Ông Putin thừa nhận ‘nỗi đau dai dẳng’ của kinh tế Nga
(VNF) - Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi chính phủ và ngân hàng trung ương gạt bỏ bất đồng để giải quyết một vấn đề quan trọng đối với cả doanh nghiệp và người dân, chính là vấn đề lạm phát.
- Ông Trump dọa áp thuế 100% với BRICS, Nga – Trung cảnh báo rắn 03/12/2024 10:45
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, cho biết lạm phát hàng năm của Nga, hiện đang ở mức gần 9%, vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.
"Cần phải kiềm chế lạm phát, hiện đang ở mức khá cao", Tổng thống Putin phát biểu tại một hội nghị đầu tư quốc tế có tên Russia Calling! do ngân hàng cho vay lớn thứ hai của Nga là VTB tổ chức tại Moscow ngày 4/12.
"Để đạt được kết quả tích cực trong kiềm chế lạm phát, cần có các hành động chung phối hợp của chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga. Tôi nhấn mạnh rằng đây không phải là lời khuyến nghị hay đề xuất, mà tôi nghĩ, là lời kêu gọi hành động trực tiếp", ông Putin cho biết.
Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh thêm rằng: "Điều bắt buộc là phải tránh bất kỳ sự mất cân bằng nào trong các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng và ngăn ngừa mất cân bằng theo ngành, điều này chắc chắn bao gồm cả sự cần thiết phải kiểm soát lạm phát".
Mục tiêu lạm phát của Nga là 4% và ông Putin cho biết nước này nên tăng nguồn cung hàng hóa và dịch vụ để chống lạm phát, theo hãng thông tấn nhà nước TASS.
Trước đại dịch và chiến sự ở Ukraine, tỷ lệ lạm phát của nước Nga, giống như nhiều nước khác, ở mức thấp hơn nhiều, khoảng 3% vào tháng 12/2019.
Bình luận của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh giới tinh hoa Nga gần đây phàn nàn về việc lãi suất tăng vọt lên mức kỷ lục trong nền kinh tế thời chiến của nước này khiến việc làm ăn trở nên khó khăn.
Vào tháng 10, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt lên mức cao nhất là 21% để kiềm chế giá cả, làm gia tăng những lời chỉ trích từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhóm vận động hành lang và chính phủ, đối với các chính sách của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina.
Ông Sergei Chemezov, giám đốc điều hành của tập đoàn quốc phòng Rostec, cho biết vào tháng 10 rằng lãi suất cao kỷ lục đang "ăn mòn" lợi nhuận từ các đơn đặt hàng của công ty.
"Nếu chúng ta tiếp tục làm việc như thế này, thì hầu hết các doanh nghiệp của chúng ta sẽ phá sản", ông Chemezov cho biết.
Một trong những giám đốc ngân hàng hàng đầu của Nga đã nói với Reuters vào cuối tuần trước rằng lãi suất cao có thể không giúp ích được nhiều khi xét đến chi phí quốc phòng và lệnh trừng phạt cao.
Giá cả tăng ở Nga đang khiến cuộc sống trở nên rất đắt đỏ, bơ và khoai tây đắt hơn đáng kể so với đầu năm, và làm hao hụt tiền tiết kiệm của người dân.
VTB, ngân hàng cho vay lớn thứ hai của Nga, ngày 4/12 cho biết tiền tiết kiệm của người Nga hiện ở mức thấp nhất mọi thời đại là 15,9 nghìn tỷ rúp (tương đương 151,5 tỷ USD) do lãi suất cao. Con số đó không bao gồm lượng ngoại tệ nắm giữ, mà VTB ước tính là khoảng 94 tỷ USD.
Các nhà phân tích được Reuters thăm dò dự kiến ngân hàng trung ương Nga sẽ tăng lãi suất chủ chốt lên 23% tại cuộc họp ngày 20/12. Nhưng bà Nabiullina cho biết điều đó không được xác định trước, hãng thông tấn đưa tin cùng ngày.
Bà Nabiullina cũng phản đối quan điểm cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt của ngân hàng trung ương sẽ thúc đẩy suy thoái.
Bà cho biết lạm phát sẽ giảm trong suốt năm 2025 trước khi đạt mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương vào năm 2026.
"Các nhà kinh tế của Ngân hàng Trung ương tin rằng tiềm năng kinh tế đang gia tăng và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm tới", bà phát biểu tại diễn đàn ở Moscow ngày 4/12, theo TASS.
"Đây là kết quả của các khoản đầu tư quy mô lớn vào việc nâng cấp nền kinh tế trong 3 năm qua. Nếu tiềm năng tăng trưởng đều đặn, thì điều này cũng có nghĩa là có nhiều không gian hơn cho tăng trưởng nhu cầu", bà Nabiullina tuyên bố.
Cũng tại diễn đàn, khi bình luận về lời đe dọa áp thuế 100% đối với hàng hóa từ các nước BRICS của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, ông Putin khẳng định rằng đồng USD không còn như 4 năm trước khi ông Trump vẫn còn tại nhiệm, do những động thái của các đối thủ Dân chủ của ông.
"Đã 4 năm trôi qua kể từ khi ông Trump lãnh đạo Nhà Trắng. Trong thời gian này, nền kinh tế đã trải qua nhiều thay đổi, cả trên toàn cầu và tại Mỹ. Những người kế nhiệm ông, những đối thủ chính trị của ông, đã làm rất nhiều để làm suy yếu vai trò cơ bản của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu", ông Putin phát biểu tại Diễn đàn đầu tư VTB Russia Calling!, đồng thời nói thêm rằng đồng USD hiện được sử dụng như một công cụ gây sức ép chính trị.
Trước đó, ông Trump đã tuyên bố ông sẽ áp thuế hải quan 100% đối với hàng hóa từ các quốc gia thành viên BRICS nếu liên minh này ngừng sử dụng đồng USD.
"Do thị phần của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu đang thu hẹp, nên ảnh hưởng của đồng USD đối với các giao dịch kinh tế toàn cầu, tất nhiên, cũng đang giảm. Và khi điều này xảy ra, các công cụ mới sẽ xuất hiện", ông Putin nói, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng không ai có thể cấm việc sử dụng các công nghệ và công cụ mới.
Diễn đàn đầu tư VTB Russia Calling! lần thứ 15 diễn ra từ ngày 4 – 5/12 tại Moscow. Chủ đề chính của diễn đàn là “Tương lai của vốn và vốn của tương lai”.
Diễn đàn đầu tư Russia Calling! được tổ chức thường niên kể từ năm 2009. Hàng năm, sự kiện này thu hút những khách mời có tên tuổi và có tầm ảnh hưởng, bao gồm đại diện của các cơ quan chính phủ, người đứng đầu các công ty Nga và quốc tế, và các nhà đầu tư.
Chương trình nghị sự của diễn đàn bao gồm các vấn đề cấp bách nhất mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt.
DN Trung Quốc tạm dừng bán hàng tại Nga do đồng rúp mất giá
- Pháp rung chuyển: Chính trị hỗn loạn, kinh tế lâm nguy 05/12/2024 03:30
- General Motors thiệt hại 5 tỷ USD do hoạt động kinh doanh yếu kém tại Trung Quốc 05/12/2024 11:30
- Chính phủ Pháp sụp đổ sau khi thủ tướng bị buộc phải từ chức 05/12/2024 10:30
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.