‘TTCK Việt Nam như người mặc áo chật, cần bước tiến mới’

Thanh Long - 19/07/2024 15:42 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương ví thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam như người mặc áo chật, cần bước tiến mới và bước tiến đó là nâng hạng.

Ngày 19/7, CLB Nhà báo Chứng khoán tổ chức sự kiện Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, cho biết mặc dù còn phù thuộc sự hấp dẫn của cổ phiếu cụ thể để thu hút nhà đầu tư tổ chức, tuy nhiên tỷ lệ sở hữu được tự do chuyển nhượng (free-float) của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức tương đối thấp, ước tính ở mức 45,5%. Do đó, cùng với tiến trình thoái vốn Nhà nước ở nhiều doanh nghiệp, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup

Cung cấp thêm thông tin về các nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam, ông Thuân cho hay nhà đầu tư nước ngoài hiện đang sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam. Riêng trên HoSE, tỷ lệ này là 17,3%, HNX là 5,4% và UPCoM là 3%. Tại thời điểm cuối năm 2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài lần lượt là 19,83% (HoSE), 10,99% (HNX) và 4,24% (UPCoM).

Đối với các quỹ đầu tư trong nước, ông Thuân cho biết số lượng các quỹ không nhỏ nhưng quy mô còn rất nhỏ. Có 4 lý do dẫn đến sự hạn chế này. Một là tâm lý người Việt Nam muốn tự quản lý tài sản hơn là ủy thác cho các tổ chức định chế chuyên nghiệp. Hai là các chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để người dân tham gia qua đầu tư qua các quỹ được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ trong nước.

Thứ ba, năng lực và khả năng chứng minh hiệu quả hoạt động của các quỹ còn hạn chế và chưa cao. Ngoài ra, môi trường lãi suất tiền gửi còn cao và không thấp hơn nhiều so với tỷ suất lợi nhuận của các quỹ.

Trong khi đó, các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư bảo hiểm có tổng tài sản 906 nghìn tỷ đồng vào cuối 2023 nhưng với tỷ lệ phân bổ còn rất nhỏ vào trái phiếu doanh nghiệp. Còn các ngân hàng thương mại mặc dù chiếm tỷ trọng sở hữu lớn trên thị trường trái phiếu nhưng quy mô vẫn còn rất nhỏ so với tổng tài sản của hệ thống ngân hàng.

Đối với các công ty chứng khoán, đầu tư tự doanh chiếm tỷ trọng nhỏ do quy mô vốn còn hạn chế và tự doanh cổ phiếu chủ yếu nhằm phục vụ hoạt động quản trị rủi ro sản phẩm phái sinh

Ngoài ra, còn có một nhóm nhà đầu tư tổ chức rất lớn là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Quỹ hưu trí tự nguyện. Hiện đã có 10 quỹ hưu trí tự nguyện được thành lập và hoạt động nhưng quy mô còn rất hạn chế trong khi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa được phép đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.

Tóm lại, theo Chủ tịch FiinGroup, tiềm năng và dư địa để tăng sở hữu của nhà đầu tư tổ chức còn rất lớn trên cả kênh cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Để thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, ông Thuân cho rằng với định chế đầu tư quốc tế, ngoài mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi, thì cần xem xét đẩy mạnh mục tiêu nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Với định chế đầu tư trong nước, ông Thuân cho rằng nên xem xét nới lỏng các quy định hạn chế đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, cần cải thiện chất lượng hàng hóa và chất lượng công bố thông tin.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, nhận định để thị trường chứng khoán phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn.

“Hiện giá trị vốn hoá của thị trường chứng khoán Việt Nam đã lớn, số lượng tài khoản nhà đầu tư là gần 8 triệu, nhưng nhìn vào cơ cấu, lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức rất khiêm tốn. Đây là điểm chưa mạnh, chưa bền vững của thị trường Việt Nam. Về việc này, Bộ Tài chính, UBCKNN nhận đã ra từ lâu, báo cáo Chính Phủ một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường giai đoạn tới là phát triển nhà đầu tư tổ chức”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Theo thứ trưởng, để tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức, có rất nhiều điều phải làm, trong đó phải thay đổi nhận thức của nhà đầu tư cá nhân, từ chỗ thích tự đầu tư chứng khoán sang gửi gắm vào các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện phát triển các dạng quỹ đầu tư, trong đó có quỹ hưu trí tự nguyện. “Chúng ta cần có quy định để khuyến khích, huy động được nguồn lực này. Đây là dư địa rất lớn”, ông Chi nói. Song song với đó, cơ quan quản lý cũng thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát hoạt động của các quỹ.

Ông Lê Thanh Tuấn, Phó tổng giám đốc SCIC, nhấn mạnh không dễ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong khi các doanh nghiệp Việt Nam lại rất cần vốn ngoại. Một số rào cản có thể kể đến các quy định đấu giá cổ phần của Việt Nam không theo quy trình nước ngoài, quy định sắp xếp, xử lý nhà đất trước cổ phần hóa rất phức tạp, thực trạng kín/gần kín room ngoại tại nhiều doanh nghiệp…

Từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, đặt vấn đề rằng trong thời gian gần đây, Việt Nam không có yếu tố mới, yếu tố thú vị để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong nhiều nhiều nước khác lại có. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu hàng hóa quy mô lớn, nhà đầu tư nước ngoài cầm 100 triệu USD để mua cổ phiếu tiềm năng mà không thể giải ngân hết được.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho hay nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỷ trọng hơn trên 90% giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam và đây là một trong những yếu tố khiến thị trường thiếu sự ổn định. Nếu muốn ổn định, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức phải chiếm 50-60% như các thị trường phát triển.

Một trong những giải pháp là nâng hạng thị trương chứng khoán. Chủ tịch UBCKNN ví thị trường chứng khoán Việt Nam như người mặc áo chật, cần bước tiến mới và bước tiến đó là nâng hạng.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBCKNN đã và đang khẩn trương rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý để từng bước gỡ các nút thắt trong việc xem xét nâng hạng theo các tiêu chí của các tổ chức quốc tế, đồng thời phối hợp tích cực với các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Cụ thể:

Về pháp lý, đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo cuối cùng của Thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin nhằm sửa đổi 2 quy định về yêu cầu ký quỹ trước trước giao dịch và yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang tiếp tục làm việc với bộ ngành, như việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản, cập nhật và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước gnoài tối đa đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài.

UBCKNN cũng đã tích cực chủ động làm việc thường xuyên với các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư quốc tế lớn, các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký vì mục tiêu nâng hạng.

Song song với các giải pháp cụ thể để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán, Chủ tịch UBCKNN cho biết cơ quan quản lý cũng đang nỗ lực tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên thị trường; cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư và cơ cấu lại tổ chức thị trường để mở rộng hơn nữa cơ hội cho doanh nghiệp huy động vốn.

Toàn cảnh sự kiện Đối thoại tháng 7 do CLB Nhà báo Chứng khoán tổ chức với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”
Cùng chuyên mục
Tin khác