Bất động sản

Tuần Châu và hành trình mở đường ra đảo

(VNF) - Từ hòn đảo sơ khai, bùn lầy ngập mặn, ông Đào Hồng Tuyển đã biến Tuần Châu trở thành một đảo ngọc. Đây có thể xem là nỗ lực tư nhân vĩ đại nhất vào cuối những năm 90.

Tuần Châu và hành trình mở đường ra đảo

Tuần Châu và hành trình mở đường ra đảo

Câu chuyện tái sinh của Tuần Châu (TP. Hạ Long) từ một đảo nghèo và nhiều cái “không”: không điện, không nước sạch, không trường học, trạm y tế… trở thành một tên tuổi trên bản đồ du lịch không còn xa lạ với truyền thông, với những người quan tâm đến Quảng Ninh hay tò mò với cuộc đời của chính vị “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển.

Xuất thân từ một người lính nên ông Đào Hồng Tuyển có những tư duy khác với những doanh nhân đương thời đó là “Nghĩ mới, làm mới, nghĩ khác, làm khác. Làm những việc người khác chưa nghĩ tới hoặc có nghĩ tới nhưng không dám làm”.

Thực tế đã chứng minh câu nói đó của “chúa đảo” Tuần Châu. Ngay từ năm 1997, ông Tuyển đã bán toàn bộ bất động sản ở khu vực quận 1, TP. HCM để mang tiền ra Hạ Long đầu tư. Quyết định rời Sài thành của ông đến trong một chuyển trở về quê hương dự hội thảo của tỉnh, khi đưa các nhà đầu tư đi tham quan Quảng Ninh, ông tình cờ đọc được một tài liệu của Pháp nói về Tuần Châu rằng “họ đã từng đến nhưng chỉ vì không dám làm con đường ra đảo…”

Cảm xúc về Tuần Châu ngày ấy với ông là hòn đảo sơ khai, bùn lầy, ngập mặn; là ngày ngày ra đảo lội bùn, uống nước lọc và ăn bánh mỳ mang theo. Chính lời dặn của Bác Hồ khi đến thăm Tuần Châu vào năm 1959 và để lại mong ước “biến Tuần Châu thành Ngọc Châu” đã thôi thúc ông Đào Hồng Tuyển một khát vọng mãnh liệt. Cũng từ đó, một ý tưởng táo bạo đầu tư du lịch, biến Tuần Châu trở thành đảo ngọc, đã được ông đề xuất với lãnh đạo tỉnh.

Trình dự án lên UBND tỉnh Quảng Ninh, ông đạt được thoả thuận: đầu tư xây dựng con đường hơn 2km nối quốc lộ 18 với đảo Tuần Châu, đổi lại ông được quyền sử dụng 98ha đất trên đảo. Bắt tay vào làm, ông Tuyển thành lập Công ty TNHH Âu Lạc (nay là Tập đoàn Tuần Châu) vào năm 1997 để thực hiện dự án khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu – Hạ Long. Việc đầu tiên chính là xây dựng con đường vượt biển dài hơn 2km nối Tuần Châu với đất liền.

Đổ tiền xuống biển nhiều như đất

Việc quyết định mở đường ra đảo vào thời điểm năm 1997 được đánh giá rất mạo hiểm, không một ngân hàng nào dám cho ông vay vốn. Nhiều người nghi ngờ ý tưởng đó và khuyên ông từ bỏ, thậm chí họ nói ông “điên rồ” khi “đổ tiền xuống biển nhiều như đất”.

Đến chính ông Tuyển còn có lần tâm sự: “Hàng triệu mét khối đất đá đổ xuống biển là hàng chục tỷ đồng chìm nghỉm dưới làn nước biển trong xanh. Chỉ cần một cơn sóng lớn là sản nghiệp có thể bị nhấn chìm xuống biển sâu”.

Khó khăn chồng chất nhưng ý chí của một doanh nhân xuất thân là người lính vẫn vững vàng. Ông Tuyển lặn lội đi nhiều nơi, gặp nhiều người ở các tỉnh thành để học hỏi kinh nghiệm làm đường trên biển để rồi nhận ra bí quyết để con đường không bị lún, chịu được áp lực bão gió là cần phải tạo ra những khối bê tông thiên nhiên.

Cuối năm 1998, con đường đã chạm tới đảo, đó cũng là lúc mọi nguồn vốn của ông cạn kiệt, nhà cửa, sản nghiệp đã thế chấp hết để vay vốn ngân hàng. Nhiều thứ bán không có người mua, vì thị trường đã đóng băng.

Có cơ sở sản xuất khi mua giá 1.200 cây vàng, nhưng cần tiền người ta trả 600 cây cũng phải bán. Bạn bè xa lánh, mỏi mệt và chán nản tưởng như khiến ông phải bỏ cuộc dở chừng. Viễn cảnh bó tay rồi chờ ngân hàng đến xiết nợ, rồi vào tù, rồi sẽ được cả nước biết đến như một vụ án lừa đảo đang treo trước mắt.

Thế nhưng, chính những lúc đó, nghị lực và bản lĩnh của một doanh nhân như thức tỉnh ông. Ông động viên nhân viên cho nợ lương và kiên trì triển khai dự án, “bán non” một số lô đất để lấy ngắn nuôi dài nhằm thực hiện đến cùng con đường vượt biển ra đảo.

Nhiều nghi ngại, nhiều ngăn cản, nhưng cuối cùng con đường đã hoàn thành sau 3 năm, chính thức nối được hòn đảo sơ khai cùng một làng chài nghèo với đất liền. Đây chính là bước đột phá vĩ đại, đánh dấu một thời kỳ mới của đảo Tuần Châu. Cũng chính hòn đảo này giờ đây đã mở ra hàng loạt dự án, thu hút đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Sau lần “điên rồ” lấp biển xây đường ra đảo, ông Đào Hồng Tuyển một lần nữa gây chú ý khi triển khai xây dựng cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu - cảng du thuyền nhân tạo lớn nhất Việt Nam (được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập).

Hệ thống cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu gồm 2 bến cảng. Năm 2009, cảng 1 chính thức đi vào hoạt động, có chiều dài bến neo đậu 2.000m. Cảng 1 có năng lực tiếp nhận hơn 200 tàu lớn nhỏ ra vào đón trả khách. Xung quanh bến cảng là khu phố thương mại Đông và Nam Tuần Châu cùng những dự án bất động sản triệu USD khác…

Vào năm 2012, ông Tuyển tiếp tục đầu tư xây dựng cảng 2, tổng giá trị đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Sau 3 năm thi công, đến ngày 7/10/2015, cảng hoạt động với chiều dài bến neo đậu 7km, có thể tiếp nhận cùng lúc 2.000 tàu du lịch. Mỗi ngày có hơn 1.000 tàu thuyền hoạt động, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hơn 1.000 doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hơn 11.000 lao động.

Trước khi có bến cảng Tuần Châu, tàu thuyền đậu rải rác khắp nơi, không thể quản lý hết được. Việc kiểm định an toàn và chất lượng không đảm bảo và đã xảy ra nhiều vụ chìm, cháy làm mất niềm tin của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là nhà nước thất thu rất nhiều vì các hoạt động chui, trái phép của một số công ty du lịch.

Từ lúc có bến cảng Tuần Châu, việc quản lý dễ dàng hơn kèm theo đó giải quyết hàng chục ngàn việc làm cho người dân địa phương và thu ngân sách mỗi năm hơn 2.000 tỷ đồng, chưa kể nhà nước thu ngân sách tiền từ sử dụng đất.

Cũng nhờ có bến cảng Tuần Châu, khách du lịch trong và ngoài nước tham quan vịnh Hạ Long thuận tiện dễ dàng và hưởng được nhiều tiện ích mang tầm quốc tế. Cùng với việc làm con đường “huyền thoại”, với cảng tàu quốc tế, ông Tuyển đã dày công cùng Tập đoàn Tuần Châu đầu tư biến Tuần Châu thành một khu du lịch nghỉ dưỡng với hàng chục hạng mục công trình du lịch cao cấp như: khách sạn resort 5 sao, khu biểu diễn cá heo, khu biểu diễn nhạc nước lớn nhất Đông Nam Á, bến du thuyền, sân bay trực thăng… Giờ đây người dân Quảng Ninh tự hào vì sau một chặng đường 25 năm nhìn lại, từ một làng chài nghèo nhất Việt Nam nay đã trở thành một phường khang trang thịnh vượng.

Biến “đảo nghèo” thành đảo ngọc - ông Tuyển đã làm được một điều phi thường. Điều phi thường đó, không phải người bình thường nào cũng làm được. Nhờ động lực đó của người đứng đầu, mà hơn 25 năm qua, từ một công ty nhỏ, Tuần Châu trở thành tập đoàn với hơn 30 công ty thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực gồm du lịch, sân golf, bất động sản, cảng tàu - bến du thuyền… trải dọc từ Bắc chí Nam.

Triết lý gieo trồng của vị “chúa đảo”

Điều khiến ông Đào Hồng Tuyển vượt qua được tất cả để đầu tư vào Tuần Châu đó là bản lĩnh của một người lính, là tư duy sâu. Ông có một thói quen là luôn luôn thu thập, phân tích tổng hợp tất cả tin tức. Nhờ vậy mà ông tránh được tất cả những giông bão ấy, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ông từng nói: “Đừng bao giờ thấy bầu trời xanh mà tưởng rằng không có giông tố. Sự trong vắt của bầu trời một cách không bình thường chính là biểu hiện chân trời đang có vấn đề”.

Vị doanh nhân luôn cho rằng phải tổng hợp tri thức nhân loại để mang lại cho mình hiệu quả cao nhất trong cuộc sống, trong mọi hành vi của mình. Ông nhấn mạnh trong cuộc đời con người ta có hai loại vốn: vốn vô hình và vốn hữu hình. Hữu hình là tiền bạc, nhà cửa, đất đai, xe cộ… còn vô hình là trí tuệ. Vốn vô hình sẽ làm ra vô số cái hữu hình. Vốn hữu hình không thể sản sinh vốn vô hình cũng không thể mua được.

Với người khác, việc đất nước đóng cửa, bế quan toả cảng, bị cấm vận là một khó khăn khó vượt qua. Nhưng với ông Đào Hồng Tuyển, đó là một cơ hội. Vấn đề căn bản là làm thế nào để nhìn ra điều đó. Làm thế nào để khai thác được những nguồn lực đó, đưa những nguồn lực đó quay vòng để sinh lợi, làm thế nào để quản lý được hàng ngàn công nhân? Đó chính là tri thức tổng hợp và phẩm chất thủ lĩnh. Ai có những tố chất đó sẽ là người thành công.

Nhiều người thành đạt hiện đang làm từ thiện bằng cách xây nhà tình nghĩa, cứu trợ đồng bào bị bão lụt. Với ông Tuyển, ngoài những cách đó vẫn còn cách khác là chia sẻ tri thức. Ông tự tin là bản thân có một cái tài sử dụng đồng tiền để tạo ra tiền. Cái hữu ích của 10 triệu USD mà ông làm ra bằng người khác sử dụng 100 triệu USD. Đó là nghệ thuật tiêu tiền.

“Chúng ta làm giàu nhưng phải biết sử dụng đồng tiền, biết sử dụng một cách hữu ích nhất, đạt hiệu quả cao nhất. Giàu sang mấy thì cũng chỉ có thể ăn cơm ngày ba bữa, ngủ trên một chiếc giường… chứ có dùng nhiều hơn người khác được đâu! Gieo trồng quả ngọt để dâng tặng cho đời mới chính là tâm nguyện của tôi”, ông Đào Hồng Tuyển nói.

Tin mới lên