Bất động sản

'Tư lệnh' ngành giao thông 'chê' Tổng Cục đường bộ chậm ứng dụng 4.0

(VNF) - “Ở đây có anh Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ, tôi nói luôn, lĩnh vực đường bộ nhiều dư địa, nhưng các anh quá chậm triển khai ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0)”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

'Tư lệnh' ngành giao thông 'chê' Tổng Cục đường bộ chậm ứng dụng 4.0

Grab tiên phong cách mạng 4.0 đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong dịch vụ taxi

Đây cũng là sự nhắc nhở của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với cá nhân ông Nguyễn Văn Huyện cũng như các đơn vị, sở, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đường bộ, logistic.

Cảng biển phải có wifi miễn phí

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay cần phải sớm thực hiện đó là đẩy mạnh ứng dụng cách mạng 4.0 đế hoà nhịp cùng thế giới.

“Đáng ghi nhận trong thời gian qua là Cục hàng hải Việt Nam và ngay cả Cục đường thuỷ nội địa cũng có những thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong các thủ tục hành chính và các thiết bị ngành”, Bộ trưởng nói.

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, đơn vị đã triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia đối với 11 thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực hàng hải trên cổng thông tin một cửa quốc gia tại 25 cảng vụ hàng hải từ tháng 7/2018.

Đồng thời, chỉ đạo các cảng vụ hàng hải thực hiện ký số giấy phép điện tử cho tàu thuyền vào, rời cảng biển; Triển khai cập nhật, công tác công khai hóa TTHC về lĩnh vực tàu biển và thuyền viên, giúp tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC được dễ dàng.

“Tổng số hồ sơ điện tử được tiếp nhận, phê duyệt từ ngày 1/7/2018 đến nay là 28.171 hồ sơ, chiếm 87% tổng số hồ sơ được tiếp nhận (trong đó, có 26.315 hồ sơ được cấp phép điện tử - ký số”, ông Sang nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn thể, đây mới là thành quả bước đầu, dù Bộ GTVT là một trong những Bộ được Chính phủ đánh giá cao trong công tác cải cách TTHC. Trong tổng số TTHC các bộ thực hiện năm 2018, ngành giao thông chiếm 2/3. Trong đó, hàng hải là lĩnh vực dẫn đầu về công tác cải cách này.

“Tuy nhiên, cần ứng dụng công nghệ rộng rãi hơn nữa. Tôi “đặt hàng” các đồng chí xây dựng một kho dữ liệu tổng thể để có thể truy cập các hệ thống các cảng biển, các doanh nghiệp vận tải, quản lý đội tàu biển… Đặc biệt, các cảng lớn phải có wifi miễn phí cho người sử dụng, dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính. Cảng biển lớn dịch vụ sẽ không kém sân bay”, Bộ trưởng nói.

Còn đối với ngành đường thuỷ nội địa, dù còn rất nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ giao thông đánh giá cao đơn vị này khi đã ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực, từ thủ tục hành chính, đến hệ thống biển báo, phao tiêu tín hiệu.

“Mới đây nhất, việc Cục ĐTNĐ thay biển báo trên sông bằng pin mặt trời, xác định vị trí kết nối cho tàu thuyền là ghi đáng ghi nhận”, Bộ trưởng Thể đánh giá.

4.0 không có chỗ cho sự chậm trễ

Trái ngược với những nỗ lực của các ngành hàng hải, đường thuỷ nội địa, hàng không, lĩnh vực đường bộ tỏ ra “chậm chân” trong ứng dụng cách mạng 4.0.

Dù tốc độ phát triển cuộc cách mạng này thể hiện rõ nét nhất khi Grab, Uber vào Việt Nam làm thay đổi hẳn cách sử dụng, dịch vụ taxi, đem lại cho người sử dụng sự tiện lợi, giá rẻ và nhiều hữu ích khác.

“Trong khi đó, đường bộ còn rất nhiều dư địa phát triển cách mạng 4.0 từ quản lý xe khách, xe tải, xe container. Chưa xây dựng được bản đồ số, sàn giao dịch điện tử, hệ thống quản lý qua hộp đen chưa tốt, …. Tổng Cục đường bộ cần nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Theo TS. Nguyễn Bá Ân, Tổng thư ký Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cho biết, cuộc cách mạng 4.0 không có chỗ cho sự chậm trễ.

Về kinh tế - xã hội, cách mạng 4.0 đang và hứa hẹn sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn và tác động mạnh mẽ tới kinh tế thế giới cũng như tới kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, trong các lĩnh vực sản xuất, vận tải, logistics đến dịch vụ khách hàng, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển, sẽ tạo ra sức đột phát lớn.

"Nếu chậm trễ, chúng ta sẽ tụt hậu. Đặc biệt, lĩnh vực đường bộ đang chiếm tỷ trọng lớn trong ngành dịch vụ, vận tải, các ngành hàng khác. Vì thế, cần ưu tiên đột phá cách mạng 4.0, ngành đường bộ không thể chậm trễ”, ông Nguyễn Bá Ân đánh giá.

Tin mới lên