Tài chính

VAFI đề xuất thanh tra làm rõ vì sao dự án hệ thống giao dịch KRX triển khai gần 10 năm chưa xong

(VNF) - VAFI đề xuất Bộ Tài chính thanh tra làm rõ nguyên nhân tại sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan cung cấp mà sàn HoSE vẫn không thể làm chủ công nghệ vận hành, đồng thời thanh tra làm rõ vì sao dự án hệ thống giao dịch KRX của Hàn Quốc triển khai gần 10 năm chưa xong.

VAFI đề xuất thanh tra làm rõ vì sao dự án hệ thống giao dịch KRX triển khai gần 10 năm chưa xong

VAFI đề xuất thanh tra làm rõ vì sao dự án hệ thống giao dịch KRX triển khai gần 10 năm chưa xong

Trong văn bản kiến nghị mới đây gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) bày tỏ hoan nghênh quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao Thanh tra Bộ thanh tra hành chính Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) để xác định nguyên nhân và tình trạng nghẽn lệnh giao dịch.

Phía VAFI đưa ra một số đề xuất liên quan đến nội dung thanh tra. Theo đó, VAFI cho rằng đầu tiên là cần phải đi tìm nguyên nhân lý giải tại sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan cung cấp mà sàn HoSE không thể làm chủ công nghệ vận hành.

"Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan hay Hàn Quốc không thể tự bản thân họ làm ra phần mềm giao dịch ban đầu mà họ phải mua công nghệ từ các công ty chuyên làm phần mềm, nhưng sau đó họ nhanh chóng làm chủ công nghệ vận hành, chẳng những làm chủ mà họ còn có khả năng bán phần mềm mà họ sở hữu cho các đối tác nhỏ khác như HoSE", phía VAFI nhận định, đồng thời đặt câu hỏi phải chăng nhân sự giỏi về công nghệ thông tin (IT) không được mời chào làm việc tại HoSE nên mỗi lần gặp trục trặc là HoSE lại khẩn cấp mời chuyên gia của phía Thái Lan sang giải quyết.

VAFI cũng cho rằng phải tìm hiểu xem chất lượng nhà thầu thường xuyên bảo quản hệ thống giao dịch tại HoSE ra sao.

"Nếu lựa chọn trong 20 năm qua thì chắc chắn rằng FPT dư sức không chỉ làm chủ công nghệ vận hành mà còn có khả năng nâng cấp và tình trạng nghẽn lệnh kéo dài như hiện nay đã không xảy ra", hiệp hội này nêu quan điểm.

Nội dung quan trọng thứ hai theo phía VAFI là cần thanh tra dự án phần mềm giao dịch được cung cấp bởi Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX).

"Dự án nhỏ thôi, được khởi động từ năm 2012 nhưng đã 10 năm rồi vẫn chưa hoàn thành, vậy cần phải tìm nguyên nhân tại sao dự án tiến hành chậm trễ, giá trị dự án có tăng lên so với ban đầu, nguyên nhân làm cho giá trị dự án tăng lên?", hiệp hội này nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần xác định vai trò của nhà thầu phụ Việt Nam trong dự án này, do ai lựa chọn, chất lượng nhà thầu ra sao, có khả năng làm chủ công nghệ vận hành hệ thống mới hay không.

Một vấn đề nữa theo VAFI là tại sao không chọn những nhà thầu hàng đầu Việt Nam như FPT để sau này nếu có sự cố thì họ có khả năng nhanh chóng giải quyết mà không lệ thuộc vào chuyên gia nước ngoài.

"Chúng ta cần phải biết rằng Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc, Thái lan không phải là các doanh nghiệp chuyên về công nghệ thông tin, họ có mảng IT và có chuyên gia IT giỏi nhưng nhiệm vụ hàng đầu của bộ phận IT này là đảm bảo cho hệ thống của họ hoạt động trơn tru và thông suốt, sau cùng khi có thời gian thì họ mới làm các công việc phụ khác, cho nên bài học rút ra là khi mua công nghệ phần mềm giao dịch nước ngoài thì bộ phận IT sàn HoSE hay nhà thầu quản lý hệ thống phải làm chủ được công nghệ vận hành, phải biết sửa chữa các lỗi phát sinh", Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải nêu trong công văn kiến nghị.

Bên cạnh việc thanh tra các vấn đề liên quan đến tình trạng nghẽn lệnh, VAFI cho rằng Bộ Tài chính cần thanh tra tình trạng "các cổ phiếu rác, thực chất là không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HoSE nhưng được lựa chọn vào chỉ số VN30 trong 6 năm từ 2014 đến 2020".

"Những cổ phiếu kém chất lượng này có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng không bị ngăn cản phát hiện từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ HoSE. Hầu như tất cả các nhà đầu tư giá trị tránh xa cổ phiếu rác này và chỉ có hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán bị dụ lao vào giao dịch để từ đó những chủ doanh nghiệp này có cơ hội bán giấy thu lợi hàng nghìn tỷ đồng", phía VAFI gay gắt.

"Ai có lợi trong việc này và ai bị thiệt hại trong việc này và chẳng nhẽ không có ai chịu trách nhiệm trong việc này?", phía VAFI đặt câu hỏi.

Ngoài ra, VAFI cũng đề xuất Bộ Tài chính thanh tra tình trạng ghi nhận doanh thu giả, lợi nhuận giả, vốn điều lệ khống, thanh tra tình trạng thổi giá chứng khoán thu lợi bất chính.

Tin mới lên