Tương lai của Honda Brio tại Việt Nam: ‘Giá bán quyết định đến sự sống còn’

Lê Ngà - 11/06/2019 16:45 (GMT+7)

(VNF) - “Một trong những yếu tố quyết định đến sự sống còn của sản phẩm là giá bán”, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Giám đốc Whatcar cho biết.

VNF
Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Giám đốc Whatcar.

Chủ trương mở cửa, hội nhập thị trường... của nhà nước thời gian qua đã giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường ô tô nói riêng đang ngày một trở nên sôi động và khách hàng có nhiều lựa chọn.

Có thể thấy phân khúc xe hạng A (xe giá rẻ) thời gian gần đây luôn rất “nóng” và luôn nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng, bởi đây là phân khúc dành cho khách hàng bình dân và những người mua xe lần đầu.

Phân khúc xe giá rẻ tại Việt Nam hiện đang nhận được sự quan tâm lớn từ phía người dùng

Với số tiền từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng, khách hàng trong nước có thể lựa chọn cho mình rất nhiều mẫu xe từ lắp ráp cho tới nhập khẩu. Chẳng hạn như Hyundai Thành Công đang có mẫu xe cỡ nhỏ Grand i10 với giá bán dao động từ 315-415 triệu đồng hay Kia Việt Nam sở hữu mẫu xe Morning có giá rất “mềm” chỉ từ 290 đến 393 triệu đồng.

Ngoài ra, thị trường còn những cái tên đáng chú ý khác như Toyota Wigo (gia nhập năm 2018) với giá bán dao động từ 34 đến 405 triệu đồng; Celerio của Suzuki với mức giá từ 329-359 triệu đồng.

Để tìm hiểu về sự sôi động và những tiềm năng của phân khúc xe giá rẻ đầy “béo bở” này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Thắng – Giám đốc Whatcar, một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về thị trường ô tô tại Việt Nam.

- Ông đánh giá thế nào về thị trường ô tô Việt Nam 6 tháng cuối năm ở phân khúc xe giá rẻ, khi có nhiều “ông lớn” đã tung ra các “át chủ bài” của mình?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Thị trường xe giá rẻ không phụ thuộc vào thời gian, bởi xe thuộc phân khúc A nhắm đến các đối tượng khách hàng mua xe lần đầu.

Nhóm đối tượng này họ không quá chú trọng vào thời điểm mua, khi nào có tiền và có nhu cầu thì họ sẽ mua. Thông thường tại Việt Nam, thị trường dịp cuối năm lúc nào cũng sôi động hơn.

- Đến năm 2030, Hà Nội sẽ cấm xe máy vào nội đô, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của phân khúc xe giá rẻ?

Chắc chắn là tốt. Đây sẽ là cơ hội hái ra tiền của các hãng ô tô tại Việt Nam trong tương lai.

Xét ở khía cạnh về mặt văn minh, dù ở bất kỳ quốc gia nào, khu đô thị lớn nào thì họ luôn hướng đến giảm thiểu xe máy, tăng cường phương tiện công cộng và tăng xe ô tô cá nhân.

- Phân khúc xe hạng A lâu nay là sự “thống trị” của Hyundai Grand i10 và Kia Morning, tới đây Honda Việt Nam sẽ “tham chiến” với cái tên Brio. Ông đánh giá thế nào về tính khả quan trong tương lai của mẫu xe này tại Việt Nam, khi mà mẫu xe này đã bị khai tử tại Ấn Độ?

Tôi cho rằng rất khả quan. Tuy nhiên với những chiếc xe hạng A thì giá bán là tiêu chí quan trọng hàng đầu, quyết định đến sự sống còn của sản phẩm.

Với những mẫu xe hạng A, giá bán là sự quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, sau đó mới đến các tiêu chí khác như: kiểu dáng, thương hiệu, trang bị tiện nghi,…

Mấu chốt chính là ở giá bán. Tôi lấy ví dụ giá bán của Kia Morning hay Grand i10 của Hyundai Thành Công đã đánh thẳng vào tâm lý khách hàng và nó nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường ở phân khúc xe giá rẻ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nhìn về tương lai của Honda Brio khi gia nhập thị trường ô tô Việt Nam sắp tới, một chuyên gia ô tô đánh giá Honda Brio sẽ rất khó cạnh tranh với Kia Morning và Hyundai Grand i10, nơi vốn là lãnh địa truyền thống của hai mẫu xe này. 

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Honda Brio sắp tới là dấu hiệu rõ nét cho thấy sự quyết tâm của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trong việc tham gia cạnh tranh ở phân khúc xe cỡ nhỏ, nơi lâu nay Kia Morning, Hyundai Grand i10 vẫn "làm mưa làm gió".

Xem thêm: Mercedes-Benz GLB – ‘đàn em’ GLC ra mắt, chưa có giá bán

Cùng chuyên mục
Tin khác