Ứng phó khi tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao
(VNF) - Tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao và thiết lập kỷ lục mới. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan quản lý cần làm gì để ứng phó với biến động của tỷ giá.
Chịu nhiều sức ép, tỷ giá USD/VND lập kỷ lục mới
Ngày 15/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.298 đồng/USD, tăng 8 đồng. Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp tỷ giá trung tâm đi lên không ngừng nghỉ trước xu hướng tăng mạnh của đồng USD.
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND liên tục niêm yết ở mức sát, thậm chí kịch trần cho phép trong hơn suốt 3 tuần qua.
Tại Vietcombank, tỷ giá USD/VND hiện giao dịch ở mức 25.190-25.512 đồng/USD (mua vào - bán ra), cao nhất trong hơn 1 năm.
Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng khoảng 1.100 đồng, tương đương mức tăng 4,4%
Giá USD trên thị trường tự do được mua - bán với giá 25.600-25.709 đồng/USD.
Giới chuyên gia dự đoán tỷ giá USD/VND sẽ còn căng thẳng đến hết năm nay.
Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, tỷ giá sẽ biến động quanh mức 3% hàng năm, trong đó cuối năm sẽ đạt khoảng 25.200 đồng/USD, nhờ thặng dư thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối, du lịch tăng trưởng...
Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng áp lực tỷ giá cũng vẫn sẽ tăng cao trong tháng 11 này. Thậm chí cao điểm, đồng VND có thể mất giá 5%, tỷ giá sẽ tiệm cận mức 26.000 đồng/USD.
Giá USD trong nước tăng mạnh nhờ sức mạnh của đồng bạc xanh trên thị trường thế giới.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đã leo lên 106,8 điểm, mức cao nhất trong hai năm trở lại đây.
Đà đi lên của đồng bạc xanh được xem là chịu ảnh hưởng từ sự lạc quan của các nhà đầu tư hậu bầu cử Mỹ và những kỳ vọng về chính sách thương mại dưới chính quyền mới.
Đồng USD duy trì xu hướng tăng liên tục so với các đồng tiền chủ chốt sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chưa đến 10 ngày sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, chỉ số DXY tăng gần 3,3 %. Trong khi vàng chỉ mới ngưng đà rơi khi đang đi ngang quanh 2.560 USD/ounce.
Các chính sách của ông Trump về hạn chế nhập cư bất hợp pháp, ban hành thuế quan mới có thể thúc đẩy tăng trưởng và cả lạm phát, làm giảm khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và gia tăng sức mạnh cho đồng USD.
Giới đầu tư đang giảm dần kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất của sau lời phát biểu mới đây của Chủ tịch Fed. Ông Powell đưa ra tín hiệu về việc Fed không quá cấp bách đối với việc cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế đang cho thấy sự tăng trưởng tốt, thị trường việc làm vững chắc trong khi lạm phát vẫn còn dai dẳng.
Bên cạnh sức ép từ thị trường quốc tế, tỷ giá USD/VND cũng chịu sức ép do nhu cầu ngoại tệ (trả nợ nước ngoài, nhập khẩu nguyên liệu và doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước…) có xu hướng gia tăng do các yếu tố mùa vụ.
Ngoài ra, nhu cầu mua ngoại tệ từ Kho bạc Nhà nước cũng là một trong những yếu tố khiến tỷ giá tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Ứng xử ra sao khi tỷ giá tăng cao?
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, tỷ giá USD/VND đang đứng trước nhiều rủi ro và thách thức, đặc biệt từ áp lực lạm phát, chính sách lãi suất của Fed và sự giảm sút trong dự trữ ngoại hối Việt Nam. NHNN đang phải đối mặt với thách thức giữ ổn định tỷ giá mà không làm suy giảm dự trữ ngoại hối.
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp trong tháng 10 như phát hành tín phiếu qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) với tổng lượng 90,5 nghìn tỷ đồng và bán USD từ dự trữ ngoại hối với giá 25.450 đồng/USD để can thiệp thị trường. Nhưng dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện chỉ còn ở mức 2,4 tháng nhập khẩu - thấp hơn mức khuyến nghị 3 tháng từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tỷ giá liên tục biến động và có xu hướng tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Mirae Asset đánh giá việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát nhập khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và nguyên liệu sản xuất. Khi USD tăng giá, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa phải trả chi phí cao hơn, gây tăng chi phí sản xuất và có thể ảnh hưởng đến giá cả tiêu dùng trong nước.
Không chỉ các doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều hoặc vay nợ bằng USD sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi phải chịu chi phí tăng thêm mà ngay cả các doanh nghệp xuất khẩu cũng không được hưởng nhiều lợi ích khi tỷ giá tăng. Vì phần lớn máy móc thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu đều phải nhập khẩu, nên khi tỷ giá tăng cũng sẽ đẩy giá nguyên vật liệu tăng.
TS. Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Đại Nam, nhận định tăng tỷ giá sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp nhập khẩu trong trường hợp vay USD thì chịu thua lỗ bởi rủi ro tỷ giá. Nếu nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để sản xuất thì chi phí sản xuất sẽ cao hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn nhưng lợi ích này cũng sẽ giảm trong trung và dài hạn.
Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang chịu sức ép lớn từ thị trường quốc tế và nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng, NHNN đang triển khai cả hai công cụ là phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ để 'ghìm cương' tỷ giá. Hoạt động điều hành của NHNN được đánh giá sẽ giúp kìm chế đà tăng nóng của tỷ giá nhưng sẽ phần nào ảnh hưởng tới thanh khoản VND trên thị trường liên ngân hàng.
TS. Nguyễn Hoàng Nam nhận định nếu tỷ giá vượt qua biên độ cho phép vào một thời điểm nào đó từ giờ đến cuối năm NHNN sẽ bán USD để kéo tỷ giá về mức mong muốn. Quy mô của dự trữ ngoại hối đủ nhiều để thực hiện động thái chính sách này. Sau đó áp lực sẽ giảm dần do dòng kiều hối chảy về trong nước khi cận kề Tết dương lịch và nguyên đán.
Còn Mirae Asset gợi ý rằng NHNN cần tìm kiếm các biện pháp bổ sung để ổn định thanh khoản thị trường ngoại hối mà không làm suy giảm dự trữ ngoại hối. Một số giải pháp như tăng cường hợp tác với các đối tác thương mại lớn để đa dạng hóa nguồn ngoại tệ, đồng thời điều chỉnh chính sách lãi suất nhằm giảm tác động của tỷ giá lên lạm phát nhập khẩu.
Ngoài ra, Chính phủ có thể cân nhắc các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tăng nguồn cung ngoại tệ hoặc giảm các chi phí không cần thiết trong nhập khẩu để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Với các doanh nghiệp, việc chuyển đổi hợp đồng mua bán sang đồng VND hoặc sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá như hợp đồng kỳ hạn (forward) là các biện pháp khả thi để giảm thiểu tác động từ biến động tỷ giá.
Tỷ giá biến động, nhiều ngân hàng lãi lớn nhờ buôn ngoại tệ
- Tỷ giá USD/VND chạm mức cao nhất trong vòng 1 năm 14/11/2024 03:30
- Tỷ giá cao nhất lịch sử, lãi suất khó giảm thêm 10/11/2024 02:30
- Tỷ giá USD/VND giảm mạnh sau khi Fed giảm lãi suất 08/11/2024 02:31
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.