Tài chính tiêu dùng

Vận hạn tín dụng tiêu dùng: Doanh số suy giảm, nợ xấu bùng lên

(VNF) - Hoạt động cho vay của nhóm công ty tài chính ngày càng “teo tóp”, một số tổ chức phải cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, khiến doanh số sụt giảm tới 33%. Trong khi đó, hoạt động thu nợ khó khăn, đặc biệt là phong trào bùn nợ đẩy nợ xấu lên cao.

Vận hạn tín dụng tiêu dùng: Doanh số suy giảm, nợ xấu bùng lên

Co hẹp cho vay vì bùng nợ

Cho vay tiêu dùng từng được xem là "con gà đẻ trứng vàng" của một số ngân hàng thương mại và công ty tài chính, với mức tăng trung bình trên 20% mỗi năm. Song từ đầu năm 2020, thị trường này đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Kinh tế khó khăn, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, đã khiến nhu cầu vay vốn của khách hàng sụt giảm mạnh, chất lượng tài sản đi xuống và nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ.

Không chỉ vậy, các công ty tiêu dùng còn bị ảnh hưởng nặng bởi làn sóng người vay rủ nhau "bùng nợ" với đủ loại lý do chủ quan lẫn khách quan. Không ít công ty tài chính gặp tình trạng nợ xấu tăng nhanh, phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự, thậm chí thua lỗ nặng.

6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của một số công ty tài chính sụt giảm mạnh, từ 30-80%, thậm chí tới hơn 300% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, nợ xấu của 16 công ty tài chính tiêu dùng vào cuối năm 2022 đã tăng hơn 23% so với năm trước đó.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA cho biết, đến cuối tháng 9/2023, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,53% so với cuối năm ngoái. Trong đó, cho vay của nhóm công ty tài chính chỉ đạt 134.279 tỷ đồng. So với cuối năm ngoái, tín dụng của nhóm công ty tài chính sụt giảm tới 33%.

Trong khi tín dụng suy giảm mạnh, nợ xấu nhóm công ty tài chính lại tăng nhanh. Tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Theo ông Hùng, tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung, còn có yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp mạnh động để đòi nợ đến chính quyền; các hội nhóm rủ nhau "bùng nợ" tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các tổ chức tín dụng, nhưng không bị xử lý…

"Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, một số tổ chức tín dụng buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh", ông Hùng nói.   

Ông Hùng cho rằng, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn dẫn đến hoạt động cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp. Đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng rất thấp trong 5 năm qua.

Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng, khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng. Trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên/dưới 2%). Tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung, còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý, trong đó nổi lên là tình trạng khách hàng cố tình không trả nợ.



Tín dụng tiêu dùng vẫn là một lĩnh vực tiềm năng

Đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng.

Hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng gồm 3 hình thức: Ngân hàng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; công ty tài chính tiêu dùng cho vay tiêu dùng; cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng được đánh giá là một lĩnh vực tiềm năng. Tại các nước phát triển, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng ở mức cao. Tại Việt Nam, khi điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng tăng, vượt qua ngưỡng của các nước đang phát triển thì việc vay tiêu dùng và cho vay phục vụ tiêu dùng là nhu cầu hết sức khách quan và cần thiết của xã hội.

Phó Thống đốc nhận định, hiện cho vay tiêu dùng ở nước ta đang có vấn đề. Quan hệ cho vay giữa công ty tài chính với người vay đang không tích cực. Vay trốn nợ, quỵt nợ, đặc biệt thu hồi nợ đang là vấn đề nhức nhối. Hơn nữa, nếu như tín dụng chính thức giảm bao nhiêu thì tín dụng đen có cơ hội phát triển.

Một thực tế khác đó là việc hiện có nhiều công ty tài chính trá hình, nhập nhằng giữa tổ chức không được hoạt động cho vay và các tổ chức được cấp phép hoạt động chính thức.

Ông Tú cho rằng, những vấn đề này cần được giải quyết, cần có quy định nếu không bản thân các công ty tài chính thức bị lấn át, bị mất niềm tin của thị trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ nhiệm CLB Tài chính Tiêu dùng, nhìn nhận, tình trạng khách hàng "bùng nợ" tăng cao, bên cạnh lý do kinh tế suy thoái, bất ổn định còn có lý do chính yếu và không kém quan trọng là sự đánh đồng, hiểu sai của xã hội về mô hình hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống với "tín dụng đen" sau khi phương tiện truyền thông đưa tin về việc cơ quan chức năng kiểm tra, phong tỏa trụ sở làm việc của các công ty tài chính tiêu dùng đã tạo nên sự hiểu nhầm các công ty tài chính này hoạt động phi pháp nên người vay không cần trả nợ.

Bên cạnh đó, các hình thức tín dụng đen trực tuyến như các trang thông tin điện tử, ứng dụng di động giả mạo, trá hình trên thị trường đang phát triển với tốc độ chóng mặt đã gây ra sự hiểu lầm cho khách hàng.

Đặc biệt, tình trạng rủ nhau "bùng nợ tập thể" đã trở thành trào lưu rất tiêu cực tràn lan trên mạng xã hội, khiến nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn trong công tác thu hồi nợ.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, để tạo điều kiện cho tín dụng tiêu dùng phát triển, đồng thời, quản lý hoạt động này an toàn, nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện cho vay tiêu dùng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, cảnh báo các vấn đề rủi ro.

Nhiều chuyên gia đề xuất cần truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo…) để tẩy chay các hành động vay tiền rồi sau đó cố tình không trả nợ cho ngân hàng, công ty tài chính; lên án hiện tượng bùng nợ, lập hội nhóm cùng nhau trốn nợ.

Bộ Công an cần xem xét tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng, công ty tài chính tiếp cận Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp giảm thiểu gian lận trong việc trộm cắp, giả mạo danh tính.

Các ngân hàng thương mại, công ty tài chính cũng cần thống nhất hiệp thương để đưa ra các tuyên bố chung về chế tài với việc cố tình, chây ì trả nợ. Ví dụ, nếu người vay bị đánh giá lẩn tránh, chây ì trả nợ tại tổ chức tín dụng, thì công ty tài chính sẽ không tiếp tục cấp tín dụng cho người vay đó…

Tin mới lên