chiến trường.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 62 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ khi Nga đưa quân tới nước này vào tháng 2/2022.
Kinh tế Nga lộ những dấu hiệu bất ổn
Ông German Gref, Giám đốc điều hành Sberbank - ngân hàng hàng đầu nước Nga, ngày 6/12 đã đưa ra cảnh báo rằng nền kinh tế Nga đang cho thấy những dấu hiệu "đáng kể" về sự suy thoái ở một số lĩnh vực khi phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng suy yếu và lạm phát cao.
Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hai thập kỷ là 21% trong bối cảnh Moscow đang nỗ lực ngăn chặn hậu quả kinh tế từ cuộc tấn công quân sự vào Ukraine và hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.
Lạm phát đang ở mức cao gấp đôi mục tiêu 4% của chính phủ, một phần là do chi tiêu quá nhiều cho chiến sự tại Ukraine, trong khi giá trị đồng rúp đã giảm mạnh trong những tháng gần đây.
“Chúng tôi hiện đang chứng kiến những dấu hiệu đáng kể về sự suy thoái kinh tế, đặc biệt là trong xây dựng nhà ở và đầu tư”, ông German Gref phát biểu tại một diễn đàn đầu tư diễn ra cuối tuần trước.
Người đứng đầu ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga nhấn mạnh thêm rằng: "Tình hình khó khăn, rất nhiều ngành công nghiệp và hàng loạt người đi vay sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn. Tất cả giờ phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa lạm phát thực sự và lãi suất thị trường. Chưa bao giờ mức chênh lệch đó lại lớn đến như thế, chúng ta không thể trụ lâu dài như vậy được".
Ông cảnh báo ngân hàng trung ương không nên quá mạnh tay trong chính sách lãi suất, khiến “khó có thể quay trở lại đà tăng trưởng kinh tế”.
Ở động thái liên quan, phát biểu tại một diễn đàn đầu tư ở Moscow vào tuần trước, Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết ngân hàng này đang xem xét khả năng tăng lãi suất.
Bà nhấn mạnh rằng việc hạ nhiệt lạm phát là cần thiết, và hiện tại lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Các nhà phân tích dự đoán Ngân hàng trung ương Nga sẽ tăng lãi suất lên 22% hoặc 23% tại cuộc họp ngày 20/12 tới.
Nga đã tăng mạnh chi tiêu quân sự cho cuộc chiến tại Ukraine, khoản chi này đã giúp nền kinh tế vượt qua những dự đoán về một cuộc suy thoái kéo dài nhưng cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng và lạm phát dai dẳng.
Ba Nabiullina khẳng định rằng lãi suất là "công cụ mạnh mẽ để chống lạm phát". Nhưng các nhà kinh tế cho rằng vì lạm phát bị chi phối bởi mức chi tiêu kỷ lục của nhà nước cho cuộc chiến ở Ukraine nên chi phí vay cao hơn ít có tác động hơn đến việc kiểm soát giá cả tăng.
Ông Putin thừa nhận ‘nỗi đau dai dẳng’ của kinh tế Nga
- Bitcoin vừa 'thủng' mốc 100.000 USD, Phố Wall dự kiến sẽ sớm vượt 200.000 USD 09/12/2024 09:39
- Trung Quốc: 'Bí kíp' luyện sắt mới giúp tăng năng suất 3.600 lần 09/12/2024 08:45
- Làm việc 4 ngày/tuần: Lối thoát cho khủng hoảng dân số Nhật Bản? 08/12/2024 11:00
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.