TS Nguyễn Đình Cung nhận xét 10 năm qua, doanh nghiệp nhà nước như một diễn viên nhưng lại không xuất hiện trên sân khấu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đó là do doanh nghiệp nhà nước bị nhốt trong lồng thể chế xin cho, không phát triển được, không có sức cạnh tranh. Bây giờ, phải đập cái lồng đó, thả doanh nghiệp nhà nước ra thị trường.

Nhìn lại 30 năm đổi mới (1990 – 2021), TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), chỉ ra một xu hướng đáng buồn, đó là tốc độ tăng trưởng bình quân giảm qua mỗi thập niên: 1990 – 2000 tăng trưởng bình quân hằng năm là 7,8%, sang 2001- 2010 giảm xuống 6,6% và đến 2011 – 2020 chỉ còn 6%.

Nhìn sang các nước đã “hóa rồng” tại Á Đông như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, trong cùng khoảng thời gian 30 năm, các nước này tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân 8 – 8,5%/năm. Việt Nam muốn đạt mục tiêu tới năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì rõ ràng phải đảo ngược xu hướng tăng trưởng. Không phải đảo ngược bình thường mà phải đảo ngược ngoạn mục, bởi 2020 – 2021, Việt Nam đã tăng trưởng rất thấp (2020 tăng trưởng 2,9%, 2021 dự kiến chỉ tăng trưởng 2%).

Với mức tăng trưởng rất thấp trong 2020 – 2021, nếu muốn đạt mục tiêu 5 năm (2021 – 2025) tăng trưởng bình quân 7 – 7,5% thì Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng 8,1- 8,25% trong các năm 2022 - 2025. Đây là yêu cầu cực kỳ thách thức bởi Việt Nam chưa bao giờ đạt được tăng trưởng bình quân 4 năm liên tiếp ở mức 8,25%. “Ta thấy áp lực, thách thức là hết sức lớn đối với Chính phủ trong những năm tiếp theo. Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng, ta phải có lực đẩy tên lửa”, ông Cung bình luận.

Thế nhưng, tìm kiếm một lực đẩy tên lửa như thế không hề dễ dàng. Ông Cung chỉ ra doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn đang bị nhiều yếu tố kìm hãm, “vừa sợ lớn vừa không thể lớn”, còn doanh nghiệp nhà nước thì vẫn đang bị “nhốt vào cái lồng thể chế hành chính xin cho”.

Doanh nghiệp nhà nước là thành phần đặc biệt quan trọng, nắm giữ những lĩnh vực là xương sống của nền kinh tế quốc dân, lẽ ra phải là động lực chính cho những kỳ tích tăng trưởng. Là vì ta sợ mất nên cứ nhốt nó vào đó. Nhưng con người bị nhốt thì trí tuệ và thể chất không phát triển được, doanh nghiệp nhà nước bị nhốt thì không thể hùng cường. Đã nhốt vào lồng lại còn o bế, lại xin cho, ban phát thì doanh nghiệp nhà nước càng không phát triển được. 10 năm qua, thật đáng tiếc, doanh nghiệp nhà nước như một trong những diễn viên chính nhưng xuất hiện trên sân khấu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam còn mờ nhạt, chưa tương xứng với vai trò, khả năng và tiềm lực của mình. Đau xót hơn, công chúng xã hội chỉ thấy ở một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp nhà nước những vi phạm, tham nhũng, đại án.

Bởi vậy, ông Cung cho rằng điều cần thiết là phải đập cái lồng đó đi, thổi thị trường vào doanh nghiệp nhà nước. “Ta đừng sợ mất. Hãy chấp nhận có cái mất, có cái được, vì sẽ được nhiều hơn mất. Còn nếu sợ mất mà không sử dụng, thì với nền kinh tế thị trường, nó sẽ hao mòn dần rồi đến lúc cũng phải bỏ đi”.

“Ta cần quản doanh nghiệp nhà nước theo mục tiêu, như doanh thu, lợi nhuận, giá cổ phiếu... Đừng quản doanh nghiệp theo quy trình, bởi nếu vậy thì doanh nghiệp chỉ chăm chăm làm đúng quy trình, mà làm đúng quy trình thì không có sản phẩm nổi bật. Doanh nghiệp muốn có lợi nhuận bền vững thì phải có sản phẩm nổi bật, như Apple có iPhone vậy.

“Quản lý cũng đừng chú ý sự vụ. Trong kinh doanh, không bao giờ có thắng lợi 100%. 10 dự án có 2 cái thua, 8 cái thằng thì vẫn tốt. Nhưng 8 cái thắng không ai khen mà 2 cái thua bị thanh tra, bị kết luận không làm đúng chỉ đạo, không làm theo quy trình thì thế nào cũng chết. Hãy bỏ cái thứ làm theo quy định, chết theo quy trình đi”, ông Cung nhấn mạnh.

 

Bình luận sâu hơn về doanh nghiệp nhà nước, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng nhà nước phải chấp nhận doanh nghiệp dù thuộc sở hữu của ai cũng đều là công cụ kinh tế. Đã là công cụ thì phải hoạt động theo quy tắc chung đã trở thành thông lệ của thế giới, không thể một mình một kiểu. Bởi một mình một kiểu thì không tạo được niềm tin với đối tác, không có niềm tin thì không có làm ăn, không làm ăn được tức là bị “cho ra rìa”.

“Doanh nghiệp nhà nước của ta đang trong tình trạng này. Tôi chưa thấy doanh nghiệp nhà nước tự đi vay được vốn nếu không có bảo lãnh chính phủ; chưa thấy doanh nghiệp nhà nước niêm yết được trên thị trường tài chính quốc tế. Doanh nghiệp nhà nước muốn lớn thì phải bơi ra thị trường, muốn ra thị trường thì phải chấp nhận chơi theo luật quốc tế, bởi chỉ dưới áp lực cạnh tranh, mình mới làm tốt được, chứ không phải nhốt nó vào lồng vì sợ mất.

Theo ông Cung, muốn cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động tốt lên thì trước tiên phải bỏ những thứ quy hoạch, nhất là quy hoạch lãnh đạo doanh nghiệp. Hiện nay, nhân sự lãnh đạo vẫn được chọn từ trong số đã được chọn. Như vậy, phạm vi lựa chọn bị bó hẹp lại.

Nguyên Viện trưởng CIEM cũng nhấn mạnh rằng khi đã chọn lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước từ thị trường, cần loại bỏ tư duy bổ nhiệm, bởi đây là thỏa thuận ngang hàng, sòng phẳng giữa chủ sở hữu và người lao động, không phải là sự ban phát về quyền lợi chính trị của cấp trên đối với cấp dưới. Khi thay đổi tư duy như vậy thì chuyện người đến hay đi sẽ trở nên bình thường.

Ông cũng cho rằng muốn mời được người giỏi về làm thì trước tiên phải có môi trường làm việc tốt, để người giỏi được phát huy tài năng, không phải cứ tặng căn biệt thự, cái xe hơi, lương trăm triệu là người giỏi sẽ về. Trong doanh nghiệp nhà nước hiện nay, những cán bộ có năng lực tốt đến xuất sắc vẫn rất nhiều, thậm chí là tinh hoa trong nghề nghiệp đó, nhưng họ không được trọng dụng, không phát huy hết tài năng. Đó là sự lãng phí rất lớn.