Công nghệ

Ứng dụng gọi xe FastGo lấn sân dịch vụ giao đồ ăn và đi chợ hộ

Tham vọng của FastGo cũng giống với Grab và Go-Viet, đó là trở thành một nền tảng đa dịch vụ dành cho người dùng Việt Nam.

Ứng dụng gọi xe FastGo lấn sân dịch vụ giao đồ ăn và đi chợ hộ

Ứng dụng gọi xe FastGo lấn sân dịch vụ giao đồ ăn và đi chợ hộ. (Ảnh minh hoạ)

Công ty FastGo cho biết đang gấp rút chuẩn bị cho ra mắt dịch vụ Food Delivery và Đi chợ theo yêu cầu vào cuối năm 2018. Food Delivery là dịch vụ giao đồ ăn thông qua tài xế 2 và 4 bánh của FastGo, cạnh tranh với GrabFood của Grab, cũng như Now.vn của Foody.

Trong khi đó, dịch vụ Đi chợ theo yêu cầu sẽ đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm, thức ăn, hàng hóa cho các bà nội trợ vốn hạn hẹp về mặt thời gian.

Mặc dù chưa tiết lộ nhiều về 2 nhóm dịch vụ mới, nhưng dễ thấy, tham vọng của FastGo cũng giống với Grab và Go-Viet, đó là trở thành một nền tảng đa dịch vụ dành cho người dùng Việt Nam.

Gần đây nhất, FastGo đã chính thức có mặt tại Đồng Nai và Bình Dương, phục vụ khách hàng di chuyển trong thành phố và đặc biệt khách hàng đi và đến TP. HCM.

Ông Nguyễn Hữu Tuất - Tổng Giám Đốc FastGo Việt Nam chia sẻ: "Đồng Nai và Bình Dương là 2 thành phố phụ cận với TP. HCM có lưu lượng xe và khách hàng di chuyển giữa các thành phố cao. Việc FastGo có mặt tại tất cả các thành phố giúp khách hàng yên tâm di chuyển, đồng thời giảm cuốc khách rỗng cho lái xe. Hiện có khoảng 1.000 xe hoạt động tại hai thành phố này".

Tiếp theo đó, kế hoạch của FastGo là sẽ ra mắt tại TP. Hạ Long và Nha Trang vào đầu tháng 11/2018.

FastGo là ứng dụng gọi xe của Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn NextTech của ông Nguyễn Hòa Bình. Sau 3 năm xây dựng và phát triển, FastGo hiện đã có mặt tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng với hơn 30.000 đối tác lái xe đã tham gia.

Ứng dụng đã nhận được đầu tư từ quỹ đầu tư VinaCapital ngày 30/8/2018 và đang tiếp tục huy động vốn đợt hai lên đến 50 triệu USD.

CEO Nguyễn Hữu Tuất cho biết vòng gọi mới nhằm thực hiện tham vọng mở rộng ứng dụng gọi xe FastGo ra các thị trường Đông Nam Á như Indonesia và Myanmar. Theo đúng kế hoạch, ứng dụng này sẽ gia nhập thị trường Myanmar vào cuối năm nay.

Phía FastGo cho biết khác biệt của công ty là không thu chiết khấu % đối với lái xe, chỉ thu từ tối đa 30.000 đồng khi lái xe có doanh thu trên 400.000 nghìn đồng. Bên cạnh đó, FastGo cũng không tăng giá giờ cao điểm, nhưng có tính năng TIP giúp khách hàng chủ động thưởng cho lái xe.

CEO Nguyễn Hữu Tuất đánh giá dù thị trường gọi xe Việt Nam vẫn đang nằm trong tay Grab, nhưng dư địa dành cho các ứng dụng gọi xe nội vẫn còn nhiều.

Hãng này thống kê, quy mô thị trường gọi xe Việt Nam trị giá khoảng 1,7 tỷ USD. Ngoài Grab đang thống lĩnh thị trường, hơn 50% thị phần gọi xe vẫn dành cho các ứng dụng gọi xe khác và cả các hãng taxi truyền thống.

Tin mới lên