Thị trường

Ưu đãi cho nông nghiệp: Cần chạm tới các vấn đề cốt lõi

(VNF) – Trong thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách nhằm ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, những vấn đề cốt lõi nhất, mang tính nền tảng như quyền tài sản đối với đất đai, bảo vệ quyền hợp đồng và chống gian lận sở hữu trí tuệ, nhãn mác lại chưa được xử lý triệt để.

Ưu đãi cho nông nghiệp: Cần chạm tới các vấn đề cốt lõi

Chính phủ đang dành sự quan tâm rất lớn cho nông nghiệp.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến nông nghiệp. Quan sát những văn bản pháp luật được ban hành trong năm 2018, có thể nhìn thấy rất rõ một số lượng lớn các văn bản trong lĩnh vực nông nghiệp được ban hành, sửa đổi. Điều này đã tạo ra nhiều ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhận nhiều ưu đãi

Nông nghiệp công nghệ cao được xem là hướng đi quan trọng của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Trong năm 2018, có khá nhiều chính sách đã được đưa ra và thể hiện trong các văn bản pháp luật tương ứng nhằm hỗ trợ các khoản đầu tư vào lĩnh vực này.

Cụ thể, Nghị định 116/2018 (sửa đổi Nghị định 55/2015) về tín dụng nông nghiệp tiếp tục mở rộng phạm vi đối tượng được vay vốn và hạn mức cấp tín dụng đối với nông nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào nông nghiệp công nghệ cao.

Về đối tượng được hưởng ưu đãi tín dụng, nghị định này mở rộng ưu đãi cho cả các dự án ứng dụng công nghệ cao có thể được cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm đến 70% giá trị của dự án. Thêm vào đó, dự án còn có thể sử dụng chính tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm. Đây được xem là những quy định hết sức cởi mở cho việc cấp tín dụng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh việc mở rộng tín dụng, các quy định về trình tự thủ tục để một doanh nghiệp được công nhận là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cũng được cải thiện trong năm 2018 tại Quyết định 19/2018 của Thủ tướng. Đây là văn bản thay thế Quyết định 69/2010/QĐ-TTg trước đây với khá nhiều sửa đổi theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

Nông nghiệp hữu cơ cũng là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Trong năm 2018, lần đầu tiên Chính phủ ban hành văn bản pháp luật điều chỉnh về nông nghiệp hữu cơ – Nghị định 109/2018.

Từ góc độ kiểm soát, công cụ quản lý chính được đưa ra trong nghị định này là một cơ chế dựa vào pháp luật về tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo đó, nhà cung ứng nông sản hữu cơ sẽ phải thuê một đơn vị chứng nhận sự phù hợp để kiểm tra và công bố tiêu chuẩn kỹ thuật. Nghị định cũng đã có quy định để bảo hộ ghi nhãn chữ “100% hữu cơ”, “hữu cơ”, “sản xuất từ thành phần hữu cơ”. Hiện tại, TCVN 11041 đã được ban hành và được một số đơn vị chứng nhận sự phù hợp cung cấp dịch vụ chứng nhận.

Từ góc độ hỗ trợ, theo nghị định, nếu được coi là nông sản hữu cơ, doanh nghiệp sẽ nhận được một số ưu đãi, hỗ trợ từ phía nhà nước trong các chương trình ưu đãi hỗ trợ đã có và được hỗ trợ thêm các chi phí để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài hai lĩnh vực nêu trên, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn cũng đã được Chính phủ chỉnh sửa trong năm 2018.

Theo đó, diện ưu đãi được mở rộng hơn bao gồm cả các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống nông thôn. Các biện pháp hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương mới được đưa vào Điều 12 và Điều 14 của Nghị định 52/2018. Đây là cơ sở chính sách tốt để phát triển những làng nghề thủ công mỹ nghệ hoặc những ngành nghề mang tính chuyên môn hoá dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được hỗ trợ lớn

Sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam trước đây chủ yếu được thực hiện bởi các cá nhân, hộ gia đình và hợp tác xã. Vai trò của các doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào các công đoạn khác như vật tư nông nghiệp, chế biến nông sản, thương mại. Các doanh nghiệp ít khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp do những hạn chế về quyền tiếp cận đất đai và những nghĩa vụ kế toán, tài chính với nhà nước.

Nghị định 57/2018 đã tập trung ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Những ngành nghề được ưu đãi đầu tư theo nghị định này rất rộng, từ lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, giống, thuỷ sản, máy móc, vật tư nông nghiệp, chế biến nông lâm thuỷ sản cho đến sản xuất hàng thủ công, nước sạch, xử lý chất thải, thương mại nông sản, thậm chí cả xây dựng nhà ở cho người lao động nông thôn, dịch vụ tư vấn và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...

Các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nêu trong nghị định cũng rất đa dạng, từ miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước, cấp bù chênh lệch lãi suất, hỗ trợ chi phí xây dựng hạ tầng, đến chi phí nghiên cứu, mua công nghệ, đào tạo lao động, quảng cáo, xây dựng cơ sở sản xuất.

Điều đặc biệt ở nghị định này là có những biện pháp ưu đãi, hỗ trợ về thủ tục hành hành chính và cam kết không gây khó khăn từ phía nhà nước. Cụ thể, Nghị định 57 hỗ trợ về tập trung đất đai, cho phép doanh nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì không phải chuyển sang thuê đất. Nhà nước cũng cam kết không điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm ảnh hưởng đến dự án trừ trường hợp đặc biệt.

Cũng tại nghị định này, nhà nước cam kết không có các thủ tục hành chính về xác nhận nguồn gốc nguyên liệu và các thủ tục hành chính khác gây khó khăn cho việc khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, trừ trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia và dịch bệnh nguy hiểm.

Doanh nghiệp được ưu đãi về làm thủ tục hành chính như liên thông thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, rút ngắn việc cấp giấy phép quy hoạch, đơn giản việc thẩm định thiết kế, miễn giấy phép xây dựng, miễn việc thẩm tra công nghệ, thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ đầu tư.

Ngoài ra, nhà nước cam kết không thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dự án đầu tư khi chưa hoạt động sản xuất kinh doanh trừ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, các hỗ trợ trên khá đặc biệt vì đây là những vấn đề thể chế, môi trường kinh doanh chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề tài chính như thường thấy.

Vẫn chưa chạm đến vấn đề cốt lõi

Đánh giá về các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nông nghiệp của Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đó là những biện pháp rất cần thiết và mở ra cơ hội mới cho nền nông nghiệp. Tuy nhiên VCCI cũng nhấn mạnh những biện pháp nêu trên vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi, gồm quyền tài sản đối với đất đai, xử lý vi phạm về nhãn mác hàng hoá và thực thi hợp đồng.

Theo VCCI, một trong những vấn đề cốt lõi là nhà nước bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của doanh nghiệp một cách rộng rãi. Tuy nhiên, trên thực tế, tiếp cận đất sản xuất lại đang là một trong những cản trở lớn khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Theo Điều tra PCI 2017, có đến 76% doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong hai năm qua.

Thậm chí, các doanh nghiệp nông nghiệp cho rằng thủ tục hành chính về đất đai là phiền hà nhất, cao hơn tất cả các lĩnh vực khác như thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường, giao thông… Khi muốn mở rộng mặt bằng sản xuất, có rất nhiều cản trở đối với các doanh nghiệp như thủ tục thuê, mua đất phức tạp (49% doanh nghiệp đồng ý), quy hoạch chưa phù hợp (38%), cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi (32%)… Trong khi đó, vấn đề tích tụ đất nông nghiệp đã được bàn luận từ lâu song các quy định pháp luật thời gian qua vẫn chưa giải quyết được vấn đề này.

Một cản trở khác nữa đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, là hàng hoá gian lận về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và nhãn mác. Trên thực tế, chỉ cần trên thị trường tồn tại những cửa hàng bán rau không bảo đảm an toàn nhưng lại treo biển rau sạch, rau hữu cơ thì người tiêu dùng sẽ có tâm lí không tin tưởng vào các thương hiệu kinh doanh trung thực. Thậm chí, có doanh nghiệp đưa ra chứng nhận nông sản sạch do nhà nước cấp như Vietgap cũng vấn bị người tiêu dùng nghi ngờ đã dùng tiền để “mua” chứng nhận.

Do đó, việc ban hành pháp luật về các tiêu chuẩn nông sản không thôi là không đủ, mà còn cần có các biện pháp thực thi hiệu quả, không chỉ xử lý nghiêm các doanh nghiệp cung cấp thông tin không trung thực mà còn phải xử lý nghiêm cả những cá nhân có hành vi tiêu cực khi chứng nhận sự phù hợp.

Về vấn đề thực thi hợp đồng, Nghị định 98/2018 dù đã cố gắng để ưu đãi các liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ nông sản và nông dân nhưng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để khiến liên kết này được bền vững hơn.

Cụ thể, khi có một bên “lật kèo”, bên còn lại buộc phải khởi kiện ra toà án để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, với thực trạng giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại kéo dài về thời gian và kém hiệu quả để thực thi bản án, nhiều trường hợp doanh nghiệp và người dân buộc phải chấp nhận thiệt hại. Các liên kết trong nông nghiệp vì thế trở nên vô cùng lỏng lẻo.

Theo đánh giá của VCCI, chỉ khi nào các quyền tài sản đối với đất đai, quyền bảo vệ hợp đồng, nhãn mác và sở hữu trí tuệ được bảo hộ một cách đầy đủ, nhanh chóng và hiệu quả thì nông dân, doanh nghiệp mới có thể được thụ hưởng một cách vững chắc những thành quả lao động của mình, từ đó kinh tế nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững.

“Đây là những vấn đề nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thậm chí một số vấn đề nằm ngoài phạm vi quản lý của Chính phủ. Do đó, rất cần có sự thay đổi nhận thức và phối hợp giải pháp từ cả phía Quốc hội và toà án để có thể giải quyết tận gốc vấn đề”, VCCI nhận xét.

Tin mới lên