Ngân hàng

VAMC: Vướng mắc xử lý nợ xấu không nằm tại Nghị quyết 42 mà ở quá trình tổ chức thực hiện

(VNF) - Ông Đỗ Giang Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC), cho rằng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu không tồn tại vướng mắc mà vướng mắc nằm trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết này.

VAMC: Vướng mắc xử lý nợ xấu không nằm tại Nghị quyết 42 mà ở quá trình tổ chức thực hiện

Ông Đỗ Giang Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC)

Tại tọa đàm: “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm”, TS Cấn Văn Lực đã nêu 6 vấn đề còn tồn tại khi thực hiện Nghị quyết 42.

Thứ nhất là sự vào cuộc của các các cơ quan ban ngành địa phương chưa quyết liệt. Vấn đề này đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo và đưa lên quốc hội.

Thứ hai là sự thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán giữa các cơ quan nhà nước trong xử lý nợ xấu. Theo TS. Cấn Văn Lực, liên quan đến thứ tự dùng tiền thu hồi được nợ, quy định tại Nghị quyết 42 chưa thể hiện rõ bên nào sẽ thực hiện thu nợ trước giữa các bên như thuế, ngân hàng, dẫn đến xảy ra “giằng co” giữa các bên, khiến xử lý nợ xấu bế tắc.

Thứ ba là thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo. Quá trình này hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của khách hàng. Theo vị chuyên gia này, cưỡng chế là biện pháp “cực chẳng đã”, tuy nhiên quá trình thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo sẽ rất khó thực hiện nếu khách hàng không có thiện chí.

Thứ tư là việc tài sản đảm bảo rao bán tới nhiều không thành công. Nguyên nhân theo TS. Cấn Văn Lực có thể do định giá, quy định không phép giá bán lần sau thấp hơn lần trước,… Trong đó, định giá là một vấn đề phức tạp khi chưa có nhiều công ty định giá có năng lực để định giá nợ xấu, định giá tài sản đảm bảo.

Vấn đề thứ năm là thủ tục rút gọn. Theo đó, việc rút gọn thủ tục được kỳ vọng tạo đột phá nhưng cuối cùng chỉ có 2-3 hồ sơ được xử lý theo dạng rút gọn. Nguyên nhân vì trong quá trình xử lý theo hình thức này, nếu phát sinh tình tiết mới liên quan đến nợ xấu thì quá trình xử lý sẽ quay lại theo cách thông thường.

Cuối cùng, TS Cấn Văn Lực cho rằng hiện chưa có một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, bao gồm cả mua bán nợ xấu lẫn nợ bình thường. Việc mua bán nợ này được thực hiện qua thị trường đúng nghĩa mới tăng được thanh khoản và thu hút tiền của nhà đầu tư.

Theo ông Đỗ Giang Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC), vướng mắc không nằm tại Nghị quyết 42 mà vướng mắc nằm ở quá trình tổ chức thực hiện.

Cụ thể, trong giai đoạn năm 2017-2022, ông Nam cho biết VAMC đã va chạm rất nhiều với các bộ, ngành, địa phương nhưng cách hiểu, cách vận dụng những nội dung cụ thể trong Nghị quyết 42 mỗi địa phương một khác.

Trong đó, ông Nam nhấn mạnh về vấn đề xử lý tài sản đảm bảo là các dự án bất động sản dở dang. Việc chuyển nhượng này theo ông là mất rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện. Trong 5 năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, VAMC chỉ thực hiện chuyển nhượng được duy nhất 1 dự án bất động sản dở dang tại TP. HCM, còn một số địa phương khác theo ông Đỗ Giang Nam là “không thể làm nổi”.

“Cách hiểu, cách vận dụng Nghị quyết 42 ở các địa phương mỗi nơi một kiểu và có thể cảm quan chung của tôi, dường như việc xử lý nợ xấu này trách nhiệm chung của ngành ngân hàng thì phải mà chưa nhận được sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, các địa phương trong khi chúng ta nhìn nhận ra nợ xấu này là nợ xấu chung của nền kinh tế và việc tháo gỡ nợ xấu này chỉ giúp khơi thông ngành ngân hàng mà còn là động lực để phát triển nền kinh tế nữa. Đấy là những vướng mắc trong quá trình thực thi”, đại diện VAMC cho biết.

Dù vậy, ông Đỗ Giang Nam vẫn cho rằng Nghị quyết 42 là văn bản pháp lý cao nhất đối với hoạt động xử lý nợ xấu ở ngân hàng.

Trong đó có rất nhiều các quy định ưu việt, như vấn đề liên quan tới xử lý việc thanh toán đối với số tiền thu hồi từ việc xử lý tài sản đảm bảo, vấn đề về nợ sang bồi thường cá nhân không giới hạn đối với công ty có chức năng mua bán nợ; vấn đề về cho phép chuyển nhượng các dự án bất động sản; vấn đề phải xử lý tài sản đảm bảo, vấn đề về phân bổ lãi dự thu; vấn đề về thu giữ tài sản…

“Những nội dung đó ở trong Nghị quyết 42 nêu rất rõ và có thể nói, đóng góp rất lớn trong kết quả xử lý nợ xấu ngành ngân hàng trong thời gian qua”, đại diện VAMC cho biết.

Theo dự báo của TS Cấn Văn Lực, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2%, tỷ lệ nợ xấu gộp ở mức 6%. Hiện tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ đang ở mức 1,4%. Tuy nhiên sau 6 tháng vừa qua, Thông tư 14 hết hiệu lực và nếu không được gia hạn thì một số khoản nợ sẽ phải chuyển nhóm và làm gia tăng nợ xấu.
Tin mới lên