Tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành và mối quan hệ với Vạn Thịnh Phát

Minh Anh - 03/04/2024 23:02 (GMT+7)

(VNF) - Doanh nghiệp của tỷ phú Lý Gia Thành vừa đề xuất giải pháp toàn diện liên quan đến Ngân hàng SCB. Tập đoàn của đại gia bất động sản giàu nhất Hồng Kông này từng muốn hợp tác với bà Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - từ 2022.

VNF

Tỷ phú Lý Gia Thành từng muốn hợp tác với Vạn Thịnh Phát

Chiều ngày 1/4, trong phiên xét xử vụ đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB, ông Phan Trung Hoài, luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan, bất ngờ gửi đến Hội đồng xét xử văn bản ngày 27/3 của Tiến sĩ Justin Chiu, Giám đốc điều hành Tập đoàn CK Asset Holdings Limited. Đây là một trong những tập đoàn đầu tư lớn mạnh nhất Hong Kong trong lĩnh vực bất động sản do tỷ phú Lý Gia Thành sáng lập.

Văn bản được chuyển cho Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát về việc tạo điều kiện đàm phán để đầu tư các dự án cũng như đề xuất một số giải pháp toàn diện cho các tài sản liên quan đến Ngân hàng SCB. 

Gia đình bà Trương Mỹ Lan - người bị Viện Kiểm sát buộc tội gây thiệt hại 677 nghìn tỷ đồng - cho biết đã liên hệ với Quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn CK Asset Holdings Limited của tỷ phú Lý Gia Thành, với mong muốn được đề xuất giải pháp toàn diện liên quan đến SCB.

Theo luật sư Hoài, gia đình bà Lan đề xuất làm việc với Quỹ đầu tư, sử dụng giải pháp khác nhau để chuyển nhượng dự án ở mức cao nhất thông qua phương thức tối ưu; đề xuất bán, chuyển nhượng với các tài sản thế chấp tại SCB.

Tập đoàn của tỷ phú Lý Gia Thành từng muốn hợp tác với bà Trương Mỹ Lan từ 2022.

Vào tháng 5/2022, CK Asset Holdings Limited, một trong hai tập đoàn đầu tư của tỷ phú Lý Gia Thành, đã ngỏ ý muốn hợp tác với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư vào TP.HCM.

Trước đó, vào tháng 4/2022, Tập đoàn Cheung Kong Holdings của ông Lý Gia Thành và Tập đoàn ORIX của Nhật Bản đã có cuộc gặp với lãnh đạo TP.HCM để thảo luận về việc đầu tư vào thành phố này.

Tại cuộc họp, ông Triệu Quốc Hùng, Chủ tịch của Tập đoàn Cheung Kong Holdings, cho biết Cheung Kong hứa sẽ cùng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rót rất nhiều vốn vào các lĩnh vực này trong thời gian sớm nhất có thể, đưa TP.HCM trở thành trung tâm chiến lược về tài chính và công nghệ; đồng thời hứa hẹn thúc đẩy các dự án bất động sản cao cấp, bao gồm khu dân cư, văn phòng, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí và các lĩnh vực kinh doanh khác.

Tại thời điểm đó, ông Lý Gia Thành đã thấy được những tiềm năng lớn của kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế và chính trị Albert Song chia sẻ trên Epoch Times rằng: “Một lần nữa ông Lý Gia Thành vội chuyển sự quan tâm sang khám phá Việt Nam, vì nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Vào năm 2020, khi tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn vượt xa Trung Quốc và đứng trong nhóm hàng đầu thế giới.”

Đây cũng không phải là lần đầu tiên gia tộc Lý Gia Thành đầu tư vào TP.HCM.

Vào tháng 4/2020, người con trai thứ của ông Lý Gia Thành là Lý Trạch Giai (Richard Li) với tập đoàn FWD Group Holdings Limited (FWD Group), đã được chấp thuận để mua lại Vietcombank -Cardif - một liên doanh bảo hiểm nhân thọ do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sở hữu.

'Siêu nhân' Hồng Kông giàu cỡ nào?

Tỷ phú Lý Gia Thành (Li Ka-shing) sinh ngày 29/7/1928 tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông là anh trai cả trong một gia đình có dòng dõi thư hương lâu đời. Tuổi thơ của ông cơ cực, gắn liền với thời chiến tranh loạn lạc ở Trung Hoa.

12 tuổi, ông Lý Gia Thành đến Hồng Kông (Trung Quốc) và phải bỏ học sau khi cha qua đời. Những biến cố thời niên thiếu đã tôi luyện Lý Gia Thành trở thành một con người rắn rỏi, nhiều kinh nghiệm.

Ông đã học nghề sửa chữa đồng hồ, sau đó trở thành một nhân viên bán hàng dây đeo đồng hồ. Năm 17 tuổi, ông chuyển sang bán đồ chơi tại một công ty kinh doanh nhựa. Nhờ tinh thần nỗ lực chăm chỉ làm việc, ông nhanh chóng được thăng chức giám đốc kinh doanh. Từ đó, tài năng kinh doanh của ông đã được phát huy, ông tự đặt ra cho mình mục tiêu lớn là trở thành một doanh nhân giàu có.

Năm 1950, ông Lý Gia Thành thành lập nhà máy Cheung Kong, một cơ sở chuyên sản xuất nhựa ở Hồng Kông với số vốn ít ỏi ban đầu là 50.000 đô la Hồng Kông, cùng khoản tiết kiệm và vay bạn bè.

Ông trải qua 10 năm đầu khó khăn, làm việc 7 ngày một tuần, mỗi ngày 16 giờ và còn tự học thêm vào ban đêm. Do nhân lực trong xưởng thiếu nên ông không nề hà bất cứ việc gì, từ mua hàng đến nhận đơn đặt hàng. Doanh nghiệp của ông dần trở thành nhà cung cấp hoa nhựa lớn nhất châu Á.

Năm 1960, tỷ phú Lý Gia Thành bắt đầu chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản, rồi sau đó là cảng biển, công nghệ...

Nhờ những thành công ban đầu trong lĩnh vực bất động sản, năm 1971, Lý Gia Thành thành lập Công ty Bất động sản Cheung Kong. Một năm sau đó, ông đổi tên thành Cheung Kong Holdings và niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.

Năm 1979, ông mở rộng kinh doanh bằng cách mua lại Ngân hàng Hutchison Whampoa từ HSBC - ngân hàng lớn thứ hai tại Anh vào thời điểm đó. Lý Gia Thành đã biến Hutchison Whampoa thành một trong những nhà khai thác cảng độc lập lớn nhất trên thế giới, phát triển cơ sở cảng container tại Hồng Kông (Trung Quốc), Canada, Trung Quốc đại lục, Anh, Bahamas...

Sau nhiều thập kỷ đa dạng hóa, các hoạt động kinh doanh của tỷ phú Lý Gia Thành hiện bao gồm nhiều lĩnh vực như bất động sản, viễn thông, cảng, bán lẻ và tiện ích, trong đó châu Âu, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đóng góp phần lớn doanh thu.

Mặc dù trải qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, từ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019 đến những thăng trầm của đại dịch Covid, nhưng kể từ lần đầu được Forbes vinh danh là người giàu nhất Trung Quốc năm 1999, ông vẫn luôn giữ vững được ngôi vị này trong 15 năm tiếp theo.

Hiện ông Lý Gia Thành vẫn là tỷ phú giàu nhất Hồng Kông và giàu thứ 37 trên thế giới. Khối tài sản ròng tính tới ngày 1/4, theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, của ông Lý Gia Thành đạt 36,7 tỷ USD, được hình thành chủ yếu từ bất động sản. Ông cũng đứng đầu trong số những người giàu nhất thế giới trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Theo Forbes, tỷ phú Lý Gia Thành có biệt danh “superman” (siêu nhân) và là người có ảnh hưởng lớn nhất trong cộng đồng các nhà kinh doanh tại châu Á, với sự thành công trong cả sự nghiệp và lối sống. Tập đoàn của ông Thành đã làm từ thiện hơn 3,8 tỷ USD.

Lý Gia Thành nổi tiếng không chỉ ở Hồng Kông mà còn được biết đến ở khắp châu Á nhờ nghị lực phi thường, từ 2 bàn tay trắng thành tỷ phú giàu nhất xứ Hương cảng. Ông được tạp chí nổi tiếng Asiaweek chọn là người đàn ông quyền lực bậc nhất châu Á vào năm 2001.

Ông Lý Gia Thành đã nghỉ hưu và rút khỏi vị trí chủ tịch hai tập đoàn CK Hutchison Holdings (chuyên đầu tư) và CK Asset Holdings (chuyên bất động sản) vào tháng 5/2018 nhưng vẫn là cố vấn cao cấp.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.