Ngân hàng

Tỷ giá tăng ăn hết lãi, doanh nghiệp gồng mình gánh lỗ

(VNF) - Nhiều doanh nghiệp cho biết, tỷ giá tăng gần 10% cùng với lãi suất ngân hàng lên 2 con số đang buộc các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để chống chịu. Dù đã cắt giảm chi phí, phải hạ lợi nhuận nhưng nhiều doanh nghiệp đã có dấu hiệu đuối sức.

Tỷ giá tăng ăn hết lãi, doanh nghiệp gồng mình gánh lỗ

Doanh nghiệp gồng mình chịu lỗ, chống chịu áp lực tỷ giá tăng

Tỷ giá tăng, ăn hết lãi

Ông Dương Quốc Nam, chủ hệ thống siêu thị nội thất Phố Xinh, nói: “Cứ thấy giá USD tăng là chóng mặt. Toàn bộ 120 nhà cung cấp và 65 thương hiệu nội thất cao cấp trên toàn cầu bán hàng cho Phố Xinh đều theo giá USD, tháng vừa qua mỗi đợt nhập hàng về, giá lại đội lên 1 chút, nhưng giá bán ra không thể điều chỉnh tăng theo tuần, theo tháng được”.

Với các đơn vị kinh doanh sản phẩm nội thất, hàng trang trí, quý IV là cao điểm bán hàng, bước vào mùa mua sắm - mùa khuyến mãi… nên muốn có khách, muốn bán được hàng thì phải giảm giá kích cầu thật mạnh nhưng với tình thế này, các doanh nghiệp đang mắc kẹt.

Vừa khai trương siêu thị nội thất rộng 20.000m2 với vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, làm mới nhiều siêu thị tỉnh thành khác… nên sau khi tính toán, giải pháp của hệ thống Phố Xinh là “giữ giá để giữ khách”, chấp nhận giảm lợi nhuận để chờ qua cao điểm khó khăn.

“Tỷ giá, lãi suất ngân hàng, giá xăng đang tăng đẩy chi phí bán hàng tăng. Tính ra lợi nhuận chung đã giảm gần 20%. Cộng thêm giá cả sinh hoạt tăng, chi phí vận hành và chăm lo đời sống 800 nhân viên trên toàn quốc cũng phải nhích lên, tất cả sự biến động này đã và đang rút hết lãi của doanh nghiệp”, ông Nam tâm tư.

Chủ một doanh nghiệp kinh doanh chuỗi thực phẩm cao cấp nhập khẩu cho biết, các hợp đồng nhập khẩu chủ yếu được thanh toán bằng USD, nên khi tỷ giá USD/VND thay đổi là tác động ngay đến kết quả kinh doanh của công ty. Cứ 1 triệu USD nhập khẩu hàng hóa trước đây trả khoảng 23 tỷ đồng thì nay đã lên gần 25 tỷ đồng. Ước tính mỗi tháng doanh nghiệp phải mất thêm hàng tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.

“Chúng tôi vẫn phải gồng gánh phần chi phí tăng thêm khi giá USD tăng cao, trong khi chưa dám tăng giá vì sức mua tương đối thấp”, chủ doanh nghiệp nói.

Ông Lê Đức Thuận, Giám đốc Doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng xe (huyện Bình Chánh, TP. HCM), cho biết doanh nghiệp của ông nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất và hiện vẫn đang gồng mình chịu lỗ cho khoản chênh lệch tỷ giá.

“Chúng tôi không thể tăng giá bán trong bối cảnh hiện nay vì sợ khách hàng khó chấp nhận được mức giá mới. Vì thế, chúng tôi chấp nhận chịu lỗ để gánh khoản chênh lệch tỷ giá”, ông Thuận chia sẻ.

Chịu tác động trực tiếp nhất là doanh nghiệp ngành du lịch, bà Hương Ly, đại diện doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại quận Tân Bình (TP. HCM), cho biết với các các tour, gói du lịch đưa khách Việt Nam ra nước ngoài, công ty phải trả các đối tác dịch vụ nước ngoài bằng ngoại tệ, chủ yếu bằng USD, trong khi khách hàng trong nước lại thanh toán bằng VND. Doanh nghiệp không thể tăng giá tour đối với khách hàng đặt trước. Việc tăng giá tour mới cũng không dễ vì còn nhìn nhau cạnh tranh khi nhu cầu du lịch còn thấp.

“Lợi nhuận của mỗi sản phẩm tour, gói du lịch quốc tế của chúng tôi không nhiều. Vì thế, nếu tỷ giá tiếp tục tăng, lợi nhuận doanh nghiệp nhận được sẽ giảm sâu hơn. Thậm chí, không còn lợi nhuận khi phải mua, trả cho các đối tác nước ngoài bằng ngoại tệ với giá cao”, đại diện cho hay.

Khó trên mọi mặt trận

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM, khi USD tăng giá cao, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, các doanh nghiệp ngành gỗ không dám nhập khẩu quá nhiều vì gặp tác động mạnh của giá đầu vào. Nếu USD tăng giá cao, lãi suất ngân hàng cũng sẽ có xu hướng tăng, kéo theo các doanh nghiệp vốn đã khó tiếp cận nguồn tín dụng nay lại càng thêm khó khăn.

Còn theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. HCM, tỷ giá tăng nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu không thể vui, bởi giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh khiến phần lãi chênh lệch từ tỷ giá hầu như không đáng kể.

Ở chiều ngược lại, với các doanh nghiệp có lợi thế xuất khẩu, USD tăng giá khiến doanh thu xuất khẩu khi quy đổi sang đồng Việt Nam tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp khi sản xuất vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, giá USD tăng khiến doanh nghiệp vừa bị gia tăng chi phí, vừa phải gánh khoản chênh lệch tỷ giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.

Tổng giám đốc doanh nghiệp xây lắp kết cấu thép có trụ sở tại Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, thép trong nước có chất lượng chưa cao và phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nước ngoài. Hàng năm kim ngạch nhập khẩu thép chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Do đó, tỷ giá biến động chắc chắn ảnh hưởng đến doanh nghệp sản xuất thép và liên đới ảnh hưởng đến doanh nghiệp bất động sản.

Trong khi đó, hiện ngân hàng đã hết room tín dụng, thị trường trầm lắng và các nguồn huy động khác của doanh nghiệp bất động sản đều khó khăn. Bởi vậy, khi mặt bằng lãi suất tăng mạnh vào cuối năm đã ảnh hưởng ngay lập tức đến hoạt động đầu tư bất động sản, tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất thứ cấp liên quan như: thi công xây dựng, cung ứng vật liệu xây dựng… Các doanh nghiệp ngành xây dựng hiện nay đều đang phải chật vật xoay xở vì giá vật liệu xây dựng tăng cao, lãi vay và bài toán nợ đọng.

Vị giám đốc này cho biết: “Để đối phó biến động tỷ giá làm chi phí đầu vào tăng nhanh, doanh nghiệp chúng tôi đã triển khai một số biện pháp nhằm giảm thiểu và hạn chế tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh như: thực hiện kiểm soát chặt tất cả các đầu mục chi phí đối với những hạng mục có đơn giá cố định, trọn gói; đàm phán với các nhà cung cấp chiến lược để giảm thiểu mức tăng giá trên nguyên tắc chia sẻ và quan hệ đối tác lâu dài; trong trường hợp cần thiết, sẽ phối hợp với chủ đầu tư tiến hành đánh giá lựa chọn nhà cung cấp thay thế đáp ứng tiêu chí về giá cả, chất lượng, tiến độ…”
 

Tin mới lên