Các công ty Trung Quốc tạm dừng bán hàng tại Nga do đồng rúp mất giá

Thanh Tú - 03/12/2024 14:12 (GMT+7)

(VNF) - Các công ty Trung Quốc cung cấp hàng tiêu dùng cho Nga đã bắt đầu tạm dừng bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử do đồng rúp mất giá, tờ South China Morning Post dẫn lời những người trong ngành cho hay.

Theo các nguồn tin, việc đồng tiền Nga giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022 đã khiến các doanh nhân Trung Quốc lo ngại, đặc biệt là những người giao dịch bằng đồng rúp.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga và là nhà cung cấp hàng tiêu dùng chính thay cho các công ty phương Tây đã rút lui.

Dữ liệu hải quan cho thấy lượng hàng hóa trị giá 10-11 tỷ USD từ Trung Quốc được nhập khẩu vào Nga mỗi tháng, gấp đôi số lượng trước khi chiến sự bắt đầu. Hơn 50% sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử của Nga đến từ Trung Quốc và thị phần ô tô Trung Quốc trên thị trường ô tô Nga đã đạt 70%.

Đồng rúp cũng đã giảm xuống dưới 15 rúp đổi 1 nhân dân tệ, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022, ngay sau khi Nga đưa quân tới Ukraine.

Tuy nhiên, theo ông Andy Guo, người sáng lập nền tảng kinh doanh Waimaojia tập trung vào thị trường Nga, sự sụp đổ của đồng rúp đã gây ra "thiệt hại nghiêm trọng" cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

"Một mặt, sự mất giá của đồng rúp làm tăng giá sản phẩm, làm suy yếu nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Nga. Mặt khác, sự biến động của tỷ giá hối đoái 'ăn mòn' biên lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Trung Quốc sau khi thanh toán", ông giải thích.

Tổng cộng, có khoảng 150.000 người bán hàng Trung Quốc cung cấp sản phẩm của họ trên các nền tảng thương mại trực tuyến của Nga như Ozon, Wildberries và Yandex Market.

Tình hình trở nên phức tạp do các vấn đề thanh toán, một nhà điều hành từ một trong những nền tảng giao dịch tại Thâm Quyến cho biết. Theo ông, công ty của ông đã gửi lượng hàng hóa trị giá hàng trăm triệu nhân dân tệ đến Nga nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ Wildberries.

Một người bán hàng khác đề cập rằng số rúp kiếm được ở Nga chỉ có thể được trao đổi trên thị trường chợ đen, điều này rất rủi ro.

Tuần trước, đồng rúp đã chạm mức thấp nhất trong 32 tháng qua ở mức 114 rúp đổi 1 USD, khiến Ngân hàng Trung ương Nga phải ngừng mua ngoại tệ trên thị trường nội tệ trong suốt phần còn lại của năm.

Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với ngân hàng Gazprombank của Nga, vốn được sử dụng để thanh toán khí đốt của Nga cho các bên mua nước ngoài, là đòn giáng kinh tế mới nhất vào Nga trong bối cảnh lệnh trừng phạt tài chính đang được thực hiện vì chiến sự tại Ukraine.

Đồng rúp cũng đã giảm xuống dưới 15 rúp đổi 1 nhân dân tệ, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022, ngay sau khi Nga đưa quân tới Ukraine.

Đồng rúp yếu hơn cũng gây ra sự lo lắng với các nhà xuất khẩu tại Trung Quốc, nước đã trở thành đối tác thương mại chính của Nga sau khi các lệnh trừng phạt làm cạn kiệt các thị trường khác.

Vào tháng 6/ 2024, Ngân hàng Nga đã công bố rằng tỷ giá đồng nhân dân tệ/đồng rúp sẽ thiết lập xu hướng cho các cặp tiền tệ khác. Ngân hàng trung ương Nga chỉ ra rằng vai trò của đồng USD và đồng euro trên thị trường Nga đã liên tục giảm trong 2 năm qua, do kết quả của việc chuyển hướng dòng chảy thương mại sang phương Đông.

Vào tháng 5, tỷ lệ giao dịch của đồng nhân dân tệ trên Sàn giao dịch chứng khoán Moscow đã vượt quá 54%, khiến đồng tiền Trung Quốc chiếm ưu thế trong giao dịch chứng khoán.

Do đó, các vấn đề trên thị trường tiền tệ đã dẫn đến "các công ty Trung Quốc bắt đầu ngừng bán hàng tiêu dùng tại Nga".

Đồng rúp của Nga đang mất giá so với các loại tiền tệ khác, gây khó khăn cho nỗ lực của Điện Kremlin nhằm kiểm soát lạm phát tiêu dùng.

Trả lời phỏng vấn News Week, ông Pavel Bazhanov, một luật sư người Nga cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp Nga tại Trung Quốc và khu vực rộng lớn hơn, cho hay các nhà xuất khẩu Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử đang lo ngại về việc đồng rúp mất giá, đặc biệt là vì "tháng 11 là tháng bán hàng".

"Trong thời gian đó, các thị trường thúc ép các nhà cung cấp của họ đưa ra mức chiết khấu", ông nói.

"Các nhà cung cấp Trung Quốc trên các nền tảng thương mại điện tử của Nga vào tháng 11 có thể tạo ra doanh số khá lớn, nhưng nếu thua lỗ, một doanh nhân sáng suốt có thể quyết định tạm thời dừng bán hàng", Bazhanov nhận định.

Tuy nhiên, cũng theo ông Bazhanov, khách hàng Nga vẫn có sức mua nhất định và các doanh nghiệp Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm người tiêu dùng trên khắp thế giới cho hàng hóa của mình vì nền kinh tế Trung Quốc không mấy khả quan, và ông Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thêm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

"Vì vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc cần khám phá bất kỳ thị trường nước ngoài nào có sẵn và thị trường Nga vẫn có thể là một lựa chọn", ông Bazhanov nói với Newsweek.

Nền kinh tế Nga, vốn chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt nhằm cô lập quốc gia này khỏi hệ thống tài chính thế giới, đã vượt qua được biến động với mức tăng trưởng GDP vẫn cao hơn nhiều nước phương Tây, một phần là nhờ mức chi tiêu cao cho quân sự.

Nhưng điều này diễn ra trong bối cảnh lạm phát ở mức cao 8,5% khiến Ngân hàng Trung ương Nga đã tìm cách kiềm chế bằng lãi suất chủ chốt là 21%, mức cao nhất kể từ năm 2003.

Nhưng ông Grzegorz Drozdz, nhà phân tích thị trường tại Invest.Conotoxia.com cho biết mặc dù đồng tiền của Nga mất giá làm suy yếu sức mua, nhưng với tư cách là một quốc gia xuất khẩu có thặng dư thương mại đáng kể, điều này sẽ có lợi cho xuất khẩu trong nước.

"Ngoài ra, nền kinh tế Nga còn nổi bật vì mức nợ thấp. Vào đầu năm, tỷ lệ nợ công trên GDP chỉ là 14,9%, thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây", ông nói với Newsweek.

Theo SCMP, News Week
Ông Trump dọa áp thuế 100% với BRICS, Nga – Trung cảnh báo rắn

Ông Trump dọa áp thuế 100% với BRICS, Nga – Trung cảnh báo rắn

Tài chính quốc tế
(VNF) - Điện Kremlin ngày 2/12 cho biết bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm buộc các nước sử dụng đồng USD đều sẽ phản tác dụng sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế đối với các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) nếu họ tạo ra đồng tiền riêng của mình.
Cùng chuyên mục
Tin khác