Trung Quốc tung đòn hiểm: Cấm xuất khẩu khoáng sản chiến lược sang Mỹ

Hải Đăng - 04/12/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 3/12 thông báo Trung Quốc sẽ cấm xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng liên quan đến gali, germani, antimon và các vật liệu siêu cứng có khả năng ứng dụng trong quân sự. Động thái cứng rắn này được đưa ra một ngày sau đòn giáng mới nhất của Mỹ đối với ngành chip của Trung Quốc.

Đòn đáp trả của Trung Quốc

Cụ thể, trong thông báo ngày 3/12, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ đã cấm xuất khẩu các mặt hàng được phân loại là "sử dụng kép", tức các sản phẩm hoặc vật liệu có cả ứng dụng dân sự và quân sự, cho bất kỳ người dùng cuối nào của quân đội Mỹ.

"Về nguyên tắc, việc xuất khẩu gali, germani, antimon và các vật liệu siêu cứng sang Mỹ sẽ không được phép", thông báo nêu rõ.

Trung Quốc cấm xuất khẩu gali, germani, antimon và nhiều khoáng sản quan trọng sang Mỹ.

Đối với than chì, một chất được sử dụng để sản xuất pin và pin nhiên liệu, cũng là vật liệu phổ biến trong các lĩnh vực quốc phòng và hàng không vũ trụ, bất kỳ lô hàng nào đến Mỹ sẽ phải trải qua quá trình xem xét nghiêm ngặt hơn về mục đích sử dụng dự kiến, theo thông báo.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết biện pháp này phù hợp với luật kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các biện pháp hạn chế này tăng cường thực thi các giới hạn hiện hành đối với xuất khẩu các khoáng sản quan trọng mà Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai vào năm ngoái nhưng chỉ áp dụng cho Mỹ trong đợt leo thang căng thẳng thương mại mới nhất trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

Trước đây đã có một lựa chọn cho các công ty là xin giấy phép đặc biệt để xuất khẩu sang Mỹ, nhưng lỗ hổng này có vẻ đã được đóng lại.

Tuy nhiên, tính đến tháng 10 năm nay, không có chuyến hàng germani hoặc gali gia công và chưa gia công nào của Trung Quốc được vận chuyển sang Mỹ, mặc dù đây là thị trường lớn thứ 4 và thứ 5 về các loại khoáng sản này vào năm trước, theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc.

Gali và germani được sử dụng trong chất bán dẫn, trong khi germani cũng được sử dụng trong công nghệ hồng ngoại, cáp quang và pin mặt trời.

Tương tự như vậy, tổng lượng antimon xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 97% so với tháng 9 sau khi động thái hạn chế xuất khẩu của Bắc Kinh có hiệu lực.

Năm ngoái, Trung Quốc chiếm 48% lượng antimon khai thác trên toàn cầu. Vật liệu này được sử dụng trong sản xuất đạn dược, tên lửa hồng ngoại, vũ khí hạt nhân và kính nhìn ban đêm, cũng như trong pin và thiết bị quang điện.

Căng thẳng công nghệ leo thang

Thông báo của Trung Quốc được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ ngày 2/12 đã công bố kế hoạch áp đặt lệnh trừng phạt lớn thứ ba đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, hạn chế xuất khẩu cho 140 công ty.

Lệnh hạn chế mới sẽ giới hạn lô hàng chip bộ nhớ băng thông cao được vận chuyển sang Trung Quốc - loại chip thiết yếu cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo; đồng thời hạn chế xuất khẩu đối với 24 công cụ sản xuất chip bổ sung và 3 phần mềm.

Các quan chức Bộ Thương mại Mỹ cho biết mục tiêu của các biện pháp kiểm soát mới là làm chậm quá trình phát triển các công cụ AI tiên tiến có thể được sử dụng trong chiến tranh của Trung Quốc và làm suy yếu ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh.

Mỹ đã công bố một loạt biện pháp kiểm soát toàn diện nhằm hạn chế việc bán và sản xuất một số loại chip cao cấp.

Các biện pháp mới, được công bố bởi chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm, đã làm gia tăng căng thẳng chính trị giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới trước lễ nhậm chức sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Tháng 10 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã cắt giảm các loại chất bán dẫn mà các công ty Mỹ có thể bán cho Trung Quốc, với lý do mong muốn đóng lỗ hổng trong các quy định được công bố vào năm 2022.

Vào tháng 9 vừa qua, bộ này tiếp tục đề xuất riêng lệnh cấm bán hoặc nhập khẩu xe thông minh sử dụng công nghệ cụ thể của Trung Quốc hoặc Nga, với lý do lo ngại về an ninh. Chính quyền ông Trump sắp tới cũng đã có những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc, bao gồm cả việc đe dọa áp thuế.

Về phần mình, Trung Quốc đang tăng cường mục tiêu thống trị các công nghệ tiên tiến của tương lai. Vào tháng 5, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch thành lập quỹ đầu tư nhà nước về chất bán dẫn lớn nhất từ ​​trước đến nay trị giá 47,5 tỷ USD.

Với khoản đầu tư từ 6 ngân hàng nhà nước lớn nhất nước này, bao gồm ICBC và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, quỹ này làm nổi bật lên nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm củng cố vị thế của Trung Quốc như một gã khổng lồ công nghệ.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên án động thái mới nhất của Mỹ, cáo buộc nước này "lạm dụng" kiểm soát xuất khẩu và gây ra "mối đe dọa đáng kể" đối với sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.

Các công ty chip của Trung Quốc bị Washington nhắm tới với lệnh kiểm soát xuất khẩu mới đã cam kết sẽ đẩy nhanh quá trình nội địa hóa chuỗi cung ứng và cho biết họ sẽ có thể tiếp tục sản xuất nhờ những nỗ lực gần đây nhằm xây dựng kho dự trữ thiết bị.

Theo Reuters, CNN
Mỹ phát động 'đợt tấn công thứ 3' lên ngành chip Trung Quốc

Mỹ phát động 'đợt tấn công thứ 3' lên ngành chip Trung Quốc

Tài chính quốc tế
(VNF) - Mỹ tiếp tục giáng đòn trừng phạt lên ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc khi hạn chế xuất khẩu sang 140 công ty và nhiều động thái khác.
Cùng chuyên mục
Tin khác