Diễn đàn VNF

TS Võ Đình Trí: ‘Chiến sự Ukraine sẽ dẫn truyền lạm phát thế giới vào Việt Nam’

(VNF) – Theo TS Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM & IPAG Business School Paris (Pháp), hệ lụy lớn nhất của chiến sự Nga – Ukraine là tác động dẫn truyền của lạm phát thế giới vào Việt Nam. Điều này càng trở nên đáng lo ngại hơn khi nền kinh tế quốc gia “vừa ốm dậy” sau 2 năm dịch bệnh, đang rất cần môi trường ổn định để phục hồi và tăng trưởng.

TS Võ Đình Trí: ‘Chiến sự Ukraine sẽ dẫn truyền lạm phát thế giới vào Việt Nam’

TS Võ Đình Trí: ‘Chiến sự Ukraine sẽ dẫn truyền lạm phát thế giới vào Việt Nam’

- Chiến sự Nga – Ukraine là một sự kiện bất thường, nằm ngoài khả tiên liệu của Việt Nam về năm 2022. Theo ông, cuộc chiến này có ảnh hưởng như thế nào tới quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

TS Võ Đình Trí: Cuộc chiến này rõ ràng có tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới. Dự kiến ngày 19/4 Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ công bố đánh giá lại tăng trưởng toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới theo các định chế tài chính lớn chắc chắc sẽ thấp hơn dự báo lúc đầu năm. Khi đó, chúng ta mới phần nào định lượng được sự “tàn phá” của cuộc chiến tới nền kinh tế.

Đặc biệt, các nền kinh tế lớn, phải đương đầu với “tam tai”: dịch bệnh, lạm phát, và chiến tranh. Tình hình dịch bệnh mới nhất ở Trung Quốc và Hàn Quốc cũng rất đáng quan ngại.

Với các dữ liệu hiện thời, có thể nói cuộc chiến Nga – Ukraine không tác động quá nhiều tới kinh tế Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa nước ta và hai nước này không lớn. Nhưng điều đáng lo ngại là cuộc chiến tạo ra sự biến đổi mạnh mẽ của quan hệ thương mại quốc tế, đặc biệt liên quan đến Nga – quốc gia đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Đơn cử một khía cạnh là các lệnh trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữa Nga và phương Tây có thể khiến Việt Nam rơi vào cảnh “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”.

Bên cạnh đó, cuộc chiến đã tạo nên một hoàn cảnh ngặt nghèo cho tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch: giá nguyên vật liệu gia tăng (điển hình là xăng dầu, sắt thép…), dẫn đến chi phí sản xuất tăng lên, giá cả leo thang, ảnh hưởng tới sức mua vốn dĩ đã yếu ớt.

- Theo ông, những ngành nào của nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn từ tác động của cuộc chiến?

Điều này phải xét tới tác động lâu dài hay trước mắt. Nếu trước mắt, chúng ta thấy những ngành có chi phí đầu vào phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng sẽ càng nặng đối với những ngành khó chuyển gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng. Song cũng phải thấy rằng có những doanh nghiệp sẽ lợi dụng tình hình để “té nước theo mưa”, điều chỉnh giá bán còn nhanh hơn cả tốc độ tăng của chi phí đầu vào. Đó là điều cơ quan quản lý nhà nước cần lưu ý.

- Ông nhìn nhận tác động của cuộc chiến tới nền kinh tế Việt Nam sẽ kéo dài hay chỉ là một cú sốc ngắn hạn? Trong trường hợp chiến sự kéo dài, rủi ro lớn hơn mà Việt Nam phải đối diện là gì?

Chiến sự là điều rất khó dự đoán, vì nó phụ thuộc vào toan tính của các nước lớn, tiến trình đàm phán giữa các bên tham chiến và những nước liên quan trực tiếp hay gián tiếp. Do vậy, tác động của cuộc chiến đến nền kinh tế Việt Nam cũng là điều rất khó dự báo. Tuy nhiên, bất kỳ nền kinh tế nào cũng sẽ tự động thích nghi với hoàn cảnh mới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Nếu chiến sự kéo dài, tôi nghĩ rủi ro sẽ là đáng kể đối với Việt Nam, bởi khi đó giá của nhiều nguyên liệu và hàng hóa nhập khẩu sẽ giữ ở mức cao. Giá thế giới tăng thì Việt Nam có thể tăng giá xuất khẩu, nhưng sẽ khó khăn khi tiền lương, thu nhập của người lao động chưa điều chỉnh theo kịp.

- Việc gì cũng có hai mặt, vậy liệu kinh tế Việt Nam có được hưởng lợi gì từ cuộc chiến?

Trong cuộc chiến này, sẽ có những bên hưởng lợi nhất định, nhưng đáng tiếc Việt Nam lại nằm ở bên chịu thiệt hại, dù cho một số ngành của nền kinh tế nước ta có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn, ví dụ nông – thủy sản. Song, giá trị xuất khẩu của nông – thủy sản không quá lớn. Mặt khác, nếu chiến sự kéo dài thì nhu cầu trên thế giới cũng sẽ suy giảm, cuối cùng cũng dẫn tới thiệt hại. Đó là chưa nói, xuất khẩu của Việt Nam phần lớn được tạo ra bởi khối ngoại.

Cũng như đã nói ở trên, Việt Nam là nước xuất khẩu nên giá thế giới tăng sẽ khiến cho quy mô xuất khẩu tăng, cho nên về mặt con số cũng là một điều tích cực.

- Vậy khuyến nghị của ông cho Chính phủ trong bối cảnh này là gì?

Hệ lụy lớn nhất của chiến sự Nga – Ukraine là tác động dẫn truyền của lạm phát thế giới vào Việt Nam. Điều này càng trở nên đáng lo ngại hơn khi nền kinh tế quốc gia “vừa ốm dậy” sau 2 năm dịch bệnh, đang rất cần môi trường ổn định để phục hồi và tăng trưởng. Tôi cho rằng Chính phủ phải chuẩn bị cẩn trọng, ứng xử linh hoạt vì sắp tới e rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát là rất khó khăn.

Ứng phó với lạm phát thì lý thuyết kinh tế đã có những “bài thuốc” kinh điển, vấn đề chỉ là mỗi thời điểm khác nhau sẽ “kê đơn” theo các liều lượng khác nhau: điều chỉnh lãi suất, hỗ trợ những người có thu nhập thấp… Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nhất quán và thông điệp rõ ràng về mặt điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, để tạo ra tâm lý an toàn cho giới kinh doanh và người dân.

Thực ra, lạm phát về tâm lý còn nguy hiểm hơn lạm phát thực sự, bởi nó tạo ra tâm lý đám đông, ai cũng nghĩ giá tăng thì sẽ tạo ra cảnh doanh nghiệp găm hàng, người dân tranh mua, tranh bán. Nhưng nếu người dân biết rằng giá tăng có giới hạn, Chính phủ sẽ can thiệp khi cần thiết, nguồn cung đảm bảo thì sẽ không xảy ra các cơn sốt giá. Đây cũng là kinh nghiệm quốc tế mà tôi theo dõi ở các nước trên thế giới.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên