TS Nguyễn Đình Cung: 'Chi phí logistic tắc nghẽn từ cảng biển bằng 18% GDP của cả nước'

Trần Lưu - 30/05/2019 10:33 (GMT+7)

(VNF) - Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chi phí logistic tắc nghẽn từ cảng biển ở Việt Nam hiện đang rất cao, bằng 18% GDP của cả nước, trong khi tại các quốc gia khác thì con số này cao nhất chỉ khoảng 10%.

VNF
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Tại buổi tọa đàm “Kinh tế vùng trọng điểm nhìn từ hệ thống cảng biển”, TS Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi: "Tại sao hệ thống cảng biển của chúng ta có rất nhiều tiềm năng nhưng không phát huy được hết lợi thế của mình?"

Theo ông Cung, tình hình kinh tế Việt Nam mở và phát triển như vừa qua là dựa vào xuất khẩu. Việc xuất khẩu phải dựa vào hệ thống cảng biển. Nhưng hiện nay, chi phí logistic, trong đó tắc nghẽn từ cảng biển lại rất cao, bằng 18% GDP của cả nước, trong khi tại các quốc gia khác con số này cao nhất chỉ khoảng 10%.

“Tắc nghẽn chủ yếu ở các vùng kinh tế trọng điểm như Bà Rịa-Vũng Tàu, Sài Gòn, Hải Phòng… Các vùng này chiếm tới 60% GDP của cả nước. Giả sử như tăng trưởng ở vùng này tăng thêm 1% thì GDP tăng thêm được 0,6 điểm %. Nếu giảm được chi phí ách tắc từ logistic thì hoàn toàn có thể tăng trưởng thêm”, người đứng đầu CIEM nói.

Trên thực tế, hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay đang có mức tăng trưởng khả quan và dần khẳng định được vị thế trên bản đồ hàng hải thế giới.

Nếu như trước đây, các cảng chỉ mong muốn đón những con tàu 2.000-3.000 tấn thì giờ đã đón được những con tàu lên đến 194.000 tấn.

Từ năm 2000 đến nay, lượng hàng thông qua cảng biển tăng trưởng bình quân 11,1%/năm, trong đó container tăng trưởng 14,4%/năm. Nếu năm 2000, lượng hàng qua cảng biển chỉ đạt 73 triệu tấn thì năm 2018, con số này đã tăng lên 525 triệu tấn.

Để cảng biển phát huy hết tiềm năng, hỗ trợ sự phát triển của các vùng kinh tế, các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng phải cùng doanh nghiệp tháo điểm nghẽn, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kết nối với cảng biển cả về phần cứng và phần mềm. Nếu cần thiết, nên mời tư vấn nước ngoài tham gia để cập nhật lại hệ thống cảng biển phù hợp với các vùng kinh tế trọng điểm.

Các chuyên gia cũng cho rằng vai trò "nhạc trưởng" của nhà nước cần phải thể hiện mạnh mẽ hơn nữa, phải hài hòa được phần vốn của nhà nước, vốn FDI, vốn của doanh nghiệp tư nhân để bảo đảm được nền thể chế mà các doanh nghiệp có thể yên tâm tham gia đầu tư cảng biển, cùng cơ quan chức năng tháo gỡ những nút thắt hiện tại của cảng biển.

Xem thêm: 'Nhìn hệ thống cảng biển sẽ biết được sức khỏe của nền kinh tế'

Cùng chuyên mục
Tin khác