Tài chính

Tuần ảm đạm của chứng khoán Việt: Nhận diện những mã hiếm hoi tăng 2 chữ số

(VNF) - Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm (VN-Index chỉ tăng 0,8% trong tuần qua), vẫn có một số ít cổ phiếu ghi nhận tăng trưởng thị giá trên 10%.

Tuần ảm đạm của chứng khoán Việt: Nhận diện những mã hiếm hoi tăng 2 chữ số

Tuần ảm đạm của chứng khoán Việt: Nhận diện những mã hiếm hoi tăng 2 chữ số

HT1 tăng 16,22%

Cổ phiếu HT1 của Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Hà Tiên đã tăng 16,22% từ 11.100 đồng/cổ phiếu mở phiên 09/01/2023 lên 12.900 đồng/cổ phiếu kết phiên 13/01/2023.

Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Hà Tiên (HT1) có tiền thân là Nhà máy Xi măng Hà Tiên được khởi công xây dựng từ năm 1960. Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh Clinker CPC50, clinker bền sulfat, Xi măng PCB40, Xi măng hỗn hợp PCB40, Xi măng MS-PCB40, Xi măng xá và jumbo. HT1 giữ vị thế là đơn vị sản xuất xi măng hàng đầu tại thị trường phía Nam Việt Nam.

Về tình hình kinh doanh của Hà Tiên, trong quý III năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.260 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp tăng vọt 312% lên 190 tỷ, giá vốn bán hàng cũng tăng mạnh 109% lên 2.070 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng tăng hơn 286%, lên 36,5 tỷ đồng.

Công ty cho biết, lợi nhuận gộp tăng 143,9 tỷ do sản lượng xi măng quý III/2022 tăng 80,7% so với cùng kỳ năm 2021 (thời gian này sản lượng bị ảnh hưởng từ việc giãn cách xã hội do dịch Covid-19).

Theo Công ty chứng khoán SSI, cổ phiếu HT1 trong ngắn hạn có thể được hỗ trợ bởi thông tin tích cực về giá than, khi giá than giảm có thể dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong quý IV/2022 (tăng 19% so với cùng kỳ). Cùng với đó, HT1 cũng được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công dự kiến vào năm 2023.

STK tăng 14,31%

Cổ phiếu STK của Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ đã tăng 14,31% từ 25.850 đồng/cổ phiếu mở phiên 09/01/2023 lên 29.550 đồng/cổ phiếu kết phiên 13/01/2023.

Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) được thành lập năm 2000. Hoạt động sản xuất chính của công ty là sản xuất sợi tơ tổng hợp, dệt kim. Công ty hiện đang cung cấp các sản phẩm: sợi POY, sợi DTY và sợi FDY. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu (Thổ Nhĩ Kỳ) và châu Á.

Quý III/2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế và cổ đông thiểu số của STK lần lượt là 515 tỷ đồng (tăng 9,9% so với cùng kỳ) và 50 tỷ đồng (giảm 19,7% so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế và cổ đông thiểu số đạt 1.685 tỷ đồng (tăng 9,0% so với cùng kỳ, hoàn thành 65% kế hoạch) và 197 tỷ đồng (giảm 2,9% so với cùng kỳ, hoàn thành 66% kế hoạch).

Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), nhà máy sợi tổng hợp Unitex của STK phù hợp với xu thế sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Các hãng thời trang ngày một ưa thích sử dụng chất liệu sợi tái chế, sợi tổng hợp. Với nhà máy Unitex, STK có thể đón đầu làn sóng xanh kể trên. Mặc dù vậy, nhu cầu đơn hàng được dự báo sẽ ở mức thấp trong đầu năm 2023 do tình trạng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

KSB tăng 13,3%

Cổ phiếu KSB của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương đã tăng 13,3% từ 20.300 đồng/cổ phiếu mở phiên 09/01/2023 lên 23.000 đồng/cổ phiếu kết phiên 13/01/2023.

Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) có tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước - Công ty Khai thác Xuất khẩu Khoáng sản Sông Bé, được thành lập vào năm 1993. Công ty hoạt động  trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và cho thuê bất động sản khu công nghiệp.

KSB chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ năm 2006. KSB hiện đang khai thác vật liệu xây dựng, đá, cát, cao lanh tại các mỏ được cấp phép. Ngoài ra, Công ty còn tham gia đầu tư, phát triển và kinh doanh cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Đất Cuốc với tổng diện tích quy hoạch là 348 ha và sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai với thương hiệu BIMICO.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, KSB đạt doanh thu thuần gần 702 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ gần 140 tỷ đồng, giảm hơn 20%. So với kế hoạch, công ty đã thực hiện 58% chỉ tiêu doanh thu và 50% mục tiêu lợi nhuận năm.

Công ty hiện cũng đang nắm giữ cổ phần tại Công ty Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (VLB), một doanh nghiệp cùng ngành đang khai thác nhiều mỏ đá tại khu vực Đồng Nai với công suất lên tới 4 triệu m3/năm.

Các mỏ đá của KSB nằm ở vị trí tương đối thuận lợi ở khu vực Nam Bộ, giúp giảm chi phí vận chuyển tới công trường xây dựng, nâng cao khả năng cạnh tranh khi tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công.

KSB được đánh giá là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công trong năm 2023.

DHC tăng 11,88%

Cổ phiếu DHC của Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre đã tăng 11,88% từ 34.500 đồng/cổ phiếu mở phiên 09/01/2023 lên 38.600 đồng/cổ phiếu kết phiên 13/01/2023.

Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (DHC) có tiền thân là Nhà máy Bao bì được thành lập thành lập năm 1994. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2003. Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ giấy và chế biến thủy sản.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2022, DHC ghi nhận doanh thu 970,37 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 64,5 tỷ đồng, giảm tới 26,4% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 14% về còn 12,9%.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Đông Hải Bến Tre ghi nhận doanh thu đạt 2.995,85 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 295,99 tỷ đồng, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm trước.

TLG tăng 10,59%

Cổ phiếu TLG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long đã tăng 10,59% từ 51.000 đồng/cổ phiếu mở phiên 09/01/2023 lên 56.400 đồng/cổ phiếu kết phiên 13/01/2023.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG) tiền thân là cơ sở bút bi Thiên Long được thành lập năm 1981. TLG chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2005. Công ty dẫn đầu thị phần văn phòng phẩm. Thiên Long đã xây dựng và phát triển hệ thống kênh phân phối sâu rộng tại thị trường nội địa.

Sản phẩm của Thiên Long có mặt khắp cả nước và các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng, nhà sách, cửa hàng tiện ích.. được phân phối thông qua các kênh như kênh thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tiếp cho trường học, doanh nghiệp (B2B), siêu thị... Các sản phẩm của công ty được xuất khẩu đến hơn 65 nước trên thế giới.

Về tình hình kinh doanh, theo bản tin gửi nhà đầu tư công bố ngày 29/12, Thiên Long cho biết doanh thu và lợi nhuận 11 tháng đầu năm 2022 đạt mức cao nhất lịch sử dù mức tăng trưởng chậm lại trong những tháng cuối năm do tính thời vụ.

Cụ thể, doanh thu thuần đạt hơn 3.317 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 444 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ và vượt 59% so với kế hoạch.

Năm 2022, TLG đặt mục tiêu 3.250 tỷ doanh thu và 280 tỷ lợi nhuận. Như vậy, với kết quả đạt được sau 11 tháng, công ty hoàn thành mục tiêu doanh thu của năm và lợi nhuận sau thuế vượt 59% so với kế hoạch.

Thiên Long cho biết, nhà phân phối sẽ tận dụng khoảng thời gian cuối năm để giải phóng hàng tồn kho của năm. Do đó, quý IV thường không phải là mùa bán hàng tốt của công ty. Tuy nhiên, trong năm 2021, mùa vụ có sự thay đổi trong thời gian giãn cách xã hội và nhu cầu đã dồn sang quý IV. 

Trong tháng 11 nhiều chi phí tiếp thị và nhân viên tiếp tục được ghi nhận, kéo theo biên lãi ròng giảm. Doanh thu từ xuất khẩu tăng 59% so với cùng kỳ và đóng góp hơn 24% doanh thu cho Tập đoàn. 

Tin mới lên