Từ chuyện Vingroup làm nhà giá rẻ, nhìn lại bức tranh nhà ở cho công nhân khu công nghiệp

Lê Nguyễn - 02/07/2018 01:25 (GMT+7)

(VNF) – Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất là một “miếng bánh” lớn nhưng các doanh nghiệp chỉ chiếm được một phần rất nhỏ.

VNF
Ảnh minh họa

Tập đoàn Vingroup hôm 29/6 cho biết doanh nghiệp này sẽ tham gia phân khúc nhà ở giá rẻ từ 200 triệu đồng/căn hộ trở lên với thương hiệu Happy Town.

Bước đầu, Happy Town sẽ được triển khai tại 3 tỉnh: Bắc Ninh, Bình Dương và Đồng Nai - những địa phương nhiều khu công nghiệp lớn, đang tập trung đông đảo lao động nhập cư.

Mỗi căn hộ Happy Town sẽ có diện tích tối thiểu từ 30m2 trở lên và có giá thấp nhất là 200 triệu đồng/căn.

Được biết, sau Bắc Ninh, Bình Dương và Đồng Nai, Vingroup sẽ triển khai chiến lược này tại các khu công nghiệp ở một số tỉnh thành trên cả nước, ngoại trừ hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Việc Vingroup tham gia phân khúc nhà giá rẻ, phục vụ cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được đánh giá là động thái tích cực, góp phần vào việc giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân hiện nay.

Cung không đủ cầu

Thống kê của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.

Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, tổng số công nhân khu công nghiệp đạt khoảng 7,2 triệu người. Số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.

Nhu cầu nhà ở của công nhân là rất lớn nhưng hiện nay nguồn cung từ phía nhà nước, doanh nghiệp lại chưa đáp ứng được. Chẳng hạn như tại Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến cho biết đến nay toàn Hà Nội mới có 3/9 khu công nghiệp xây dựng khu nhà ở cho công nhân. Các khu nhà ở tại khu công nghiệp mới chỉ đáp ứng được 10% chỗ ở cho công nhân, lao động, còn khoảng 90% công nhân lao động vẫn phải thuê nhà ở trong khu dân cư với diện tích chật hẹp…

Hay như tại TP. HCM, theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nhà lưu trú công nhân của thành phố, năm 2017, TP. HCM có 35 dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân hoàn thành với quy mô 15,72 ha, tương đương 5.514 phòng, đáp ứng gần 39.400 chỗ ở cho công nhân. Tuy nhiên, tổng chỗ ở xây mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về chỗ ở cho người lao động.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trên phạm vi cả nước hiện mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân.

Miếng bánh lớn đang trong tay ai?

Nhu cầu nhà ở cho công nhân là rất lớn, thế nhưng thị phần của các doanh nghiệp trong tổng nguồn cung cho thị trường này lại khá nhỏ.

Đơn cử tại TP. HCM, theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố tháng 11/2016 về tình hình thực hiện Chương trình phát triển nhà lưu trú công nhân trên địa bàn thành phố, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hoàn thành 18 dự án nhà lưu trú cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp – khu chế xuất với tổng diện tích sàn xây dựng là 297.526 m2, đáp ứng 39.368 chỗ ở, chiếm tỷ lệ 7,4%.

Trong khi đó, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mới và sửa chữa cải tạo nhà để cho thuê với diện tích sàn xây dựng là 3.919.574m2, đáp ứng 970.426 chỗ ở, chiếm tỷ lệ 92,6%.

Như vậy, có thể thấy “miếng bánh” nhà ở cho công nhân đang nằm trong tay các hộ gia đình và cá nhân. Các doanh nghiệp chỉ chiếm được một phần rất nhỏ.

Bánh đúc có xương

Dù vậy, nhìn nhận thẳng thắn, các doanh nghiệp không dễ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất. Nguyên nhân là việc đầu tư dự án nhà ở cho công nhân đòi hỏi vốn lớn nhưng thời gian hoàn vốn lại rất dài, chưa kể tỷ suất lợi nhuận lại khá thấp. Trong khi đó, các cơ chế hỗ trợ về tín dụng, ưu đãi thuế… lại chưa đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Ngoài ra, các dự án nhà ở cho công nhân đòi hỏi quỹ đất lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được.

Trao đổi với VietnamFinance, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM, cho rằng để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, ngoài tháo gỡ các khó khăn nêu trên, nhà nước cần định hướng lại chương trình nhà ở xã hội theo hướng phát triển nhà cho thuê và cho phép doanh nghiệp xây dựng – kinh doanh nhà trọ, phòng trọ.

“Nghị định 100 của Chính phủ và Thông tư 20 của Bộ Xây dựng chỉ cho phép cá nhân, hộ gia đình làm phòng trọ, nhà trọ mà không cho doanh nghiệp làm. Nếu cho doanh nghiệp xây dựng loại này thì sẽ tốt hơn”, ông Châu nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.